(NAO) - 16 tuổi nhập ngũ, 1965-1973 chiến đấu ở mặt trận Thượng Lào, tháng 9/1970 (tròn 23 tuổi) được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hai lần tái ngũ, hai lần làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào… Đó là tiểu sử vắn tắt của ông Vi Đức Cường quê bản Lục Sơn, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An …

Một chính trị viên gan dạ...

Tôi tìm gặp được ông Vi Đức Cường ở mảnh vườn rau dưới chân ngọn núi sau nhà. Nhìn dáng người nhỏ bé đang lúi húi bên luống đỗ với chiếc xô tưới cây trên tay sẽ không ai nghĩ ông từng là nỗi khiếp sợ cuả quân phỉ Vàng Pao nổi tiếng thiện chiến có thời làm mưa làm gió khắp miền Thượng Lào.

762149_small_42564.jpg
Trong đợt tuyển quân tháng hai năm 1965 chàng trai người Thái Vi Đức Cường vô cùng phấn chấn vì được khoác lên mình màu xanh áo lính. Sau hai tháng huấn luyện, đơn vị của Cường chuyển đến một địa điểm ở Mường Phạc thuộc tỉnh Xiêng Khoảng nước bạn Lào. Đó là lần xa nhà đầu đời của anh. Nhiệm vụ của một chiến sĩ trinh sát luôn phải bận bịu khiến anh lính trẻ ấy nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê. Những năm 1965, 1966 địch gây cho ta rất nhiều khó khăn. Quân phỉ Vàng Pao có thể xuất hiện bất cứ lúc nào bắn lén chớp nhoáng rồi rút êm. Ông trầm ngâm kể: “Giai đoạn ấy bội đội Pathét Lào cũng như quân tình nguyện Việt Nam bị trúng mìn, bị bắn tỉa rất nhiều khiến tinh thần chiến đấu chiến sĩ ta có phần giảm sút nên công tác chính trị lúc ấy vô cùng quan trọng.”  Ông được cử giữ chức vụ chính trị viên đại đội.

Hồi tháng 5 năm 1966, trong một lần tổ trinh sát gồm 5 người do Vi Đức Cường làm tiểu đội trưởng đi làm nhiệm vụ rơi vào ổ phục kích của địch ở vùng giáp ranh giữa quân giải phóng và quân phỉ Vàng Pao. Địch xuất hiện bất ngờ khiến ta bị động. Tình thế rất bất lợi, lực lượng chênh lệch: địch 3 ta 1 (dịch khoảng 17 tên). Ba ngày quần nhau, bốn chiến sỹ của ta bị thương và hy sinh.. chỉ mỗi Cường còn khả năng chiến đấu. Suốt ba ngày Cường phải lo chống trả với địch vừa phải bảo vệ cho đồng đội . Đó là trận đánh cam go nhất mà ông từng trải qua trong cuộc đời người lính của mình.

Tháng 6 năm 1969 có  một trung đội quân Vàng Pao chốt trên đỉnh ngọn Pù Thạc thuộc vùng Mường Chắc tỉnh Xiêng Khoảng. Địa thế nơi quân địch chiếm giữ rất hiểm trở, ba mặt là vách đá dựng đứng cao trên 30 mét. Phía còn lại chúng tổ chức canh phòng cẩn mật, trinh sát của ta không thể lọt vào. Đây là đồn địch được mệnh danh là “kiến qua không lọt.” Trong cuộc họp  giao ban đại đội, Vi Đức Cường (lúc ấy là đại đội phó) đề xuất phương án cử một đội đặc công đang đêm đột kích vào đồn địch. Làm như thế vừa tạo được yếu tố bất ngờ vừa đảm bảo tính bí mật cho trận đánh. Phương án của ông được chỉ huy đại đội chấp nhận. Lúc 22 giờ, mũi trinh sát tìm được đường lấy nước của địch, thì bất ngờ trời đổ mưa. Vi Đức Cường quyết định lợi dụng cơ hội này địch dễ sơ suất chỉ huy các chiến sỹ áp sát đồn địch. Trận đánh diễn ra trong 13 phút và đã thu được thắng lợi. Toàn bộ 21 lính Vàng Pao ở đồn Pù Thạc bị bắt sống trao trả cho dân quân địa phương.

...và danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Với thành tích và những cống hiến của ông trên cương vị người chỉ huy đại đội, tháng 9 năm 1970, thiếu uý Vi Đức Cường được Nhà nước tuyên dương danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Đó là một nguồn động viên thật lớn giúp ông hoàn thành tốt những cương vị sau này được giao. Từ năm 1986 đến 1991 ông được cử giữ chức Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự huyện Con Cuông. Tuy giữ cương vị này không lâu nhưng ông rất được đồng nghiệp và người dân yêu mến, tin cậy. Người dân thị trấn Con Cuông nơi ông đang sinh sống hiện giờ vẫn quen gọi ông bằng cái tên, “ông Cường huyện đội.”

“Có lẽ tôi khá có duyên với nước bạn Lào. Và đã hai lần cùng đồng đội sang giúp đỡ nước bạn”- Ông tâm sự. Đó là năm 1982 khi các lực lượng chống đối nổi lên ở một số nơi miền Thượng Lào, đơn vị của ông lại chiến đấu, hơn ba tháng sau mới trở về nước.

Bây giờ, khi đã sang tuổi lục tuần người chiến sĩ ấy vẫn chưa cho phép mình ngơi nghỉ. Ông làm vườn, tham gia công tác trong hội cựu chiến binh huyện và làm tròn chữ hiếu với cụ thân sinh của ông năm nay đã ngoài 90 tuổi.
Bài, ảnh: Hà Phượng - ĐH Văn hóa HN