(Baonghean) - Sau nhiều năm đầu ấp tay kề khi biết mình không thể sinh con cho chồng và nghĩ đến những hy sinh, mất mát của chồng nơi chiến trường, bà đã tự làm đơn ly hôn rồi cũng tự bà đi dạm vợ hai cho chồng. ở riêng trong vườn để cùng đỡ đần chăm sóc những đứa con của người vợ sau với chồng mình.
Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Tuyết nằm khuất sâu trong xóm nhỏ Tân Hồng nơi xã trung du nghèo Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Khi chúng tôi đến, gặp cảnh bà Tuyết đang ốm trên giường. Người đang nâng giấc, chăm sóc bà, không ai khác là người vợ sau của chồng mình - người mà bà đích thân mang trầu cau đi hỏi, sau khi làm đơn ly dị chồng mình, dù bà vẫn còn yêu thương ông hết mực.
Bà Tuyết (SN 1942) quê gốc ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn và người cùng làng với ông Dương Đình Thắng. Họ yêu nhau từ thời trẻ, khi cùng lớn lên sau lũy tre làng. Năm 1957, ông Thắng lên đường nhập ngũ chống Mỹ ở chiến trường Nam Lào rồi được điều về chiến trường miền Nam. Năm 1960, trong đợt nghỉ phép về quê được 15 ngày ngắn ngủi, như lời hẹn ước, 2 người đã tổ chức đám cưới đơn sơ rồi ông Thắng lại quay trở vào chiến trường ngay.
Năm 1963, ông Thắng được xuất ngũ và vừa đến quê ông nghe theo tiếng gọi của nhà nước lên làm công nhân nông trường xây dựng kinh tế mới ở xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ. Vậy là bà cũng theo ông lên đó dựng nhà rồi ở luôn nơi vùng kinh tế mới. Bao năm mong ngóng mãi để có mụn con nhưng hai vợ chồng ông bà vẫn không có. Càng chờ đợi càng thất vọng. Nơi rừng núi heo hút lúc đó, bao gia đình lên làm kinh tế mới đều nghe tiếng khóc của trẻ thơ nhưng trong căn nhà nhỏ của vợ chồng bà, vẫn là nỗi yên ắng bao phủ.
Đến năm 1976, sau nhiều lần im lặng đi hỏi các thầy thuốc, biết nguyên nhân không có con là do mình, lại thương chồng đã hy sinh thanh xuân nơi chiến trường nay về muốn có tiếng khóc của đứa con trong nhà mãi cũng không có. Nghĩ bổn phận người vợ chưa thành nên bà âm thầm đi tìm một người phụ nữ để cưới về làm vợ cho chồng và có thể sinh con cho chồng.
Từ người quen bà tìm được bà Nguyễn Thị Hợi (SN 1949) cũng người quê gốc Nam Đàn lên đó làm kinh tế mới mà chưa có chồng. Bà Tuyết giấu ông Thắng và âm thầm đặt vấn đề với bà Hợi để người phụ nữ này đồng ý về làm vợ chồng bà. Bà Hợi vốn dĩ cũng đã có người yêu hẹn ước nơi quê nhà, sau khi đi bộ đội về sẽ cưới nhau.
Nhưng vào chiến trường được ít năm chưa một lần được về phép thì người yêu của bà Hợi hy sinh. Thương nhớ người yêu và nguyện với lần hẹn ước lúc chia tay nên bà Hợi muộn phiền trước thông tin hy sinh của người yêu. Để cố xóa đi nỗi đau đó bà cũng tình nguyện lên vùng kinh tế mới này để làm việc cho quên đi quá khứ đau buồn.
“Lúc đầu chị Tuyết sang đặt vấn đề, tôi và gia đình tôi không đồng ý. Một phần tôi chưa lập gia đình lần nào, phần nữa tôi vẫn thương nhớ người yêu đã hy sinh của tôi. Nhưng dần được chị Tuyết động viên và cũng thông cảm với chị phận đều là người vợ, người yêu lính chiến cả nên tôi đã đồng ý. Lúc đó, gia đình tôi phản đối ghê lắm nhưng tôi động viên gia đình dù sao các anh ấy đã đổ xương, đổ máu ở chiến trường tôi tuy chưa cưới nhưng cũng xem đã một đời chồng vì lời hẹn ước trước lúc chia tay. Cuối cùng người nhà tôi mới đồng ý để tôi cưới anh Thắng làm chồng”, bà Hợi tâm sự.
Việc này ông Thắng chẳng hề hay biết nên khi nghe bà Tuyết nói lấy vợ cho mình đã kiên quyết không đồng ý. Mãi một thời gian sau, nghe bà Tuyết thuyết phục, năn nỉ, ông mới xuôi theo. Trước lúc cưới vơi cho chồng, bà Tuyết còn đi làm thủ tục ly hôn để không vì mình mà vướng bận đến chồng và người vợ hai. Lễ cưới cũng được bà Tuyết chuẩn bị chu đáo để người vợ hai của chồng đã chịu thiệt thòi không phải ưu phiền thêm.
Sau khi cưới vợ xong cho chồng, bà Tuyết ra dựng căn lều khác trong vườn còn nhà bà để lại cho bà Hợi và chồng sinh sống. Rồi niềm vui đến khi lần lượt bà Hợi sinh cho ông Thắng 7 người con. Bà Tuyết lại cùng xắn tay hỗ trợ bà Hợi nuôi những đứa con đó đến trưởng thành.
“Khi nhìn những đứa con của chồng mình sinh ra rồi lớn lên tôi cũng thỏa mãn nguyện điều lâu nay mình chẳng làm được cho chồng. Dù sao cũng phận đàn bà với nhau nên chuyện sinh con là bổn phận trách nhiệm. Mình không làm được mà bà Hợi đã chịu thiệt thòi để lấy chồng tôi, sinh con cho chồng thay tôi nên tôi phải có trách nhiệm chăm sóc giúp bà ấy. Đây là cái ơn tôi phải nợ bà ấy mà có làm chi cũng không trả hết”, bà Tuyết nói.
Rồi những đứa con của ông Thắng và bà Hợi lớn lên nhưng nơi đất cằn sỏi đá gắng làm mãi vẫn nghèo nên lần lượt nối nhau vào miền Nam làm công nhân. Còn bà Hợi và bà Tuyết ở lại quê nhà chăm sóc nhau và cùng chăm sóc chồng. Đến năm 2013, ông Thắng tai biến qua đời, tình cảm của hai bà càng son sắt hơn. Những người con bà Hợi lúc nào về cũng săn sóc bà Tuyết như mẹ đẻ của mình.
Thấy hai mẹ già ngày càng sức yếu nên năm 2014, người con trai thứ 5 đã trở về quê cùng vợ con để vừa làm ăn vừa chăm sóc cả hai mẹ. Cuộc sống còn đỗi vất vả, căn nhà cấp 4 dựng lên cách đây hơn 40 năm vẫn là nơi ở chính của gia đình nhưng trong đó đang có những con người, những trái tim hy sinh, nhân hậu đùm bọc sống với nhau xóa bớt mất mát sau chiến tranh./.
Xuân Hòa