(Baonghean) - Sông Lam Nghệ An là “cha đẻ” của mô hình đào tạo bóng đá trẻ theo kiểu tập trung và gần 20 năm qua, họ luôn chứng minh được vị thế của mình khi các đội U của SLNA thay nhau thống trị ở các giải trẻ quốc gia. Vinh quang có thừa nhưng ít ai biết được rằng, các cầu thủ đang sinh sống và tập luyện nơi đây thua thiệt rất nhiều so với các trung tâm đào tạo trẻ khác về chế độ dinh dưỡng.

Dù đã đấu tranh, lên tiếng nhiều nhưng thực tế là hiện nay, mức đầu tư cho 2 buổi ăn chính của cầu thủ “lò” Sông Lam vẫn chỉ là 20.000 đồng/bữa (60.000 đồng/ngày kể cả 2 bữa ăn sáng và ăn khuya). Đây là chế độ dinh dưỡng thấp nhất trong số các CLB có hệ thống đào tạo trẻ. Nếu nhìn ra, một CLB hạng Nhất bây giờ cũng cũng đầu tư đến 90.000 đồng/ngày dành cho các VĐV trẻ. Một số trung tâm bóng đá lớn như Viettel hay PVF, mức đầu tư dinh dưỡng cao hơn rất nhiều. Bởi mức chi quá ít nên đầu bếp cũng như những người có liên quan ở “lò” Sông Lam cho biết, bao năm qua, họ đã phải rất dè sẻn để đảm bảo cho cầu thủ ăn đủ no để ra sân đá bóng.

Nhiều cầu thủ cho biết, sau mỗi giờ tập hoặc buổi tối, họ phải ra những quán ăn ở phía ngoài CLB để ăn thêm vì trong bụng lúc nào cũng cảm thấy đói. Đây là chuyện không mới. Những cầu thủ đã trưởng thành như Công Vinh, Hồng Tiến, Viết Nam… cũng từng trải qua những ngày tháng vất vả, thiếu thốn đó. Có những câu chuyện đã thành giai thoại, thành kỷ niệm không bao giờ quên đối với nhiều tài năng xứ Nghệ.

815701_small_105586.jpg

Một bữa cơm của các cầu thủ ở  “lò” Sông Lam.

Biết chế độ dinh dưỡng như vậy là thấp và thực tế, SLNA bao năm qua cũng đã cố gắng cân đối để tăng lên. Tuy nhiên, đề án cải thiện bữa ăn của các cầu thủ “lò” Sông Lam vẫn chưa thể thực hiện được. Có chăng, mùa giải này, lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ đã thuyết phục được Nhà tài trợ đầu tư sữa, mỗi buổi sáng và tối cầu thủ được uống một ly sữa TH.

Con không chê cha mẹ nghèo, cầu thủ trẻ cũng như đội 1 ở SLNA hầu như không bao giờ kêu ca, họ vẫn tập luyện và “cháy” hết mình mỗi lần ra sân. Chức vô địch V.League năm 2011 hay việc các đội trẻ thu được nhiều thành tích ở giải quốc gia là minh chứng cho tinh thần vượt khó đó.

Tuy nhiên, nói như Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thanh, nếu chúng ta cứ dẫm chân tại chỗ thì rất dễ bị vượt mặt. Bây giờ “lò” Sông Lam đang có vị thế nhưng những năm gần đây, chúng ta đã phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khác. Đáng lo hơn, một số đội như Viettel, HA.GL, PVF… thậm chí nhiều năm qua đã cho người đến tận Nghệ An để tìm kiếm tài năng. Việc 1/2 đội hình của U.13 Viettel hiện nay là người Nghệ An đủ để cho thấy, nhân tài bóng đá ở xứ Nghệ đang bị “chảy máu” nghiêm trọng.

Một HLV đội trẻ của “lò” Sông Lam cho biết, những đội khác họ có tiền, chế độ dinh dưỡng tốt nên khi đặt lên bàn cân, dù là đội bóng quê hương nhưng nhiều cầu thủ nhí xứ Nghệ vẫn chấp nhận gia nhập những “lò” đạo tạo khác để hy vọng có tương lai tốt hơn. Hay như PVF chẳng hạn, năm vừa rồi, họ cho người theo dõi các đội bóng của Nghệ An ở Hội khỏe phù đổng toàn quốc, ai chơi hay họ tiếp cận ký luôn hợp đồng với chế độ tốt, thậm chí có cả “lót tay” cho cả phụ huynh.

SLNA có những cái khó về tài chính, điều đó ai cũng hiểu nhưng nếu chế độ dinh dưỡng chậm được cải thiện thì là một thiệt thòi lớn với các cầu thủ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chúng ta khó giữ chân nhân tài, bởi giờ đây, sự cạnh tranh trong đào tạo trẻ ở Việt Nam đang thực sự quyết liệt và gay gắt.


Lâm Vũ