(Baonghean) - Trong những chuyến đi biển của mình, tôi đã nhiều lần được lênh đênh với ngư dân trên hải trình đánh bắt xa bờ, nhưng chưa có con tàu nào để lại ấn tượng trong tôi như con tàu ấy. Chẳng phải vì đó là con tàu có công suất quá lớn với phương tiện tối tân, hiện đại. Nó cũng giống như vô vàn con tàu vỏ gỗ quen thuộc của ngư dân Việt Nam. Chỉ có điều, con tàu ấy, ngay trước ca bin có hai chữ lớn được viết bằng sơn xanh: “Tình biển”.  Hẳn  đó là cái ẩn ý sâu xa của người thuyền trưởng đã mấy mươi năm chọn biển cả, sóng nước làm nơi nương náu cuộc đời mình?..

Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm ấy. Trời se sẽ gió, hương biển xa gần có cái mời gọi riêng. “Mình vừa đi biển về, có mấy con lẹp, anh em đến nhé!” - một cách khiêm nhường,Thuyền trưởng Nguyễn Quang Toan gọi chúng tôi đến, để là một dịp được ngồi với nhau trong cái khoảnh sân hẹp nhà ông trước triền cát Cửa Hội.
 
Mọi người gặng hỏi sao lại đặt tên con tàu của mình là “Tình biển”. Ông nhẩn nha tâm sự, tất cả những gì ông có cho đến nay, cơm ăn, áo mặc, gia đình, cuộc sống đều đến từ những con sóng ngoài kia. Nhưng cái nghĩa tình với biển còn xuất phát từ một ký ức dữ dội khác. Vào tháng 5/1994, tàu cá mang số hiệu NA 90040TS do Thuyền trưởng Nguyễn Quang Toan điều khiển khi đang thực hiện việc đánh bắt trên Vịnh Bắc bộ trên  tọa độ 18,42 vĩ độ Bắc, 106,45 kinh độ Đông thì bất ngờ bị tàu nước ngoài tấn công. Trong sự chống đỡ không cân sức, một ngư dân trên tàu của ông đã bị kẻ xấu trên tàu lạ dùng súng sát hại. Điều khiến ông đau đớn hơn, người bạn ngư dân ấy bị tử thương ngay trên vùng biển Cửa Sót (Hà Tĩnh) - nằm sâu trong hải phận Việt Nam. Và suốt bấy nhiêu năm ông vẫn cho rằng đó là “tọa độ ký ức”. Vậy nên, lần nào tàu đi qua đó ông Nguyễn Quang Toan và các thuyền viên đều dành ít phút dừng tàu và không quên làm dấu nguyện cầu bình yên cho người bạn dưới suối vàng. 
 
images1169743_ti_p_a5__ong_toan_la_tai_mat_tren_bien_cua_bo_doi_bien_phong.jpgÔng Nguyễn Quang Toan là “tai mắt” trên biển của Bộ đội Biên phòng.
Câu chuyện đó, cái tình đó của Thuyền trưởng Nguyễn Quang Toan đã lan tỏa trong làng cá Vạn Xuân thuộc Giáo xứ Trang Cảnh (Nghi Xuân – Nghi Lộc). Là một thuyền trưởng, người được xem là thủ lĩnh của làng cá ven biển, ông không khỏi day dứt suốt bao nhiêu năm nay. Hơn thế, đã có giai đoạn nhiều người không đủ vững dạ để đi biển. Nỗi sợ hãi nó cứ mơ hồ bám riết lấy suy tư của những ngư dân vốn đã phải đương đầu với nhiều hiểm nguy mỗi khi xa bờ. Ông không muốn thêm một lần nào nữa phải chứng kiến sự mất mát của những ngư dân trên quê hương mình. Và từ đây ông đã đi đến một quyết định, đó là trở thành người trinh sát biển, là tai mắt của Hải đội 2 và Đồn Biên phòng Cảng Cửa Lò - Bến Thủy thuộc BCH Bộ đội Biên phòng Nghệ An.  
 
Ông Nguyễn Quang Toan nói rằng: Trở thành người gác biển cũng là góp phần bảo vệ bình yên cho những con tàu. Sự kết nối của bộ đội biên phòng với ông vì thế cũng thật nhẹ nhàng, thật tự nhiên. Từ khi trở thành trinh sát biển, công việc của Thuyền trưởng Nguyễn Quang Toan thêm bộn bề. Không chỉ buông lưới, đánh cá, ông và những thuyền viên của tàu NA 90040TS còn đảm nhiệm việc quan sát thời tiết, tìm kiếm giúp đỡ tàu gặp nạn, thông tin hiện tượng xâm phạm chủ quyền lãnh hải... Những chuyến đi biển vì thế  thêm dài, nhật ký đi biển trải thêm nhiều trang viết. Ví như: “ngày 22 tháng 5, tàu nước ngoài xâm nhập hải phận Việt Nam, ngày mồng 10 tháng 8, phát hiện tàu đánh cá dùng mìn; ngày 24 tháng 8, gặp tàu không biển số... Mỗi một dòng nhật ký được viết ra, mỗi một tin tức được báo về đất liền, biển vùng biển quê hương lại thanh bình hơn.
 
Nhiều người vẫn cho rằng, Thuyền trưởng Nguyễn Quang Toan sao cứ phải buộc  thêm vào mình những lo toan. Ông biết lắm. Biết những trông ngóng, thắt thẻo của vợ con mỗi khi trời giông gió. Nhưng ông cũng biết, để được cảm nhận vị tanh nồng của cá tươi, ngắm sắc xanh thẳm của biển biếc, nhìn thấy ánh mắt tự hào của con, nụ cười rạng ngời của vợ, dáng ngồi bình yên của mẹ già, sẽ không thể làm khác. Bảo vệ biển là bảo vệ chính mình, là giữ cho biển không dậy sóng, cũng chính là giữ cho đất liền được bình yên. 
 
Sống cùng biển, Thuyền trưởng Nguyễn Quang Toan biết rõ, ở biển, sẽ không có sức mạnh nào lớn bằng sức mạnh của sự đoàn kết. Với sự thân thiện và khí chất của người anh cả đầy bản lĩnh trên con tàu NA 90040TS, ông nhanh chóng trở thành cầu nối của ngư dân trên ngư trường Vịnh Bắc bộ. Phương châm “hiệp đồng bám biển xa khơi” nhanh chóng được đông đảo ngư dân vùng Cửa Hội tham gia, mà ông Toan giữ vai trò kết nối. Đã có nhiều con tàu, thuyền trưởng, thuyền viên được giúp đỡ. Niềm tin với biển với công tác khai thác, đánh bắt cũng nhờ vậy trở nên thiết tha hơn. 
 
Ở xóm chài nhỏ Vạn Xuân ven Lạch Hội, đã có những con người tụ hội để làm sống lại một phong trào lao động sản xuất của ngư dân xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc. Thuyền trưởng Nguyễn Quang Toan luôn không thừa nhận vai trò thủ lĩnh của mình trong nếp làng đó. Nhưng tôi biết rằng, cuộc sống rất cần những người như ông, những ánh lửa nhỏ làm ấm nóng tình yêu lớn. Ngày mai Thuyền trưởng Nguyễn Quang Toan lại ra khơi, biển quê hương cần lắm những người như thế...
 
Đào Tuấn