(Baonghean.vn) - Quan tâm đến kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, cử tri các địa phương bày tỏ ý kiến cùng các cấp chính quyền tìm giải pháp khắc phục tình trạng nông sản rớt giá.
Cử tri Đậu Đình Thân, xóm 5, xã Diễn Cát, Diễn Châu: Cần “bắt mạch” đúng giá cả thị trường cho nông sản.
Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, khiến không ít nông dân làm ăn thua lỗ. Nguyên nhân là do sản xuất còn mang tính tự phát, chưa có định hướng thị trường dẫn đến nông dân gặp nhiều bế tắc trong đầu ra cho nông sản… Nhiều hộ nông dân bỏ ruộng không, chuồng không.
Theo tôi, để sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững rất cần sự quan tâm của nhà nước, nhất là dự báo tình hình thị trường và định hướng giống cây, thời điểm nào giúp ngành nông nghiệp và ngành liên quan, các địa phương trong nước xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, “bắt mạch” đúng giá cả thị trường cho nông sản và có giải pháp lâu dài để thu mua sản phẩm ổn định để nông dân sản xuất có hiệu quả.
Đồng thời, để nâng cao giá trị nông sản, cần quan tâm hỗ trợ khâu sau thu hoạch như bảo quản, sơ chế, tinh chế,… nhằm gia tăng giá trị nông sản nước nhà bởi nông sản của chúng ta đang chủ yếu ở dạng sản phẩm thô nên giá trị vẫn còn thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân.
Cử tri Nguyễn Đình Phụng bản Pạn, xã Châu Lý, Quỳ Hợp: Cần đầu tư phát triển nông nghiệp sạch.
Tôi rất vui mừng vì trong những năm gần đây, Nhà nước đang có xu thế kích cầu các sản phẩm nông sản bản địa. Nhờ đó, hiện nay nhiều giống vật nuôi bản địa được phát triển và mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Nhất là sản phẩm nông nghiệp do bà con miền núi sản xuất ra là sản phẩm sạch nên được sản phẩm được thị trường ưa chuộng.
Tôi nghĩ để khai thác tiểm năng lợi thế của miền núi, Nhà nước cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng các mô hình nông nghiệp sạch, công nghệ cao để nhân rộng, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, tránh tình trạng người nông dân sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ.
Hơn nữa, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay trong phát triển nông nghiệp chính là Nhà nước chưa kiểm soát được chất lượng, độ an toàn của sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, sản phẩm trên thị trường còn thật giả lẫn lộn. Tôi đề nghi Nhà nước quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, kết hợp đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, ổn định và bền vững, để sản phẩm nông sản có thể tiếp cận được trong những siêu thị lớn, hay những thị trường các nước trên thế giới.
Cử tri Lộc Quốc Việt, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương: "Rào cản lớn nhất chính là ý thức của người dân''.
Người dân các huyện miền núi cao như Tương Dương chúng tôi sản xuất nông nghiệp thường ngày đã gặp không ít khó khăn bởi thời tiết, quỹ đất đai ít ỏi, phương tiện sản xuất và việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn rất hạn chế. Vì thế, nếu sản phẩm làm ra mà lại bị rớt giá, ế ẩm sẽ tác động không tốt đến tâm lý, dễ chán nản dẫn đến phá vỡ cơ cấu cây trồng, chặt cây này bỏ cây khác không theo hướng dẫn, quy hoạch của chính quyền.
Vì thế, theo tôi để giảm tình trạng được mùa mất giá, người nông dân ngoài tuân thủ các kế hoạch, hướng dẫn của cán bộ, chính quyền trong khâu sản xuất, tiêu thụ thì cần có sự trợ giá nhất định cho các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.
Bên cạnh đó người dân nên chú trọng tận thu các sản phẩm mình làm ra, không để bỏ phí. Tôi nhận thấy trong vấn đề này rào cản lớn nhất chính là ý thức của người nông dân. Mọi người cần nhận thức được rằng phải thay đổi tư duy, không trông chờ, ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước mà phải năng động tự tìm đầu ra cho sản phẩm mình làm ra.
Cử tri Nguyễn Duy Danh xóm 2B, xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương: “Cần có giải pháp để giảm chi phí đầu vào”.
Gia đình tôi có 5 suất ruộng được chia theo NĐ 64, sau khi luân đổi tôi đấu thầu thêm 6 sào nữa ở đồng Rai Rái. Vất vả quanh năm bình quân mỗi vụ thu về được khoảng 3 tấn lúa, nếu bán hết thu được khoảng 17 triệu đồng. Nghe 3 tấn lúa thì to nhưng 17 triệu đồng thì lại quá nhỏ vì đó là tổng thu nhập chứ trừ chi phí phân, giống, thuốc trừ sâu, thuê cấy, thuê gặt mỗi vụ chỉ thu được khoảng 5 triệu gọi là lãi ròng, bình quân mỗi tháng chưa được 1 triệu đồng.
Thông thường thì lúa gạo chúng tôi không bán mà đầu tư sang chăn nuôi nhưng năm nay giá lợn rẻ, kéo theo giá trị các con nuôi khác cũng đều rẻ nên chăn nuôi thua lỗ. Tôi đã bán cả đàn lợn nái không nuôi lợn, nuôi gà nữa, để nhanh chóng giảm lỗ nhưng không chăn nuôi cũng chẳng biết làm gì.. Tôi đã giảm số vụ trồng lúa nay chỉ sản xuất mỗi vụ xuân, sắp tới sẽ giảm diện tích. Mong muốn Nhà nước có giải pháp làm sao cho nông dân chúng tôi giảm được chi phí sản xuất nâng cao được giá trị nông sản”.
Cử tri Đậu Thị Lân, xóm 7, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc: "Nên giãn thời gian vay vốn cho nông dân từ 1 năm đến 3 năm".
Để giảm thiểu tình trạng nông sản rớt giá, tôi nghĩ rằng cấp trên, đặc biệt ngành Nông nghiệp cần có định hướng, dự báo, tuyên truyền cho nông dân nên trồng cây gì và nuôi con gì trong mỗi vụ sản xuất, giúp người nông dân như chúng tôi làm ra nông sản nhưng không bán được, thua lỗ.
Ví như gia đình tôi mấy tháng nay bất an vì lứa lợn trên 300 con đến ngày xuất chuồng nhưng rất ít người đến hỏi mua, gia đình phải gọi thương lái nhiều nơi đến bán lỗ. Tính trung bình 1 con gia đình nuôi trong thời gian 4 tháng thua lỗ trên 1 triệu đồng. Biết lỗ nhưng không bán cũng không được, vì giá thức ăn thì không giảm, tiền lãi suất ngân hàng thì phải trả đúng hẹn. Chúng tôi đành chọn giải pháp vừa bán “chạy” vừa nhờ người thân mổ lợn đi bán khắp nơi, thậm chí xuống các chợ ở Cửa Lò để rao bán. Vì thế mong cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng cần sớm tìm ra giải pháp để giúp người dân như chúng tôi tìm được hướng đi đúng để yên tâm sản xuất.
Nhóm PV-CTV