(Baonghean) - Đó là Phan Thị Bình - cán bộ thư viện huyện Yên Thành. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề và khát khao cống hiến, chị đã có nhiều giải pháp tăng số lượng độc giả và trăn trở muốn phổ cập văn hóa đọc về tận các làng, xã cho bà con nông dân và học sinh vùng sâu, vùng xa…

images1183219_anh1.jpgChị Phan Thị Bình.
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An, Khoa Thông tin thư viện năm 2004, Phạm Thị Bình về làm thủ thư cho Thư viện huyện Yên Thành. Những ngày đầu về làm việc không khí thật là buồn tẻ, độc giả mỗi ngày chỉ lèo tèo một, vài người, có ngày chẳng có ai, thư viện vắng tanh. Mình phải làm sao đây!? Câu hỏi đó luôn thường trực trong đầu cô gái trẻ mới vào nghề. Chị trăn trở tìm giải pháp, cuối cùng chị cũng nghĩ ra sáng kiến. Chị nói chuyện với học sinh phổ thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách và quảng cáo về thư viện huyện. Mấy ngày sau chị đã có hơn chục độc giả.
 
Theo đà đó chị đi “tiếp thị” nhiều địa phương và phát tờ rơi ở các `trường học, lên đài truyền hình huyện quảng bá về thư viện. Nhờ đó, phong trào đọc sách lan nhanh trên diện rộng và đến nay số lượng độc giả mỗi ngày đến thư viện rất đông, không những học sinh phổ thông mà đủ mọi lứa tuổi. Tuy số lượng độc giả ngày một đông, đầu sách phong phú với gần 20 ngàn đầu sách và hơn 30 tờ báo, tạp chí các loại nhưng chị đã sắp xếp lại hệ thống thư viện một cách khoa học, sắp xếp sách theo từng lĩnh vực. Làm thêm tích kê đầu sách, sắp đặt vào các ô thuộc các lĩnh vực để cho độc giả dễ tìm kiếm. Chị Bình cho biết: “Việc này không khó, nhưng phải bỏ công một chút làm thêm số dán bên ngoài thì tìm rất dễ”. Chúng tôi rất khâm phục trước sức đọc của chị khi đề cập đến tác phẩm, tác giả không những trong nước mà nước ngoài thì cơ bản chị đều am hiểu rất cặn kẽ. Chị nói: “Đọc sách không những bổ sung kiến thức, nâng cao hiểu biết mà còn phục vụ cho công việc thư viện của tôi”. Quả vậy, đọc nhiều nên chị “quảng cáo” nội dung giúp độc giả tìm đọc những quyển sách bổ ích và hướng độc giả đọc sách phù hợp với lứa tuổi…
 
Không những thu hút được số lượng độc giả lớn đến với thư viện mà cô thủ thư nhiều tâm huyết này đang còn day dứt vì chưa phổ cập được nhiều hơn nữa. Chị tâm sự: “Điều đáng tiếc là thư viện cấp xã hoạt động chưa hiệu quả. Thiết nghĩ nâng cao văn hóa đọc là nâng cao dân trí. Mỗi năm thư viện huyện luân chuyển cho xã khoảng 200 đầu sách. Nếu như biết vận động nguồn sách trong dân và kêu gọi ủng hộ thư viện xã thì chắc ai cũng đồng tình. Tôi mong muốn phổ cập sách các lĩnh vực và tuyên truyền về văn hóa đọc cho bà con nông dân và những học sinh vùng sâu, vùng xa”.
 
Chị Bình chia sẻ kinh nghiệm: “Làm cán bộ thư viện phải giới thiệu sách đến bạn đọc với tất cả tấm lòng, phải truyền tải cảm xúc từ những câu chuyện, nhân vật trong cuốn sách thì mới thu hút được bạn đọc. Và trên hết là giúp các bạn trẻ yêu sách và phát triển văn hóa đọc”.
 
Với lòng yêu nghề và kiến thức của mình, vừa qua, chị đã giành giải Nhất tỉnh về cuộc thi thư viện viên giỏi. Nhưng lớn hơn chị đã làm được một điều rất thiết thực có ý nghĩa với quê hương, đó là phổ cập văn hóa đọc cho nhiều người và làm cho Thư viện Yên Thành trở thành nơi mọi người tìm đến học hỏi và giao lưu kiến thức….
 
Tiến Dũng
(Yên Thành)