Vương Đạm Thủy là nghệ sĩ hóa trang, từ năm 1987 đến nay, cô chuyên hóa trang cho các diễn viên đóng vai Bác Hồ, đặc biệt là chồng mình - NSƯT Tiến Hợi.

Không chỉ làm công việc liên quan đến Bác, cuộc sống của người phụ nữ này cũng có mối liên hệ mật thiết với Hồ Chủ tịch. Cô sinh ngày 19/5, trùng ngày sinh với Bác. Điều bất ngờ hơn, quê gốc của cô cũng ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, cùng quê với Bác Hồ.

Nữ nghệ sĩ chia sẻ, nhờ công việc hóa trang cho diễn viên thành Bác Hồ, cô mới gặp, yêu và kết hôn với NSƯT Tiến Hợi, người diễn viên được cho là diễn vai Bác Hồ thành công nhất từ trước đến nay.

- Chồng là diễn viên diễn vai Bác (NSƯT Tiến Hợi), còn mình là người hóa trang cho chồng, chị có thể chia sẻ về điều này?

Thực sự, đây là một mối duyên giữa tôi và anh Tiến Hợi. Khi công tác ở đoàn nghệ thuật Trường Sơn, tôi may mắn được cử đi học hóa trang hình tượng Bác Hồ, người thầy của tôi là NSƯT Nhữ Đình Nguyên. Từ năm 1987 đến nay, tôi đã hóa trang cho anh Hợi khoảng hàng nghìn lần.

Mặc dù anh ấy là chồng tôi nhưng cứ mỗi lần hóa trang Bác Hồ xong, tôi mất hẳn cảm giác đó là chồng mình, thấy một cái gì đấy rất khó tả nhưng vẫn có sự trân trọng. Cứ mỗi lần xem anh ấy diễn, thật sự tôi vẫn có những cảm xúc rất mạnh.

Cách đây 1, 2 hôm, xem anh ấy diễn mà tôi vẫn khóc. Chỉ khi tẩy trang cho anh ấy xong mới lại trở về đời thường, tôi mới dám đùa và cư xử bình thường. Lần nào cũng vậy, cứ hóa trang, dán râu xong là tôi trở thành ''thanh niên già'' nghiêm túc, không dám đùa, lúc nào cũng tỉa tót cho anh ấy từng ly từng tí. Tôi không biết đến bao giờ bản thân mới mất đi được những cảm giác đấy.

nguoiphunuphiasauthanhcongdienviendongvaibacho_qzcc.jpgNghệ sĩ Vương Đạm Thủy ân cần hóa trang cho chồng vào vai Bác Hồ.

- Chị có nghĩ điều khiến chồng mình thành công với vai diễn này là khuôn mặt hao hao giống Bác nên dễ hóa trang?

Thật ra, hóa trang chỉ tạo nên hình tượng thôi, còn thành công hay không là do người nghệ sĩ thể hiện. Tôi cũng không biết mình có ưu ái cho chồng hay không nhưng thật sự khi xem anh ấy diễn, tôi thấy có thần thái và cái hồn.

Tôi nghĩ việc tất cả mọi người công nhận anh ấy, phần hình thể và hóa trang cũng chỉ chiếm 40 – 50%, nửa phần còn lại hoàn toàn là do diễn xuất.

- Chị và NSƯT Tiến Hợi gặp nhau trong quá trình làm việc cùng ở vai diễn Bác Hồ, mối lương duyên của hai người có liên quan đến nhân vật này có đúng không?

Tôi nghĩ điều này rất đúng. Có một chuyện khi tôi nói ra chắc mọi người sẽ nghĩ: “Ồ, đúng là số trời” bởi vì sinh nhật tôi là 19/5 và tôi quê gốc ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. 

Khi đoàn tìm người để hóa trang cho anh Hợi, có cử 3 anh họa sĩ của đoàn, nghĩa là những người có nghề, còn riêng tôi lúc đấy là học sinh, không có kinh nghiệm. Nhưng khi ra, không hiểu sao tôi lại được thầy nhận để dạy trang điểm cho đoàn.

Sau này tôi cứ thắc mắc tại sao không nhận họa sĩ mà lại nhận mình. Khi thân quen rồi mới hỏi: “Bố ơi bố, con hỏi thật bố, sao hồi đấy bố không nhận các anh họa sĩ mà lại nhận con?”, ông trả lời: “Hóa trang Bác Hồ phải thuận cả hai tay điều khiến bố nhận con là vì con thuận tay trái”.

Không những trong công việc, cả ngoài đời sống vợ chồng nghệ sĩ cũng gắn kết, san sẻ cùng nhau.


- Khi về nhà, chị và NSƯT Tiến Hợi có trao đổi hay góp ý cho nhau về những vai diễn không?

Điều đấy là thường xuyên. Mỗi khi anh Hợi nhận vai diễn, bao giờ phần hóa trang cũng là của tôi. Cái đầu tiên tôi yêu cầu là anh thể hiện Bác ở giai đoạn nào, năm Bác bao nhiêu tuổi và thời điểm ấy Bác đang ở đâu.

Bởi nếu Bác trong rừng, hình ảnh của Bác phải khác, Bác ở Phủ Chủ tịch sẽ khác hoặc Bác đi tiếp những đoàn phóng viên quốc tế, đón các cháu miền Nam sẽ khác. Ví dụ, khi Bác đi đón các cháu miền Nam, hình ảnh của Bác bao giờ cũng phải hiền từ, còn những khi Bác đi ngoại giao, nét mặt phải có sự nghiêm nghị.

Đến nay, tôi phải thầm cảm ơn anh Hợi vì khi hóa trang, nhiều người nói tôi là bàn tay vàng, nhưng thật ra, mỗi lần hóa trang đều phải có sự đóng góp của anh ấy. Những nét của tôi vẽ bao giờ cũng là những nét cơ bản, để cái nét ấy trở nên thật và có hồn lại là ở anh ấy. Ví dụ, khi tôi hóa trang xong, anh ấy sẽ bảo: Em cho anh mảng này như thế này, nếp nhăn này em vuốt thế này, nét này nên đưa xuống''. 

Anh Hợi là người nghiên cứu hình tượng Bác trong phim hoặc kịch bản nên sẽ là hiểu hơn tôi. Tôi chỉ có thể làm cái bề ngoài thôi, còn đi sâu anh thường xuyên phải góp ý. Tôi thường xuyên xóa chỗ nọ, vẽ chỗ kia, nhiều khi cũng cáu đấy vì chính mình là người hóa trang mà vừa xong lại bắt xóa. Nhưng thật ra, khi làm theo mới thấy anh ấy nói đúng.

Nghệ sĩ Vương Đạm Thủy.

- Đi cùng nhau một đoạn đường dài trong công việc lẫn đời sống gia đình, có kỷ niệm hay khó khăn nào khiến chị nhớ nhất?

Kỷ niệm rất nhiều mà khó khăn cũng không ít. Bởi khi người đàn ông trong gia đình là một nghệ sĩ tương đối nổi tiếng, đương nhiên anh ấy phải chịu áp lực rất lớn. Bản thân tôi là người vợ, người bạn đời, khi đồng hành cũng có nhiều áp lực. Kể cả chuyện sinh hoạt trong cuộc sống, mình làm gì cũng phải nghĩ sao cho có những hình ảnh đẹp.

Anh Hợi có thể là người rất nổi tiếng trong nghệ thuật nhưng khi về nhà, đôi lúc tôi vẫn bảo rằng: Anh chả có gì là nghệ sĩ nhỉ? Trông cứ như là chủ tịch xã ấy''. Nghĩa là khi về nhà, mọi việc anh đều làm, dành hết chăm chút cho gia đình. Thật sự, tôi rất may mắn khi có người chồng như vậy.