Bài viết chia sẻ quan điểm của cô giáo tiếng Anh Moon Nguyen về mối liên hệ giữa thời điểm bắt đầu học ngoại ngữ với kết quả của người học.
Nguồn gốc của tư tưởng "học tiếng Anh càng sớm càng tốt"
Thông điệp “học tiếng Anh càng sớm càng tốt” mình đã nghe từ lâu. Lần đầu tiên vào năm 2010, chị đồng nghiệp tại trường công lập Grand Rapids Public schools (Michigan, Mỹ) nói “nếu học tiếng Anh sau 11 tuổi, sẽ vĩnh viễn không bao giờ được như bản xứ”. Sau này, nhiều người cũng thấm nhuần tư tưởng này.
Tư tưởng "học tiếng Anh càng sớm càng tốt" dựa trên một học thuyết gọi là Critical Period Hypothesis (CPH), ra đời giữa thế kỷ 20. Cái tên gắn liền với học thuyết này là Lenneberg, cho rằng nếu học ngôn ngữ mẹ đẻ sau độ tuổi nhất định (lấy mốc là tuổi dậy thì, khoảng 11 tuổi thời xưa và thời nay ở Mỹ khoảng 9 tuổi), thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Họ tin rằng khi não bộ trẻ con chưa hoàn thiện, việc hấp thụ ngôn ngữ dễ hơn.
Về sau các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu thêm, thấy học thuyết này không chỉ đúng với ngôn ngữ mẹ đẻ, mà còn đúng cả với việc học ngôn ngữ thứ hai, thứ ba… Từ đó, người ta cho rằng học ngôn ngữ muộn thì sẽ khó khăn hơn, sinh ra ý niệm “the younger, the better" (càng sớm, càng tốt). Tiếng Anh được đưa vào chương trình giảng dạy sớm hơn tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Phụ huynh bắt đầu lo lắng nếu con không đi học sớm sẽ không thể nào giỏi tiếng Anh.
Mình dành khá nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích các tài liệu liên quan trong 10 năm trở lại đây, để giải thích vấn đề một cách khách quan nhất.
Nghiên cứu về CPH được thực hiện như thế nào?
Khi ai đó bảo mình “nghiên cứu chỉ ra rằng …”, thì mình sẽ lập tức hỏi “nghiên cứu đó được thực hiện như thế nào?”. Không phải kết quả của nghiên cứu là chân lý, bởi bản thân nghiên cứu có những hạn chế nhất định. Hơn nữa, cùng nghiên cứu về một vấn đề, kết quả thực hiện ở vùng này có thể sẽ khác với vùng khác. Các nghiên cứu về CPH trên thế giới hiện có rất nhiều quan điểm mâu thuẫn.
1. Nghiên cứu ủng hộ CPH
Các nghiên cứu chủ yếu thực hiện ở quốc gia nói tiếng Anh là ngôn ngữ bản xứ (inner circle - tức những người học tiếng Anh tại quốc gia mà tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, sử dụng rộng rãi trong và ngoài trường, như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Canada…). Họ so sánh người bắt đầu học tiếng Anh sau 11 tuổi (mốc tuổi dậy thì) với người bản xứ, thấy kém hơn, đặc biệt là kỹ năng nói.
2. Nghiên cứu (tạm gọi) phản bác CPH
Nhiều nghiên cứu khác cho thấy người học muộn cũng đạt được trình độ của bản xứ, kể cả "accent". Tuy nhiên, chúng thực hiện ở các nước ESL - tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, chưa thấy có nghiên cứu nào ở các nước EFL - tiếng Anh là ngoại ngữ như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho rằng nếu bạn tiếp xúc và học tiếng Anh trong khoảng 2.000 giờ thì dường như không còn khoảng cách tuổi tác giữa người học sớm với người học muộn.
Bất cập của các nghiên cứu
Tại sao không có nghiên cứu nào cho thấy người học ở các nước EFL như Việt Nam có thể đạt được trình độ tiếng Anh của người bản xứ? Sự khác biệt của EFL và ESL là yếu tố môi trường. Ở Mỹ (ESL), bạn đi học tiếng Anh, ra đường ai ai cũng nói tiếng Anh. Còn ở Việt Nam (EFL), bạn học tiếng Anh 3-4 giờ mỗi tuần, về nhà nói tiếng Việt. Nếu chăm chỉ, bạn có thêm vài tiếng ngồi xem TV bằng tiếng Anh, việc tương tác bằng tiếng Anh ngoài lớp học khó xảy ra thường xuyên. Như vậy, yếu tố input(đầu vào như các nguồn nghe, đọc tiếng Anh) và interaction(tương tác bằng tiếng Anh với giáo viên, bạn bè và cộng đồng những người nói tiếng Anh) rõ ràng đóng vai trò quan trọng.
Các nghiên cứu ủng hộ CPH chưa tính đến yếu tố đầu vào, tương tác mà người học có được. Ví dụ, hai người nhập cư đều muộn (sau tuổi dậy thì), một người 13 tuổi, một người 20 tuổi. Với cùng thời gian ở Mỹ, người 13 tuổi đi học cả ngày, suốt ngày ngồi trên lớp nghe bạn bè thầy cô nói tiếng Anh, rồi phải làm việc nhóm, đương nhiên là tiếng Anh sẽ khác với người 20 tuổi, đi làm công nhân nhà máy, cả ngày ngồi máy, chẳng cần nghe hay nói nhiều với ai. Những nghiên cứu về CPH chưa phân loại được hai loại “late starters” (những người bắt đầu muộn) này. Nếu phân loại, biết đâu họ sẽ thấy nhóm người học muộn nhưng lại ở trong môi trường có nhiều tương tác với tiếng Anh, chẳng kém gì so với người bản xứ?
Ngoài ra, các nghiên cứu ủng hộ CPH không so sánh kỹ người học sớm với người học muộn, mà so sánh người học muộn với bản xứ. Điều này thiếu công bằng. Nghiên cứu thực hiện bằng “grammatical judgment test” (cho đọc một loạt câu và đánh giá xem câu đó ổn hay không) và “speech production” (đọc một đoạn văn để người bản xứ đánh giá xem giọng có giống bản xứ không). Các lĩnh vực khác như viết, đọc, nghe vẫn chưa được động đến.
Gợi ý cho phụ huynh Việt Nam
Như mình chỉ ra ở trên, tương tác và đầu vào là rất quan trọng, đặc biệt ở các nước EFL như Việt Nam. Điều quan trọng nhất không phải học sớm hay muộn, vì nghiên cứu chưa chỉ ra học muộn kém hơn học sớm.
Quan trọng là đầu vào (nếu muốn con nói như bản xứ thì cho nghe các nguồn bản xứ nói, viết), tương tác (nói chuyện với người khác bằng tiếng Anh). Như mình nói ở trên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng sau hơn 2.000 giờ học và tiếp xúc bằng tiếng Anh thì học sớm không thấy có lợi thế gì so với học muộn. 2.000 giờ học, nếu chỉ học trên lớp 4 giờ một tuần, thì mất chừng 10 năm. Nếu muốn rút ngắn thành 5 năm hay ít hơn, số giờ tiếp xúc tiếng Anh ngoài giờ học phải tăng lên gấp đôi. Nếu bạn chỉ cho con đi học thêm tiếng Anh, mà không đảm bảo đủ lượng đầu vào và tương tác nhận được, thì hiệu quả không cao.
Cho con đi học sớm, bố mẹ cảm thấy yên tâm khi nghe con bi bô vài câu đơn giản, đọc được vài từ. Nhưng điều này phù hợp với gia đình có điều kiện, vì nếu cho con đi học từ năm 4 tuổi, chi phí học hành không phải là nhỏ. Theo mình, học sớm giúp con tự tin, thoải mái hơn, chứ không thực sự liên quan tới hiệu quả.
Nếu con học tiếng Anh muộn một chút thì có sao không? Dựa trên những phân tích ở trên, câu trả lời của mình là không sao cả, miễn các con được đào tạo đúng cách, nghe nói đọc viết đầy đủ, đảm bảo số giờ tiếp xúc, học trong môi trường “immersion” (nhúng chìm) bằng tiếng Anh thì càng tốt.
Một vấn đề nhiều phụ huynh băn khoăn là con có nhất thiết phải nói tiếng Anh như người bản xứ hay không? Ai cũng mong điều đó, nhưng các nghiên cứu lấy bản xứ làm thước đo đã trở nên cũ. Nhiều người không thể nói như người bản xứ, nhưng vẫn sử dụng tiếng Anh thuần thục để phục vụ công việc, học tập.