Bài văn nghị luận về hành động chào bác bảo vệ của học sinh trường Lê Hồng Phong TP HCM khiến cô giáo ngữ văn Nghệ An hạnh phúc.
Ngày 4/10, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên dạy môn Ngữ văn trường THPT Quỳnh Lưu 4 (Quỳnh Lưu, Nghệ An) ra đề văn nghị luận làm trong 45 phút cho học sinh lớp 12 A4 như sau:
Hãy viết một bài văn chia sẻ suy nghĩ của anh/chị sau khi đọc thông tin sau:
Một clip dài gần 3 phút ghi lại cảnh hàng chục học trò trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) cúi đầu lễ phép chào bác bảo vệ đã nhận được hàng chục ngàn lượt yêu thích và chia sẻ trên mạng. Clip này do phụ huynh đưa con đến trường quay lại vào buổi sáng.
Clip ghi lại bối cảnh trước trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) trước giờ vào học. Hàng chục học sinh bước vào cổng trường khi gặp bác bảo vệ trật tự đều cúi đầu chào. Hành động cúi đầu vô cùng lễ phép thay cho câu chào thể hiện bằng lời.
Clip này do chị Nguyễn Uyên, một phụ huynh có con học tại trường quay lại. Chị chia sẻ mỗi sáng khi tới trường, chị thường nhìn theo con đến khi cháu bước sâu vào trong sân trường thì mới quay xe đi. Và chị thường xuyên nhìn thấy hình ảnh rất đáng yêu trên của học sinh.
Trong số bài viết của học sinh, cô Hà thấy hạnh phúc và đặc biệt ấn tượng với bài văn của em Nguyễn Hữu Huy, lớp 12A4, bởi thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và kỹ năng làm văn ngày càng hoàn thiện. Cô giáo chấm 9,5 điểm cho bài văn này với lời nhận xét: "Xác định trọng tâm của bài viết tốt; hệ thống ý logic, sáng rõ; suy nghĩ sâu sắc, nhân văn".
Em Huy từng đạt giải nhì môn Giáo dục công dân trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 11 của tỉnh Nghệ An năm học 2016-2017. Cô Hà gửi đến tòa soạn bài văn sau khi được sự đồng ý của Huy.
“Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Từ thời xa xưa, ông cha ta đã rất coi trọng việc chào hỏi trong nếp sống hàng ngày. Và thật đáng mừng biết bao khi thế hệ trẻ ngày nay đã và đang phát huy nét đẹp văn hóa ấy. Clip của chị Nguyễn Uyên ghi lại cảnh học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong mỗi sáng sớm đi học đều gật đầu chào bác bảo vệ đã truyền đến tôi cũng như tất cả mọi người một niềm xúc động sâu sắc. Hành động đó không chỉ là một tấm gương sáng để học sinh noi theo mà còn nhắn gửi những thông điệp ý nghĩa cho tất cả mọi người.
Hành động của các cô cậu học sinh trường Lê Hồng Phong tưởng chừng bình thường nhưng đặt trong bối cảnh đạo đức xã hội đang có nhiều khủng hoảng hiện nay, nó lại hiện lên như một viên ngọc quý. Cái cúi đầu bình dị nhưng ẩn chứa tất cả sự kính trọng, tình cảm yêu mến mà các bạn dành cho bác bảo vệ - người đang từng giờ, từng ngày thầm lặng bảo vệ trật tự, an ninh cho nhà trường. Đó không chỉ là biểu hiện của lòng kính trên nhường dưới mà còn là thái độ trân trọng đúng mực với những người lao động bình dị, đời thường.
Lễ phép với thầy cô giáo là phẩm chất đẹp của người học sinh, cúi đầu trước bác bảo vệ đã lớn tuổi lại càng đẹp hơn gấp bội. Cái gật đầu chào hỏi ấy đã thể hiện học sinh trường Lê Hồng Phong không chỉ được học những kiến thức sách vở mà còn được chỉ dạy tận tình về đạo đức làm người.
Điều tuyệt vời hơn nữa chính là các bạn đã vận dụng những bài học quý ấy vào cuộc sống hàng ngày. Chắc hẳn sự giáo dục của gia đình từ ngày thơ bé và lời dạy dỗ của thầy cô đã giúp việc chào hỏi in sâu trong tâm trí các bạn thành một thói quen đáng quý như thế.
Tôi tin rằng không chỉ trường Lê Hồng Phong mà còn nhiều ngôi trường khác trên khắp cả nước cũng có những người học sinh lễ phép như vậy. Đó có thể là lời chào hỏi chân tình “Em chào cô ạ!”, “Nắng nóng thế này công việc vất vả quá anh nhỉ!”... cũng có khi chỉ đơn giản là cái gật đầu thành kính, một nụ cười ấm áp. Dù cách chào hỏi như thế nào thì chỉ cần xuất phát từ đáy lòng đều rất đáng quý.
Truyền thống văn hóa chào hỏi ấy đâu chỉ có trong nhà trường mà còn thể hiện rất rõ trong đời sống hàng ngày của xã hội ta. Đó là lời hỏi thăm nhau của đồng nghiệp trong cơ quan, lời hỏi han chân tình của bác nông dân khi ra đồng “Cơm nước gì chưa mà ra đồng sớm vậy thím?”, là cái ôm ấm áp khi hai người bạn lâu ngày gặp lại nhau.
Khi bạn chào hỏi ai đó tức là bạn đã trao cho người ấy một sự quan tâm chân thành, đồng thời tự tặng cho mình một niềm vui nho nhỏ. Lời chào chẳng mất tiền mua nhưng giá trị của nó thật không dễ gì đong đếm được. Cuộc sống sẽ trở nên mát lành dễ chịu biết bao khi mỗi người biết trao gửi đến nhau những lời chào.
Lời chào có ý nghĩa sâu sắc là vậy nhưng thật đáng buồn khi ta vẫn bắt gặp đâu đó những người lạnh lùng, vô cảm. Họ bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, của gánh nặng của miếng cơm manh áo mà dần đánh mất thói quen chào hỏi. Có những bạn học sinh ngại chào khi gặp thầy cô giáo, cũng có khi lời chào được phát ra một cách miễn cưỡng, sáo rỗng, thậm chí thái độ bỡn cợt khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Những lúc ấy, lời chào thay vì dẫn lối trái tim đến với trái tim lại đẩy mọi người ra xa nhau hơn. Chắc hẳn, trong chúng ta không ai mong muốn điều đó.
Câu chuyện bình dị mà ấm áp của các bạn học sinh trường Lê Hồng Phong đã thắp sáng hiện đại. Hãy để nụ cười, lời chào hỏi và sự quan tâm chân thành kết nối lửa niềm tin trong tất cả chúng ta về vẻ đẹp của văn hóa chào hỏi của dân tộc. Truyền thống coi trọng lời chào và thái độ lịch sự trong giao tiếp đã và đang lan tỏa trong cuộc tất cả những tấm lòng rộng mở, để mỗi ngày trở nên tươi vui và ý nghĩa vẹn tròn.
Theo VNE