(Baonghean) - Ngày 16/2, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN được tổ chức tại Mỹ bước sang ngày làm việc thứ 2 và cuối cùng. Liệu Mỹ và ASEAN sẽ đạt được lợi ích chung và riêng gì thông qua cơ hội gặp gỡ "vàng" này?

Một hội nghị chưa từng có

Là hội nghị quốc tế quan trọng đầu tiên trong năm 2016 của ASEAN, cuộc họp diễn ra không lâu sau hội nghị thượng đỉnh Đông Á tháng 11/2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Trong khuôn khổ hội nghị đó, Tổng thống Mỹ B.Obama cũng đã có cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo 10 nước ASEAN. Tại đây, quan hệ Mỹ - ASEAN đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược. Trong cuộc gặp tại California lần này, các nhà lãnh đạo được cho là sẽ thảo luận cách thức đưa hợp tác đi vào thực chất và cụ thể hơn.

images1461779_anh_2_tong_thong_obama_den_california.jpgTổng thống Barack Obama đến California tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN.

Ngoài ra, Hội nghị Thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang sôi động với các chiến dịch tranh cử Tổng thống và nhiệm kỳ của đương kim Tổng thống B.Obama chỉ còn tính bằng tháng. Theo nhận định của giới phân tích, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN sẽ vừa mang tính tượng trưng cao, vừa có ý nghĩa chiến lược trong tương lai mối quan hệ giữa hai chủ thể. 

Báo The Star dẫn lời nhiều quan chức Washington và ASEAN khẳng định các nhà lãnh đạo tham gia thảo luận “có thể nêu bất cứ vấn đề nào quan trọng đối với họ”. Dù mối quan tâm là khác nhau nhưng cả Mỹ và ASEAN đều cho thấy họ cần đến nhau hơn lúc nào hết. 

Cơ hội cho cả hai bên

Những năm gần đây, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc đã khiến Washington phải để tâm nhiều hơn đến củng cố sức ảnh hưởng của mình ở khu vực Mỹ có lợi ích kinh tế lâu dài.

Giới doanh nghiệp Mỹ đầu tư khoảng 226 tỷ USD vào khu vực Đông Nam Á, trong khi kim ngạch mậu dịch hai chiều đạt 254 tỷ USD trong năm 2015. Trong tương lai, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ cùng 4 thành viên ASEAN tham gia sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác của Mỹ với khu vực. Chính vì thế, trong chiến lược “tái cân bằng”, “xoay trục” về châu Á, Washington rất quan tâm đến các vấn đề của Đông Nam Á, trong đó có những diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Trước đây, Mỹ thường chỉ dừng ở việc phê phán những hành động trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan hợp tác giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế. Thời gian gần đây, Washington bắt đầu hành động cụ thể như đưa tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép, hiện thực hóa các cam kết hỗ trợ tăng cường năng lực an ninh hàng hải….Nhiều nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Obama sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh này để thúc đẩy ban hành bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý đối với các hành vi trên Biển Đông.

Sau khi chính thức trở thành cộng đồng chung vào ngày 22/11.2-15, ASEAN ngày càng khẳng định tầm quan trọng như một thực thể thống nhất. Ảnh: Reuters

Nhìn lại chặng đường gần 8 năm qua, dễ dàng nhận thấy Tổng thống Obama đã đưa quan hệ Mỹ - ASEAN lên tầm cao chưa từng có. Một trong những bằng chứng về sự cam kết của ông Obama với khu vực được thể hiện qua việc bổ nhiệm một đại sứ chuyên trách khu vực ASEAN từ năm 2010 và những chuyến thăm tới một loạt các nước trong khu vực.

Với sáng kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần này, Tổng thống Obama dường như muốn tạo “cú hích” cuối cùng trong nỗ lực “kéo” Đông Nam Á xích gần lại. Hội nghị cũng sẽ là thời điểm thích hợp để ông Obama nhắc người kế nhiệm về tầm quan trọng của khối ASEAN và một kế hoạch hành động cho thời gian tới.

Đối với ASEAN, cuộc gặp là dịp để chứng minh tầm quan trọng của khối khi ASEAN ngày càng trở thành một thực thể quan trọng trong các vấn đề của khu vực và quốc tế. Khi đã trở thành một Cộng đồng chung, ASEAN không chỉ hướng tới tăng cường gắn kết nội khối mà cần tạo ra những mối liên kết, hợp tác chặt chẽ với các đối tác bên ngoài, mà Mỹ là một trong những đối tác quan trọng. 

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN