(Baonghean) - Thời gian gần đây, cơ quan quyền lực thứ 2 là ngành Tư pháp thực sự khiến người dân giảm hẳn lòng tin. Liên tục làm những việc mà theo như cách nói của tác giả Nghệ Nhân trong bài viết “Coi trời bằng vung” đăng ở chuyên mục “Góc nhìn người Nghệ” trên nhật báo ngày 10/4 là "Nỏ hiểu chi cả".  Đã có nhiều vụ việc mà dân kêu trời không thấu. Dân xin "Bác Tư (pháp) tỉnh lại, khỏi u mê mà suy xét sự đời cho thấu tình, đạt lý để dân được nhờ". 
 
Trong bài viết của mình, tác giả Nghệ Nhân chỉ điểm qua 2 vụ án khá tiêu biểu gần đây. Một là vụ án oan biến không thành có đối với ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Thứ 2 là vụ biến có thành không trong vụ án gây ra cái chết đầy tức tưởi của một công dân ở Phú Yên do 5 công an dùng nhục hình. Ngay cách chọn sự việc của tác giả, "biến có thành không" và "biến không thành có" của ngành Tư pháp, cũng đã thấy được sự lộn xộn bát nháo trong việc thực thi pháp luật hiện nay.
 
2 sự việc mà tác giả đưa ra, hẳn mỗi người dân chúng ta đều có cảm giác thất vọng và phẫn nộ. Câu chuyện của ông Chấn dẫu sao cũng đã kết thúc có hậu. Mặc dù sự "có hậu" ấy chỉ đến sau 10 năm ông ngồi tù. Nếu tính theo kiểu người xưa "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", thì ông Chấn đã mất đi hàng triệu triệu nghìn thu tự do một cách đau xót và oan uổng. Cuối cùng, ông cũng ra tù, ra với nghìn thu cuộc đời. 
 
Còn vụ 5 công an dùng nhục hình thì thật bàng hoàng, thật "nỏ hiểu chi cả" với ngành Tư pháp nữa. Tác giả đã phải thốt lên rằng "Không thể biết và không thể hiểu nổi động cơ, mục đích của việc biến người vô tội thành kẻ có tội. Rồi lại đi làm ngược lại là biến kẻ có tội thành người vô tội. Biến kẻ tội nặng thành tội nhẹ". Đau xót hơn khi trong phiên tòa oan ức này, chính đại diện viện KSND, giữ quyền công tố tại tòa, đã làm một việc vô lý là quay ra bênh vực cho kẻ có tội, tức 5 bị cáo nguyên công an đánh đập người đến chết. Có thể hiểu làm sao đây?
 
Những gì mà người ta nghe được ở ông Lương Quang, Chánh án Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa, thì mỗi lời đều khiến người ta kinh ngạc đến đau xót. Không kinh ngạc sao được khi ông chánh án vừa dõng dạc “nghiêm minh là phải đúng pháp luật”, ngay sau đó lại nói ra cái quan niệm “sai - đúng” là: “Có những việc biết lẽ ra là như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để đảm bảo mối quan hệ cho tốt”. Không xót xa, không phẫn nộ sao được khi ông Quang vừa nói rằng sự thật trên đầu nạn nhân có tới 11 vết thương, và “70 vết thương trên người... nhìn thấy kinh” (ai cũng biết rằng người đó đã bị đánh đến chết, rằng phiên tòa ông Quang chủ trì là phiên tòa xử một vụ án mạng), cùng lúc ông lại nói rằng các bị cáo là những người bị “tai nạn nghề nghiệp”.
 
Có cách nào để hiểu nổi chuyện người cầm cán cân công lý, biết rằng “diễn biến vụ án còn những việc chưa rõ” nhưng lại chép miệng mà quyết theo kiểu “có cái cũng đành vậy chứ” và “xét xử còn có phúc thẩm”, hay “luật quy định như vậy nhưng trên thực tế tôi thấy không khả thi”?
 
Khi hứng chịu án oan, đâu chỉ một cá nhân đau khổ mà còn có khi còn kéo theo gia đình, dòng họ bị chê cười; vợ (chồng) con cái bị hắt hủi, thậm chí gia đình tan nát, tài sản khánh kiệt, danh dự bị chà đạp. Không ai có thể đo đếm, tính toán được những thiệt hại về vật chất và tinh thần của người và gia đình họ bị oan sai. Bởi thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có hẳn Nghị quyết 388/2003 về bồi thường oan sai, trong đó nêu rõ “Việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong các trường hợp bị oan phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: Kịp thời, công khai và đúng pháp luật (điều 3); Người bị oan được khôi phục danh dự. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan (điều 4); được bồi thường những thiệt hại về vật chất và tinh thần (điều 5)...
 
Giá như các cơ quan gây oan sai cứ căn đúng đó mà thực hiện thì người bị oan sai cũng nhẹ lòng phần nào, đằng này nhiều nơi nhiều cấp không những không làm thế mà còn cố tình dây dưa, kéo dài, đồng nghĩa với việc kéo dài chuỗi tủi nhục, chỉ biết kêu trời của những người bất hạnh. Nếu làm sai mà nói một lời xin lỗi kịp thời, chân thành cũng khó đến thế thì khó đạt hiệu quả trong cải cách tư pháp.
 
Người xây dựng