(Baonghean) - Đơn của bà Nguyễn Thị Lựu, xóm 10, xã Diễn Xuân (Diễn Châu) gửi Báo Nghệ An tố cáo gia đình ông Lê Viết Trung (người cùng xóm) xây ki-ốt trên thửa đất đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà và sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong giải quyết vụ việc.

Xây ki-ốt trên đất gia đình khác

Bà Lựu nêu: Năm 1975, bà và chồng là ông Ngô Sỹ Thất được Nhà nước giao đất ở tại xóm 10, xã Diễn Xuân (Diễn Châu) và đến năm 1994 được UBND huyện Diễn Châu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho thửa đất trên. Năm 1995, ông Lê Viết Dục (nguyên quán xóm 10, xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu) lúc đó đang làm việc tại Hà Nội đặt vấn đề thuê một phần diện tích đất về phía Nam với thời gian 20 năm và sau đó xây ki-ốt cho bà Xoan (em gái ông Dục) bán hàng.

Tuy ki ốt đã xây xong nhưng việc bàn bạc, thỏa thuận giữa 2 gia đình vẫn chưa đi đến thống nhất. Một thời gian sau, ông Dục đặt vấn đề mua luôn phần đất mà ông thuê và sau đó, ông Thất viết đơn xin chuyển nhượng diện tích trên. Sau khi cầm đơn, ông Dục đi và không quay lại. Bà Xoan ở được mấy tháng rồi về nhà mẹ đẻ trong xóm.

images1886828_bna_59015bde1cb5c.jpgCăn nhà 2 gian cấp 4 được ông Dục xây dựng năm 1995. Ảnh: Phạm Bằng.

Năm 2016, gia đình bà Lựu liên lạc với ông Dục đề nghị tháo dỡ ki-ốt để trả lại mặt bằng thì ông Lê Viết Trung (con trai ông Dục) cho khoảng 20 người đến trấn áp, đe dọa và xây thêm một ki ốt rộng khoảng 40m2 và tường bao phía Nam. Bà Lựu cho rằng,  khi bắt đầu xảy ra sự việc, gia đình đã làm đơn báo cáo xã nhưng xã không giải quyết và sau khi xây xong mới xuống. “Việc ông Trung xây ki ốt trên đất của gia đình đã được cấp GCNQSDĐ là việc làm trái quy định. Việc UBND xã Diễn Xuân chậm lập biên bản, không có hướng xử lý là việc làm không bình thường, thiếu trách nhiệm”, bà Lựu tố cáo.

Được biết, năm 2011, gia đình ông Thất làm đơn xin xác nhận nguồn gốc đất, xin tách thửa, chuyển nhượng đất và được UBND huyện Diễn Châu đồng ý cấp GCNQSDĐ cho các thửa đất trên. Cụ thể, thửa đất của ông Thất có số 596 được chia làm 3 thửa. Thửa thứ nhất diện tích 223,8m2 được UBND huyện cấp GCNQSDĐ cho ông Ngô Sỹ Thất và bà Nguyễn Thị Lựu. Thửa đất tiếp đó diện tích 180,2 m2 được UBND huyện cấp GCNQSD đất cho bà Ngô Thị Xuân (con gái ông Thất, bà Lựu). Thửa đất cuối cùng diện tích 167m2 được UBND huyện cấp GCNQSDĐ cho ông Ngô Sỹ Thất và bà Nguyễn Thị Lựu. 

Năm 2016, ông Trung gửi đơn cho UBND huyện Diễn Châu đề nghị kiểm tra việc tách thửa, chuyển nhượng cũng như cấp GCNQSDĐ của gia đình ông Thất. Sau khi nhận đơn, UBND huyện Diễn Châu đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh và ngày 20/4/2017 có kết luận giải quyết đơn thư. Theo kết luận, việc cấp GCNQSDĐ cho ông Thất, bà Lựu và bà Xuân là đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số thủ tục chưa đúng theo quy định và trách nhiệm thuộc về UBND xã Diễn Xuân, Phòng TN&MT, Văn phòng Đăng ký QSD đất huyện Diễn Châu. Ông Cao Thanh Long - Phó Chánh thanh tra huyện Diễn Châu cho biết: “Việc sai sót không ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình ông Thất, bà Xuân. Vì vậy, việc gia đình ông Trung xây dựng ki ốt trên thửa đất được Nhà nước đang giao quyền sở hữu cho gia đình ông Thất là trái quy định”. 

Về vấn đề bà Lựu tố cáo UBND xã Diễn Xuân chậm trễ, thiếu trách nhiệm, ông Trương Văn Thủy – Chủ tịch UBND xã cho rằng không đúng. “Sau khi nhận được tin báo của gia đình về việc ông Trung đưa người đến xây ki ốt trên thửa đất của gia đình bà Lựu, ông đã giao cho Công an xã xuống kiểm tra và đình chỉ tạm thời việc xây dựng”.

Ông thừa nhận rằng, việc đình chỉ được thể hiện bằng miệng và không làm biên bản sự việc. Việc ông không nhận đơn của gia đình bà Lựu là do hôm đó là ngày Chủ nhật. “Sau khi nhận được công văn của UBND huyện Diễn Châu, xã Diễn Xuân đã mời gia đình bà Lựu lên làm việc và sắp tới sẽ có báo cáo gửi UBND huyện Diễn Châu theo đúng quy định”, ông Thủy cho biết.

Luật sư Nguyễn Trọng Hải  -Trưởng văn phòng luật sư Trọng Hải & cộng sự: 

“Thửa đất trên vào năm 1994 đã được UBND huyện Diễn Châu cấp GCN QSD đất cho ông Ngô Sỹ Thất và bà Nguyễn Thị Lựu, vì vậy đây là tài sản chung của hai vợ chồng. Ông Thất không có quyền tự quyết định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa được sự đồng ý của bà Lựu. Việc ông Trung căn cứ vào “đơn xin chuyển nhượng đất” được lập giữa ông Ngô Sỹ Thất và ông Lê Viết Dục vào năm 1995 mà không có giấy giao nhận tiền để khẳng định đây là đất của gia đình ông Trung là không đúng quy định pháp luật. 

Mặt khác, hành vi của ông Trung khi xây dựng thêm một ki-ốt rộng khoảng 40m2 và tường bao phía Nam trên thửa đất đã được UBND huyện Diễn Châu cấp GCN QSD đất cho vợ chồng bà Lựu, ông Thất là vi phạm pháp luật. Chủ tịch UBND xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu cần áp dụng Điều 28 và Khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để giải quyết vụ việc”.

Có hay không việc chuyển nhượng đất?

Tìm hiểu được biết, lý do ông Trung xây ki ốt trên thửa đất số 1120 là vì ông cho rằng, năm 1995, ông Thất đã chuyển nhượng cho bố mình là ông Lê Viết Dục. Cụ thể, ngày 4/9/1995, ông Thất viết đơn xin chuyển nhượng đất ở gửi UBND xã Diễn Xuân. Trong đơn, ông Thất viết: “Do hoàn cảnh và điều kiện gia đình nay tôi xin nhượng cho anh Lê Viết Dục một phần đất trong vườn nhà tôi đang ở. Phần đất nhượng có chiều dài là 21m, chiều rộng là 8m. Giữa tôi và anh Dục đã thỏa thuận nhất trí”.

Đơn được ông Nguyễn Xuân Hải (xóm trưởng xóm 10), ông Ngô Xuân Nghĩa (cán bộ địa chính xã), ông Ngô Bích Long (cán bộ văn phòng xã) và ông Ngô Sỹ Việt (Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Xuân) thời kỳ đó ký, xác nhận. Ông Trung cho rằng đã trả 7 triệu đồng tiền chuyển nhượng nhưng giấy giao nhận tiền thì hiện anh không có. 

Ki ốt ông Trung xây dựng năm 2016. Ảnh: Phạm Bằng.

Ông Trương Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Diễn Xuân khẳng định, giữa 2 gia đình đã hoàn thành việc chuyển nhượng. Năm 1995, ông Lê Viết Dục đã xây dựng một căn nhà 2 gian, lợp mái ngói và cho bà Xoan (em gái ông Dục) sống từ năm 1995 đến năm 2011.

Khẳng định điều này, ông Thủy cho biết, trong các năm đó, bà Xoan là người trực tiếp nộp thuế nhà đất. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được cấp hồ sơ về việc trên thì ông Thủy chỉ đưa ra được sổ thu phương án của năm 1996 mà không có các năm khác với lý do: Hợp tác xã không bàn giao cho UBND xã. Trong sổ phương án năm 1996, tên bà Xoan đứng thứ 15, được ghi chữ màu đen với số thóc đã thu là 18kg. 

Phản bác thông tin này, gia đình bà Lựu cho rằng, gia đình chỉ cho ông Dục thuê 20 năm và đến năm 2016 là hết thời hạn. Còn đơn xin chuyển nhượng đất mà ông Thất viết mới chỉ đưa cho ông Dục chứ chưa gửi cho UBND xã, chưa hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng theo quy định tại thời điểm đó và gia đình chưa nhận tiền của gia đình ông Dục. Bà Lựu cho biết: “Đơn xin chuyển nhượng do chồng tôi viết, còn tôi không biết và sau đó ông Dục cầm đi chứ giữa 2 gia đình chưa làm hợp đồng chuyển nhượng, chưa giao nhận tiền”. 

Tiếp xúc với những người ký trong đơn chuyển nhượng đều khẳng định có việc chuyển nhượng đất giữa 2 gia đình và UBND xã đã về đo đạc, cắm mốc, bàn giao đất. Tuy nhiên, biên bản bàn giao đất thì không có. Như vậy, đối chiếu theo các quy định của Nhà nước về đất đai thời điểm đó thì thủ tục chuyển nhượng chưa thực hiện đúng quy định. Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 31, Luật Đất đai năm 1993 quy định: Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nông thôn làm tại Uỷ ban nhân dân huyện. Hiện gia đình anh Trung chỉ có đơn xin chuyển nhượng đất mà không có biên bản giao nhận tiền, hợp đồng mua bán đất; chứng từ nộp tiền thuế đất; Sơ đồ thửa đất (trích lục bản đồ thửa đất hoặc trích đo trên thực địa). 

Như vậy, nội dung gia đình bà Lựu tố cáo gia đình ông Trung xây ki ốt trên đất của gia đình đã được cấp GCNQSDĐ là có cơ sở. Và UBND xã Diễn Xuân thời điểm đó có phần thiếu trách nhiệm khi chưa vào cuộc sớm, giải quyết dứt điểm vụ việc. Vì vậy, UBND huyện Diễn Châu cần sớm vào cuộc để xử lý dứt điểm, tránh để sự việc kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công dân./.

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN