Những nỗi đau còn lại
Gia đình anh Bùi Quốc Cường - phường Bến Thủy (TP. Vinh) từ 2 năm nay thưa vắng tiếng cười, chỉ còn lại là những tiếng thở dài của người mẹ đã khóc cạn nước mắt vì bất lực trước bệnh tật của con trai mình. Sinh ra khỏe mạnh, thông minh, từ nhỏ tới lớn Cường là cậu học sinh lanh lợi, giỏi giang với những thành tích đáng nể về học tập, là hy vọng của gia đình về một tiền đồ tương lai tươi sáng. Và gia đình cậu chưa bao giờ nghĩ cái chất độc chết người kia lại giáng xuống bản thân cậu và những thành viên khác trong gia đình, dù bố cậu trở về từ chiến trường Gio Linh - Quảng Trị vào những năm 1972.
Thế nhưng bỗng một ngày, cách nay đã 5 năm, khi đang học ở Trường Đại học Công nghiệp Đà Nẵng, Cường bỗng nhiên bị sốt và ngất đi. Khi tỉnh lại, em thấy mình nằm trong bệnh viện với bản án suy thận độ 4 cần phải lọc máu liên tục để duy trì sự sống. Kể từ đó, cuộc sống với em là những chuỗi ngày khổ sở khi phải gắn liền giường bệnh với những chứng bệnh mà trước đây em cũng không thể tưởng tượng nó lại vận vào một chàng trai vốn dĩ khỏe mạnh như em. Đó là xương thủy tinh là suy thận mãn, là chứng đầu to... Tất cả là di chứng kinh khủng của chất độc chết người dioxin.
Còn trường hợp ông Nguyễn Xuân Mía, xóm Khe Bai, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn), cả 3 đứa con ông ngay từ khi sinh ra hình hài đã không như những đứa trẻ bình thường, càng lớn thì đầu óc càng ngớ ngẩn, cười nói ngô nghê. Dù đã 30 - 40 tuổi nhưng các con ông chỉ nằm một chỗ, hoặc ngồi vào góc nhà, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người mẹ bị chứng bệnh tiểu đường đã nhiều năm nay và người cha già yếu cũng là nạn nhân chất độc da cam.
Hiện ở Nghệ An có hơn 5.000 trường hợp là con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Họ là thế hệ thứ hai đang phải chịu những di chứng nặng nề nhất, không có cơ hội được sống như người bình thường.
“Những nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng thường vẫn có thể đi lại, đầu óc vẫn minh mẫn, nhiều trường hợp bị ung thư hoặc các chứng thần kinh ngoại biên. Nhưng, các thế hệ thứ hai bị ảnh hưởng từ cha mẹ mình thì hầu như không có cơ hội được “sống”. Nhiều người liệt não, hoặc bị chứng đầu to, liệt tay chân, dị dạng cột sống, cuộc đời họ chỉ gắn liền với chiếc giường thậm chí bị xích ở góc nhà để khỏi đập phá, đánh người”, ông Đinh Viết Hồng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết. Cũng theo ông Hồng, đến nay toàn tỉnh có 14.486 nạn nhân, trong đó có 9.523 người là nạn nhân trực tiếp, 4.963 là nạn nhân gián tiếp.
Trong số nạn nhân, vẫn còn một số người chưa được hưởng chế độ do thiếu giấy tờ, chưa đủ điều kiện để xem xét giải quyết. Các đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học chủ yếu là những người trực tiếp tham gia kháng chiến hiện ở độ tuổi từ 70 tuổi trở lên, phần lớn là các đối tượng sức khỏe yếu, bệnh tật nhiều. Con đẻ bị dị dạng, dị tật, mắc các bệnh về thần kinh, tâm thần, cơ thể bị liệt, không có khả năng lao động, thu nhập chủ yếu từ nguồn trợ cấp hóa học nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Tiếp thêm nghị lực sống
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể các cấp đã có nhiều nỗ lực trong công tác vận động nguồn lực chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ hòa nhập cuộc sống, cộng đồng. Hiện tỉnh cũng đã thành lập được “Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin” cấp tỉnh và có 11/12 đơn vị cấp huyện thành lập Quỹ. Từ năm 2015 đến nay đã vận động được hơn 13 tỷ đồng để hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc da cam xây dựng nhà ở, cấp thuốc chữa bệnh, trợ giúp phát triển kinh tế, hỗ trợ dụng cụ, phương tiện để tăng khả năng tự lực của nạn nhân.
Bên cạnh đó, các phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam/ dioxin” do Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; hay “Xóa nhà tạm bợ, nhà dột nát”, “Xóa nghèo bền vững” cũng được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Đinh Viết Hồng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều nơi nạn nhân da cam chiếm tỷ lệ đông, điển hình như Thanh Chương có 1.700 trường hợp, Diễn Châu có 1.400 trường hợp, Tân Kỳ có 1.300 trường hợp, TP Vinh 1.100 trường hợp, nhưng tỷ lệ các đối tượng được hỗ trợ còn ít, nhiều gia đình cả ba thế hệ đều bị chất độc da cam/dioxin hầu như không có khả năng lao động, chỉ mình mẹ hoặc bố nuôi một đàn con tàn tật với đồng trợ cấp ít ỏi”.
Những năm gần đây, phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” đã có sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền các ban, ngành. Các hoạt động do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng giúp đỡ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Hội cũng đã trở thành điểm tựa, là nơi tập trung, đoàn kết, động viên nạn nhân có thêm động lực vượt qua những khó khăn, đau đớn về thể xác và tinh thần mà nạn nhân và gia đình họ đang phải gánh chịu.
“Thế nhưng, đa số nạn nhân da cam đang phải sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật hoành hành nhưng không thể thăm khám điều trị thường xuyên, vì vậy vẫn chưa thể nói là chúng ta đã xoa dịu được hết những nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu. Đối với nạn nhân da cam chúng ta cũng chỉ mới cho họ được những hỗ trợ thiết yếu về mặt vật chất, và cũng chỉ có những món quà nhỏ mỗi khi có ngày lễ, Tết. Tất nhiên trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, dịch dã hoành hành đó cũng là một sự cố gắng lớn. Nhưng cần nhiều hơn nữa sự kết nối, những tấm lòng thiện nguyện hướng về những thân phận da cam, những người phải chịu di chứng chiến tranh nặng nề”, ông Đinh Viết Hồng chia sẻ.
Ông Hồng cũng nhấn mạnh, bên cạnh đó, hiện vẫn còn một số người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa được giải quyết chế độ vì không có căn cứ pháp lý (hồ sơ còn thiếu). Điều này đã được các cấp, ngành nỗ lực giải quyết trong nhiều năm nay. Điển hình đó là việc thực hiện chuyển mức hưởng trợ cấp cho những đối tượng da cam từ mức bảo trợ sang hưởng chế độ cho người có công. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hồ sơ, nhiều đối tượng dù muốn nhưng cũng không thể được hưởng bởi căn cứ pháp lý không đủ.