Sinh ra trong gia đình có 3 người con, Phạm Thị Cẩm Nam (sinh năm 1980) là con cả và cũng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất, do di chứng chất độc da cam từ người bố, Nam không lành lặn như bao đứa trẻ khác.

Suốt hơn 40 năm qua, với đôi chân teo, co quắp, không đi lại được, những tưởng cuộc đời chị chỉ như cây tầm gửi sống dựa vào người khác. Thế nhưng, bằng ý chí và nỗ lực phi thường, chị đã "đứng dậy" trên chiếc xe lăn để hàng ngày bán nước chè vỉa hè... rồi trở thành trụ cột của gia đình.

bna__c_nam7053882_1182021.jpgDo di chứng chất độc da cam từ người bố, Nam không lành lặn như bao đứa trẻ khác, suốt hơn 40 năm qua, với đôi chân teo, co quắp. Ảnh: Thu Hương

Chứng kiến cô gái tật nguyền, cơ thể nặng khoảng 20 kg ngày ngày bán nước chè để mưu sinh, nhiều người không khỏi xúc động. Theo chia sẻ của chị Nam, bố chị là ông Phạm Văn Đường từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, bị nhiễm chất độc hóa học. Trở về quê hương với nhiều vết thương trên mình nhưng ông vẫn mạnh mẽ vượt lên hoàn cảnh để nuôi các con khôn lớn. Mẹ chị trước đây là công nhân cầu đường, nay tuổi cao, sức yếu, bệnh tật triền miên phải điều trị thuốc thang hàng ngày. Hai người em sau đã trưởng thành ra ở riêng, còn chị ở cùng bố mẹ.

Để phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống, chị thuê một căn phòng trọ ở phường Hưng Phúc để đi bán nước chè. Cứ đều đặn, vào sáng sớm hàng ngày, điểm bán nước chè của chị Nam đã được dựng lên ở vỉa hè đường Nguyễn Sỹ Sách để phục vụ những vị khách quen thuộc. Vì chân tay không lành lặn như bao người khác nên công đoạn nấu nước, om chè đều được bố chị phụ giúp. Vào mùa Đông, chị lại chuyển sang bán nước trà gừng, trà nóng.

Thời điểm trước khi chưa bùng phát dịch Covid-19, mỗi tháng, chị trích góp được 3 triệu đồng để mua thuốc điều trị cho mẹ; tuy nhiên thời gian này, do ảnh hưởng dịch bệnh nên thu nhập có phần hạn chế. Ngoài bán nước chè, chị lên mạng Internet tìm hiểu thêm về các dịch vụ tuyển dụng, dọn nhà, taxi, xe ôm... đang cần lao động để từ đó kết nối tới người dân có nhu cầu việc làm. 

Những lúc bố chị Nam bận, chị Nam được mọi người giúp đỡ đẩy xe từ nhà trọ ra quán nước. Ảnh: Thu Hương

“Có rất nhiều nạn nhân da cam thế hệ mình cũng đang nằm liệt trên giường, người cũng chẳng ra người nữa..., như mình như vậy vẫn còn may mắn hơn, nên phải tự động viên bản thân nỗ lực hơn nữa, kiếm cái nghề để mưu sinh”, chị Nam chia sẻ.

Chứng kiến cuộc sống hàng ngày của chị Nam, bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ nhà trọ cho biết: “Trong số các gia đình đến thuê trọ thì hoàn cảnh của chị Nam là éo le nhất. Khi các gia đình đang quây quần bên những bữa cơm tối thì lúc đó, chị Nam mới dọn xong hàng quán nước chè để về nhà, có hôm 9 – 10 giờ đêm mới được ăn cơm. Sáng hôm sau, lại thức dậy từ rất sớm để nấu nước, om chè. Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều tháng tôi không thu tiền phòng trọ để hỗ trợ Nam trong cuộc sống”.

Ông Tạ Quang Dư - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Vinh (Nghệ An) cho biết: "Chị Phạm Thị Cẩm Nam mặc dù sức khỏe không bằng người khác nhưng đã mạnh mẽ vươn lên cuộc sống. Câu chuyện vượt khó của chị cho thấy, người khuyết tật không hề vô ích, ngược lại, mỗi người khuyết tật, bằng nghị lực hoàn toàn có thể tự đứng lên trên đôi chân của chính mình. Nếu cuộc đời lấy đi sức khỏe của các nạn nhân nhiễm chất độc da cam thì lại cho họ một nghị lực sống phi thường, với tấm lòng sẻ chia để vượt qua khó khăn và trở thành những tấm gương tiêu biểu giữa đời thường".