Đó là ý kiến được đại biểu đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức sáng 13/12, tại Hà Nội.
Cấp phép xây dựng còn nhiều bất cập
Ông Phạm Sỹ Liêm (Tổng hội Xây dựng) góp ý về nội dung giấy phép xây dựng. Cấp giấy phép nhưng không có khâu kiểm tra việc sử dụng giấy phép, không có quy định nào, khi xây dựng xong thì ai sẽ kiểm tra việc xây dựng đúng giấy phép hay không? Cho nên hiện nay vi phạm giấy phép là phổ biến và chỉ khi nào báo chí phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.
“Bản thân cơ quan chức năng không phát hiện ra sai phạm là do cấp dưới đã nhận bôi trơn. Tôi biết có trường hợp người dân phản ánh, muốn xây dựng lên thêm một tầng thì cần bôi trơn 25.000 USD. Những việc như vậy người quản lý phải biết và ngăn chặn”, ông Liêm cho hay.
Cùng với đó, một số nội dung đang được dư luận quan tâm là vấn đề cải tạo xây dựng chung cư, ông Liêm đặt ra câu hỏi, tại sao phải quy định cải tạo chung cư bắt buộc phải đưa doanh nghiệp vào cải tạo mà chủ sở hữu ở đó không tự đứng ra cải tạo chung cư của mình mà phải đi thuê doanh nghiệp? Theo tính toán, nếu những người chủ sở hữu chung cư tự làm dự án cải tạo thì rẻ hơn ít nhất 20%.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Hiệp hội Nhà thầu cho rằng, về giấy phép xây dựng, trước đây thời Pháp đã có giấy xây dựng, nội dung chỉ có ranh giới đất của nhà và mặt tiền còn bên trong không quy định cụ thể, có thể tự do xây dựng.
Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, quá trình thực hiện nhiều luật cũng đã bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với thực tiễn như thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng còn dài, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với một số đối tượng công trình còn chưa phù hợp thực tiễn. Cùng với đó, một số quy định về đất ở, chủ trương đầu tư chưa đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan...
"Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của các chính sách với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, việc sửa đổi, bổ sung các Luật trên là cần thiết", bà Tống Thị Hạnh đề nghị.
Bà Hạnh cho biết thêm, mặc dù Bộ Xây dựng đã đăng tải nội dung sửa đổi lên trang của Bộ nhưng đến nay chưa có bất cứ góp ý nào của các bộ ngành. Còn đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng, Bộ đã gửi đến các cơ quan liên quan xin ý kiến, đã có nhiều bộ ngành có ý kiến và Bộ đang tổng hợp lại, hoàn thiện dự án Luật.
Quảng cáo cũng khổ vì giấy phép xây dựng
Cùng với đó, các doanh nghiệp quảng cáo cũng gặp vướng mắc do những quy định của Luật Xây dựng. Cụ thể, theo quy định của Luật Quảng cáo thì trong thành phần hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo phải có giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo có thời hạn yêu cầu phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt và phụ thuộc vào khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đât. Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp là thiếu khả thi trong thực tế và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Trần Hùng, Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho rằng, sau Luật Quảng cáo thì có rất nhiều vướng mắc trong xây dựng nhưng Hiệp hội đã gửi văn bản nhưng ít văn bản được Bộ Xây dựng trả lời còn chưa được gặp bao giờ.
Ông Hùng cho biết, nói về hoạt động quảng cáo thì sau khi có Luật Quảng cáo, Luật Xây dựng... thì hoạt động quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời đi vào bế tắc hơn bởi 2 vấn đề: Một là cấp phép công trình xây dựng quảng cáo, thứ 2 là Luật đất đai kèm theo là vấn đề quy hoạch.
“Đến nay nói đúng thì các công trình quảng cáo làm theo đúng Luật Quảng cáo, Luật Xây dựng... thì hầu như các công trình quảng cáo hiện nay đều vi phạm, thậm chí 100% vi phạm. Nhưng người ta vẫn phải làm và làm chui và bôi trơn, sẵn sàng bị xử lý, bị xử phạt nhưng vẫn phải làm vì đó là nhu cầu”, ông Hùng cho hay.
Ông Hùng cũng chỉ ra, các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... 4 năm rồi nhưng chưa có quy hoạch quảng cáo trong khi đó yêu cầu dừng quảng cáo đợi quy hoạch mới được làm. Chính phủ yêu cầu trong 1 năm phải xong quy hoạch quảng cáo nhưng hiện nay 4 năm rồi mà vẫn chưa có quy hoạch, các nhà quảng cáo kêu mãi nhưng vẫn yêu cầu dừng lại, bao giờ có quy hoạch mới được làm.
Trước ý kiến góp ý của các chuyên gia, Hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ tiếp thu những ý kiến góp ý và hoàn thiện các văn bản pháp luật cho phù hợp thực tiễn.
Theo Trung Hiếu/baotintuc