(Baonghean.vn) - Cô bảo, cô yêu nghề sư phạm từ thuở bé, và cả sau này, khi trưởng thành với bao nhiêu lựa chọn nghề nghiệp tương lai, cô vẫn vững lòng tin vào nghiệp trồng người. Lòng tin bền bỉ ấy neo cô lại giữa bao sóng gió, khó khăn trên con đường gieo chữ

images1412865_co_giao_nguyen_hoai_thanh.jpgNữ cựu giáo chức Nguyễn Thị Hoài Thanh bên người cháu đang là sinh viên năm thứ 3 Khoa Anh ngữ - Đại học sư phạm Vinh

Bình yên trên con đường Nguyễn Thị Định (khối 14, phường Quang Trung, TP. Vinh) là ngôi nhà của gia đình cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thanh. Nữ cựu giáo chức năm nay đã ngoại bát tuần nhưng vẻ mẫn tiệp, lịch lãm vẫn hiện rõ trong từng cử chỉ, trong lối chuyện trò rành rẽ mà ý nhị.

Cô giáo Hoài Thanh nhỏ nhẹ cười bảo, mấy mươi năm theo nghiệp “gõ đầu trẻ”, điều duy nhất cô tâm niệm và luôn nhắc nhở cháu con là phải giữ lấy cái đức nghề trong sáng. “Mọi danh hiệu, mọi sự tôn vinh rồi cũng sẽ qua đi, “bảng vàng” duy nhất còn lưu nhớ lại là sự tri ân trong lòng các thế hệ học trò.” – cô giáo Hoài Thanh tâm tình.

Người cựu giáo chức ấy minh mẫn và từ tốn kể lại chuyện đời, chuyện nghề mình. Chuyện từ thuở ấu thơ sống khắc kỷ trong giáo lễ của một gia đình có truyền thống Nho học ở đất Nghi Trung (Nghi Lộc); chuyện nữ sinh Nguyễn Thị Hoài Thanh tuổi mười tám, đôi mươi với trách nhiệm Hiệu Đoàn trưởng phất cao ngọn cờ yêu nước trên khắp nẻo đường quê; chuyện trải mưa bom, bão đạn, theo học Khoa Ngữ Văn, trường Sư phạm Trung cấp Liên Khu 4 trong điều kiện sơ tán kham khổ ở Bạch Ngọc (Đô Lương)…

Khi tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp Liên khu 4, cô được tỉnh phân về dạy ở trường Cấp 3 Vinh (nay là trường THPT Huỳnh Thúc Kháng). 3 năm đứng trên bục giảng, hàng trăm bài văn, bài thơ vẫn được cất lên với tất cả say mê, bất chấp bom đạn của những tháng ngày giặc giã ác liệt.

Năm 1951 , trước điều kiện khắc nghiệt của cuộc chiến, Tỉnh ủy có quyết định thành lập trường Cấp 3 Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên) để đảm bảo chất lượng, an toàn cho công tác dạy và học của con em Hưng Nguyên và các vùng phụ cận, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thanh được tin cẩn trao trọng trách người đứng đầu ngôi trường mới.

“Làm hiệu trưởng khi tuổi đời còn trẻ, lại là nữ, vai quản lý một ngôi trường mới thành lập có nhiều khó khăn. Nhưng may mắn, tất cả đều vượt qua nhờ sự đồng tâm, ủng hộ của đồng nghiệp, nhân dân và học sinh.” – cô giáo Hoài Thanh nhớ lại. Trong hồi ức của cô, vẫn còn đó vẹn nguyên hình ảnh thầy và trò cùng bì bõm lội dưới dòng nước lũ, vớt từng cuốn vở, nước mắt lưng tròng phơi những trang sách cũ mà màu mực đã bợt phai đi trong nước bạc; những ngày nắng hạn mót lúa trên cánh đồng nứt chân chim, tối tối vẫn le lói ánh đèn dầu soạn giáo án, đi đến từng nhà kèm cặp học sinh yếu kém …

Cô bảo, chẳng có thơ văn nào tả xiết khó khăn ngày ấy, nhưng không làm lụi tắt ngọn lửa đam mê nghề giáo, mà ngược lại, còn làm sáng thêm lên ý chí, tâm đức của cô và đồng nghiệp. Trải qua những tháng ngày gian lao của thuở “khai cơ mở cõi” ấy,  ăm 1965, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thanh được luân chuyển về làm Hiệu trưởng ở trường THPT Lê Viết Thuật, đến năm 1977, cô tiếp tục lãnh vai người đứng đầu ở trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho tới khi về hưu vào năm 1988.

Rời bục giảng, nhưng với cô giáo Hoài Thanh, vẫn mãi còn đó niềm đam mê, trăn trở và tâm huyết với nghiệp trồng người. Cô chia sẻ, điều may mắn nhất của cô là luôn được sống trong môi trường sư phạm, không chỉ khi tại vị ở trường học, mà còn ngay trong ngôi nhà ấm cúng của mình. Người bạn đời của cô là cũng là người thầy đáng kính của bao thế hệ học trò thành Vinh, và đặc biệt, 4 người con, 1 người cháu của thầy cô vẫn đang tiếp nối sự nghiệp trồng người cao cả của đấng sinh thành. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thanh cũng có 15 năm làm Bí thư Chi bộ khối phố, cô trở thành hạt nhân nòng cốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài. Con em những gia đình có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn trên địa bàn đều được cô cùng ban cán sự khối tìm đến động viên, giúp đỡ. Cả cuộc đời gắn bó với nghiệp trồng người, cô Hoài Thanh bảo, đó là cơ duyên may mắn và tự hào nhất của cô.

Thanh Quỳnh - Phương Chi

TIN LIÊN QUAN