(Baonghean) - Nghe Tuấn Vỹ hát cùng danh ca Giao Linh trong album “Chuyến đò không em” (do công ty T.N.H.H Hãng phim Chợ Lớn và Trung tâm âm nhạc giải trí Hồng Lộc phát hành năm 2010), xem và nghe anh hát trong chương trình “Những tình khúc vượt thời gian” của VTV cũng khá lâu và ấn tượng với giọng hát tràn đầy xúc cảm, nhưng phải đến gần đây, tôi mới biết anh là “người quen cũ” của những 6X, 7X ngồi cà phê ca nhạc phố Vinh gần 20 năm về trước.
Thú thực, nếu như không có clip của cha con “Em bé khóc khi nghe giọng Nghệ” đang ồn ã trên mạng xã hội nhiều ngày qua, được cộng đồng người Nghệ chia sẻ rộng rãi với niềm thích thú, tôi sẽ chỉ biết rằng Tuấn Vỹ là một trong hàng trăm giọng ca trên sân khấu âm nhạc vốn đông đảo “sao” như TP Hồ Chí Minh.
Hóa ra, ông bố thông minh, dí dỏm, “rất Nghệ” ấy là anh chàng “Công xoăn”, một thời lập nên ban nhạc Công Minh làm mưa gió ở huyện núi Tân Kỳ, cũng là anh chàng “người rừng” đã từng xuống Vinh tìm cơ hội việc làm và để hát trong Câu lạc bộ Thanh niên của thành phố những năm mà cà phê ca nhạc phố Vinh còn rất thưa thớt.
Liên lạc với Tuấn Vỹ, tôi nhận được ở anh tất cả sự nồng hậu, chân thành. Có cảm giác rằng, cuộc sống hào nhoáng trên sân khấu, những nhộn nhịp, gấp gáp ở đô thị phồn hoa bậc nhất cả nước không thể lấy đi của anh chàng Trịnh Xuân Công của xứ Nghệ những chân chất, mộc mạc đã là máu thịt. Tuấn Vỹ nói rằng, luôn có một quê hương ở sâu thẳm tim mình, luôn có một giọng Nghệ cất lên trong mình, chưa bao giờ phai nhạt dù bất cứ người Sài Gòn nào nghe anh nói, đều nghĩ anh là gốc nơi này.
Tuấn Vỹ (Trịnh Xuân Công) sinh năm 1977, quê gốc Thanh Tài, Thanh Chương. Năm 1983, gia đình anh, với người cha là bộ đội phục viên, bà mẹ là giáo viên cấp 1 cùng 7 người con (trong đó có cậu bé Trịnh Xuân Công) đã quyết định rời quê lên miền đất mới lập nghiệp, mong mỏi sớm thoát khỏi cảnh nghèo. Miền đất mà họ chọn dừng chân là Giai Xuân, Tân Kỳ.
Chẳng lâu sau đó, cảnh nghèo, đông con cộng với sự lao lực, người cha mang trọng bệnh rồi qua đời. Bà mẹ tần tảo một tay nuôi bầy con thơ dại. “Ngày ấy, cái khổ triền miên níu lấy gia đình mình. Trước khi mất, câu mà cha dặn lại mình nhớ mãi là: Dù có khổ mấy, các con cũng gắng học để làm người. Thế nhưng, khi cha nằm xuống rồi, mình mẹ chèo chống làm sao nuôi được ngần ấy đứa con. Các anh chị và mình đều phải nghỉ học giữa chừng, bản thân mẹ cũng xin nghỉ hưu non lấy chút tiền mua trâu cho các con làm ruộng…”. Tuấn Vỹ nhớ lại cùng nỗi nghẹn ngào.
Ngay từ nhỏ, cậu bé Công đã mê âm nhạc. Để “trả giá” cho nhưng lần mải mê nghe nhạc đến quên việc (dù lúc đó, chỉ là nghe ké ở radio nhà ai đó), cậu bé phải chịu không ít trận đòn: “Anh chị của mình nghĩ chắc mình biện cớ để trốn công việc lên nương”- anh mỉm cười giải thích.
Khi Trịnh Xuân Công 20 tuổi thì anh mới được gia đình đồng ý cho đi học lớp guitar với ý tưởng sẽ thành lập ban nhạc hát đám cưới ở huyện miền núi còn hẻo lánh này. “Người thầy đầu tiên của mình là thầy Bùi Lý làm ở Trung tâm văn hóa huyện Tân Kỳ. Học thầy xong, được chút vốn liếng âm nhạc, mình cùng mấy anh em trong gia đình lập ban nhạc Công Minh. Ban nhạc quê, phục vụ đám cưới là chủ yếu, nhưng cũng được khối người biết tiếng. Mình là tay chơi guitar của ban nhạc”.
Nhưng Trịnh Xuân Công đã luôn mơ về cái không khí ấy, khi cánh màn sân khấu mở, và mình bước ra cúi chào khán giả. Anh mơ về những bài hát mà mình đặt trọn vẹn cả tâm hồn để hát. Mơ được giãi bày về tình yêu, nỗi nhớ thương, niềm buồn tủi, hay hạnh phúc của mình trước hàng ngàn sự đợi chờ… Và chàng “người rừng” (biệt danh mà anh chị em CLB Thanh niên TP Vinh ngày ấy đặt cho Trịnh Xuân Công) đã xuống với phố Vinh. Bắt đầu bằng công việc đi hát tại CLB Thanh niên TP Vinh.
Ban ngày, đi làm, ban đêm đi hát. Thời ấy, một doanh nghiệp tư nhân là Xuân Hồng Camera, vì thương hoàn cảnh của Công, lại thấy anh chàng cũng hiền lành, đã tạo điều kiện để Công học nghề quay, dựng lại vừa có thể kiếm thu nhập. “Ơn sâu với những tấm lòng cưu mang ngày ấy, nhất là với thầy Hồng không bao giờ mình quên được.”- ca sỹ Tuấn Vỹ của ngày hôm nay nhớ lại.
Nỗi vất vả, gánh mưu sinh đè nặng lên đôi vai Trịnh Xuân Công, vì khi đó Công còn phải nuôi 3 em ăn học. Thế nhưng khát vọng lại không hề nguội tắt. 4 năm lăn lộn đất Vinh, đến năm 2002, nhặt nhạnh được chút ít kinh nghiệm sân khấu, Trịnh Xuân Công quyết định Nam tiến, ban đầu là cơ duyên gặp gỡ với ông bầu của Đoàn ca nhạc Hải Đăng (đoàn ca nhạc lừng danh một thời).
Khi vào tới đất Sài Thành, anh chàng ngơ ngác ấy bắt đầu bước những bước đi đầu tiên của mình từ căn gác trọ rẻ tiền ở Quận 7 và những quán cà phê, những phòng trà... Những xô bồ, va đập, những náo nhiệt, vô tình…đã giúp cho “người rừng” Trịnh Xuân Công trưởng thành hơn từng ngày. Không chọn bắt đầu từ chiêu trò, mánh khóe, không vội vã để thích ứng và đổi thay, nhưng bằng sự thành tâm, bằng niềm tin và sự cần mẫn, mỗi ngày như thế, Trịnh Xuân Công đã trụ lại, trưởng thành hơn, và quan trọng nhất “là được thương nhiều hơn” như anh nói. Những ngôi sao đàn anh mà Trịnh Xuân Công vẫn nghĩ mình có lẽ chả bao giờ được gặp, thì anh đã lần lượt được học hỏi từ họ, được đứng cùng sân khấu với họ như Ngọc Sơn, Đình Văn, Ưng Hoàng Phúc, Lâm Chí Khanh…
Anh nói, mình mang quá nặng “kiếp cầm ca”, chắc chẳng bao giờ thoát khỏi. Nhưng chưa một phút giây, anh tiếc nuối và ân hận. Với anh, cuộc đời đã ban tặng quá nhiều. Những người thầy tận tâm, những người bạn tốt, một gia đình hạnh phúc ấm yên. Quan trọng nhất, anh đã theo đuổi đến tận cùng đam mê, để có cơ hội chạm vào giấc mơ của cuộc đời mình.
Cơ duyên lớn nhất đời, với Trịnh Xuân Công, chính là cuộc gặp với ca sỹ Giao Linh năm 2005 , được nữ danh ca nhận làm con nuôi, và nhờ bà, anh được gửi đi học về âm nhạc ở người thầy trước đây đã dạy Giao Linh khi bà còn trẻ, được bà đặt cho anh nghệ danh mới: Tuấn Vỹ (vì thấy ở anh có điểm chung với tiếng hát Tuấn Vũ). Nghệ danh này đã theo anh suốt hơn 10 năm nay, đồng hành cùng anh trên chặng đường ca hát ở mọi sân khấu.
Với Tuấn Vỹ của hôm nay, mỗi lần cánh màn sân khấu mở ra, anh vẫn con nguyên cảm giác hồi hộp, thăng hoa. Tiếng hát anh, thể loại âm nhạc mà anh chọn (bolero), đang mang cả tâm sự, gửi gắm của anh đến với mọi người. “Ai hoạt động trong ngành giải trí chẳng mong đến sự nổi tiếng, nhưng với mình, đó không phải là mục tiêu lớn nhất. Mục tiêu lớn nhất của một người nghệ sỹ, là sự tận hiến. Anh được hát, được giãi bày, nhận được mến yêu, nhìn thấy buồn vui trong những tràng pháo tay hay giọt nước mắt của khán giả, đó chính là điều hạnh phúc nhất!”
Thùy Vinh