Ý nghĩa của liều tăng cường sau khi nhiễm Covid-19
Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng vắc-xin có thể cung cấp khả năng tăng cường miễn dịch đáng tin cậy và hiệu quả hơn so với nhiễm bệnh tự nhiên.
Khi nhiễm Covid-19, hệ miễn dịch của bạn có một loạt các phản ứng để tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại nguy cơ mắc bệnh trong tương lai. Aubree Gordon, nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan, chia sẻ, những người nhiễm virus thường có lượng kháng thể thấp hơn những người đã tiêm vắc-xin.
Sự khác biệt này do nhiễm trùng kích hoạt nhiều phần khác nhau của hệ miễn dịch và phản ứng kháng thể sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như lượng virus, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, bệnh nhân có bệnh nền hay không. Tiến sĩ Gordon nói: “Bạn có thể có mức kháng thể cao nếu ốm nặng và kéo dài, nhưng vẫn sẽ thấp hơn so với vắc xin".
Paul Thomas, nhà miễn dịch học tại Bệnh viện Nghiên cứu Nhi St. Jude, giải thích, vắc-xin cung cấp một bộ hướng dẫn cho hệ miễn dịch. Đa số những người được chủng ngừa đều phát triển phản ứng kháng thể mạnh mẽ. Liều tăng cường nhắc nhở cơ thể tăng cường khả năng phòng thủ nhanh hơn 2 mũi đầu.
Các nghiên cứu cũng ghi nhận kháng thể được tạo ra sau khi tiêm chủng có xu hướng duy trì mức độ bảo vệ lâu hơn.
Tiến sĩ Amy Sherman nhận định: “Tôi nghĩ đây là lý do lớn nhất để tiêm liều tăng cường ngay cả khi bạn mới nhiễm bệnh gần đây. Đó là cách chắc chắn để đảm bảo hệ miễn dịch của bạn đạt hiệu quả nhất”.
Thời gian tốt nhất để tiêm tăng cường
Không có quy tắc về thời điểm tiêm tăng cường sau khi nhiễm Covid-19. Thời gian tối ưu phụ thuộc vào mỗi trường hợp, bao gồm mức độ nghiêm trọng của bệnh, các triệu chứng hết sau bao lâu và nguy cơ tái phơi nhiễm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyên mọi người nên đợi ít nhất cho đến khi hết các triệu chứng, không còn phải cách ly.
Ali Ellebedy, nhà miễn dịch học tại Đại học Y Washington, tư vấn, đợi cho đến khi hồi phục hoàn toàn, nhận được kết quả PCR âm tính.
Tiến sĩ Ellebedy nói: “Hãy để hệ miễn dịch của bạn nghỉ ngơi sau khi chống lại virus SARS-CoV-2 trước khi yêu cầu hoạt động mạnh trở lại với vắc-xin”.
Vị chuyên gia này nói thêm, một số người có thể có lợi khi chờ đợi lâu hơn. Nếu nguy cơ tái nhiễm của bạn thấp (làm việc từ xa, khỏe mạnh, tuân thủ các nguyên tắc y tế công cộng về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội) thì sẽ hợp lý khi đợi cho đến khi khả năng miễn dịch tự nhiên suy yếu. Điều đó xảy ra khoảng 3 tháng sau khi nhiễm bệnh.
Điều này giúp tạo ra phản ứng kháng thể mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, vào thời điểm bạn tiêm tăng cường, khả năng có một phiên bản vắc-xin mới tác dụng đặc biệt chống lại Omicron.
Nếu bạn có nguy cơ tái nhiễm cao hoặc mắc bệnh nghiêm trọng, bạn có thể tiêm tăng cường sớm để củng cố khả năng miễn dịch. Mũi nhắc lại cũng bảo vệ cho các thành viên gia đình dễ bị tổn thương và trẻ em chưa chủng ngừa.
Tất nhiên, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng nếu đã hơn 5-6 tháng kể từ khi nhiễm Covid-19, bạn nên tiêm tăng cường ngay khi đủ điều kiện.