(Baonghean.vn) - ‘Người mù trồng cây gì cũng chết’ đã trở thành mặc nhận của nhiều người. Tuy nhiên, ông Cao Tiến Lực, một người khiếm thị ở Diễn Châu, Nghệ An đang chứng minh điều ngược lại.
Đến thăm xóm 5, xã Diễn Hùng, Diễn Châu (Nghệ An), không ai không biết đến khu vườn trái cây rộng 4 sào (hơn 2000 m²) của người đàn ông đặc biệt Cao Tiến Lực. Đặc biệt ở chỗ đây là khu vườn đất xấu đầu tiên của xã trồng cây cho năng suất cao, có hiệu quả kinh tế và hơn hết chủ vườn là người khiếm thị.
Sinh ra trong gia đình có 10 người con, ông Cao Tiến Lực (1955) không may mắc bệnh ở mắt từ thủa lọt lòng. Tuy thị lực chỉ có 1/10 nhưng vẫn không ngăn cản khát khao được đến lớp, đến trường của ông.
Bằng nỗ lực không ngừng, ông Lực học hết lớp 10 rồi thi đậu trường Cao đẳng Thuận Hải ở miền Nam. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe ông đành gác lại chuyện học hành và ở nhà tăng gia sản xuất.
Mặc dù có tật ở mắt nhưng với tính cách năng nổ, vui vẻ, hoạt bát, ông Lực tích cực tham gia vào công tác đoàn ở xã Diễn Hùng. Nhờ tham gia các hoạt động đoàn xã mà ông Lực tìm được tình yêu của mình, một cô thôn nữ cùng xóm. Năm 1980, 2 người nên nghĩa vợ chồng trong sự chúc tụng của gia đình hai bên và bà con lối xóm.
Thế nhưng, số phận vẫn tiếp tục thử thách khi khiến cho đôi mắt của ông Lực ngày một yếu đi. Đến khoảng năm 2006, mắt ông hoàn toàn không thể nhìn thấy gì.
Ông Lực tâm sự, thời gian đầu ông không thể chấp nhận sự thật này. Việc nhìn thấy mờ mờ và việc trước mắt chỉ toàn màu đen là hai điều hoàn toàn khác nhau. Lúc đó ông gần như sụp đổ.
Nhưng may mắn ông vẫn còn gia đình, bạn bè lối xóm bên cạnh. Đặc biệt là sau khi tham gia vào Hội người mù Diễn Châu, với sự giúp đỡ, động viên của cán bộ chi hội, những người đồng cảnh ngộ, ông Lực vẫn quyết tâm làm việc gì đó có ích, giúp vợ con cải thiện cuộc sống.
Ông nhớ lại, “Tôi bắt đầu lại từ đầu, học chữ Braille (chữ nổi dành cho người mù), học nghề… và dần yêu đời, lạc quan hơn”.
Trước đây, gia đình ông sống bằng nghề trồng màu nhưng không cho thu nhập cao. Đến năm 2014, 2015, khi nghe thông tin nhà nước thực hiện chính sách “Dồn điền đổi thửa”, ông Lực mạnh dạn đề nghị gia đình đổi lấy 4 sào đất rộng trên 2000 m² gần nhà để trồng cây ăn trái.
Khi nhận đất về, ông chưa bắt tay vào trồng cây mà tập trung vào việc cải tạo chất lượng đất. Nhờ thường xuyên nghe đài, lại tìm hiểu qua sách, báo, ông Lực đã chỉ cho gia đình cách cải tạo đất bạc màu thành mảnh đất màu mỡ.
Bằng kinh nghiệm làm nông lâu năm, ông nhận thấy vùng đất Diễn Hùng cao ráo, phù hợp với trồng cây táo đại. Trong lần ra Hà Nội tham gia Đại hội thi đua yêu nước của Hội người mù tổ chức năm 2015, ông Lực đã liên hệ với trường Đại học Nông nghiệp đặt mua 250 cây táo đại và 150 cây bưởi về trồng xen kẽ tại vườn.
Không chỉ đầu tư mua giống, ông Lực còn tự mày mò, nghiên cứu, thiết kế hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây của mình. Khi hay tin có hệ thống tưới nước tự động ở Diễn Trường, ông Lực nhờ người đưa mình đến tận nơi, tự tay sờ, lắng nghe để học cách về dạy áp dụng cho khu vườn của mình từ đó tiết kiệm được rất nhiều công sức chăm bón.
Khu vườn mà ông đầu tư tâm huyết đã không phụ công sức người trồng. Ngay vụ đầu tiên, vườn táo của ông đã cho thu hoạch hơn 3 tấn cung cấp cho thị trường cho thu nhập hơn 50 triệu đồng.
Năm nay, ông Lực còn mạnh tay trồng tiếp 300 gốc táo mới thay cho những gốc không ngon để tăng năng suất. Nếu thời tiết thuận lợi, vườn táo sẽ cho năng suất gấp rưỡi, gấp đôi năm ngoái. Dưới các gốc táo, bưởi, ông Lực còn đề nghị gia đình trồng lạc xen canh. Thành ra, khu vườn ông có thể thu hoạch được tới 3 vụ (lạc, táo, bưởi).
Ngoài trồng cây, gia đình ông Lực còn nuôi hươu lấy gạc hơn chục năm nay. Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, ông còn dành hẳn một khoảnh vườn để trồng ngô lấy thức ăn nuôi hươu, bò.
Nhiều người khi biết mô hình của ông đã không quản ngại đường sá xa xôi đến xin học hỏi và đều được ông tận tình chỉ dạy. Với ông Lực, hiện ông chỉ đau đáu 1 điều làm sao để truyền những kinh nghiệm của bản thân giúp cho những người khiếm thị như ông học hỏi, vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Chu Thanh