(Baonghean) - Làng Quang Sú (hay còn gọi là làng Sú, ở xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn) có dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số và người dân nhập cư từ nơi khác đến. Sự chuyển biến về nhận thức của người dân cũng như sự sáng tạo trong làm ăn kinh tế ở đây đang làm sáng dần lên sắc diện nông thôn miền núi đổi mới.
Chủ động phát triển kinh tế trang trại
Nhìn từ đồi Rú Ấm, làng Sú hiện lên với một vẻ đẹp thuần khiết giữa vòng ôm của hồ Khe Đá và màu xanh hút mắt của những rừng keo, đồi mía hồi sinh sau đợt nắng hạn kéo dài giữa năm 2015. “Trước đây, người dân làng Sú chủ yếu dựa vào rừng, khai thác gỗ hay săn bắn mưu sinh. Cực nhọc, vất vả nhưng vẫn nghèo đói mãi. Bắt nhịp khí thế làm ăn chung, người dân làng Sú đã tìm cho mình những hướng đi mới, đầy tính sáng tạo trong phát triển kinh tế. Giờ đây, cuộc sống của bà con đã cải thiện nhiều. Nhà nào cũng có bò, có dê nuôi, rồi phát triển gia trại, trang trại vươn lên làm giàu”, ông Lê Văn Đức, xóm phó làng Sú cho biết.
Để “minh chứng” cho điều mình nói, xóm phó Lê Văn Đức dẫn chúng tôi tới thăm đồi mía rộng hơn 3ha của gia đình ông Đinh Văn Hòa. Ông Hòa là bộ đội phục viên về làng. Sau khi đi tìm hiểu, chứng kiến nhiều hộ nông dân bên huyện Tân Kỳ thoát nghèo nhờ cây mía, ông Hòa đã mạnh dạn vay vốn để trồng 5 sào. Dần dà, diện tích mía được mở rộng và ông đã trở thành chủ vườn mía được nhiều tư thương tìm đến.
Ông Hòa chia sẻ: “Trước đây trồng giống mía cũ - QĐ 93159 cũng năng suất, nhưng cây yếu, dễ bị ngã và nhanh trổ cờ, lãi thấp". Vì vậy ông Hòa và nhiều hộ dân ở làng Sú đã chọn lựa những giống mía LK 9221 năng suất, độ đường cao, lại muộn trổ cờ nên hiệu quả ổn định hơn trước.
Ngoài trồng mía, ông Hòa còn đầu tư mua 2 xe tải công suất lớn để vận chuyển mía của gia đình đi tiêu thụ cũng như kinh doanh vận tải. Nhờ đó, trong nhiều năm liền ông là một điển hình kinh tế giỏi của huyện Nghĩa Đàn.
Từ thành công của ông Hòa, nhiều bà con trong làng đã mạnh dạn đầu tư cho cây mía, hiện tại tổng diện tích cây trồng này của người dân làng Sú đã có gần 70ha. Song hành với cây mía, cây keo cũng đang được người dân làng Sú đầu tư phát triển với diện tích lên tới 115ha. Việc trồng keo cũng không còn phó mặc cho “ông trời” như trước nữa; bà con tiến hành làm cỏ, chăm sóc keo như các cây hàng hóa khác. Có thể nói, việc chú trọng phát triển lâm nghiệp của làng Sú đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo trong thời gian qua.
Anh Phùng Thanh Liên - một trong những hộ chăn nuôi bò và dê với quy mô lớn nhất làng Sú. Hiện tại gia đình anh có đàn dê hơn 20 con. Ngoài nuôi dê, gia đình anh Liên còn nuôi 10 con bò. Anh Liên cho biết: với lợi thế tiềm năng về rừng nên rất phù hợp phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng. Đặc biệt là áp dụng khoa học kỹ thuật để chăn nuôi đàn gia súc.
Hiệu quả từ xuất khẩu lao động
Đến thăm gia đình chị Lô Thị Chu, người đã có thời gian dài gần 7 năm đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan. Chị Chu vui vẻ cho biết: "Với mức thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, sau 7 năm đi xuất khẩu lao động gia đình tôi vốn để chủ động phát triển kinh tế”.
Cùng niềm vui chung với người dân làng Sú, ông Phạm Văn Linh, Bí thư Chi bộ làng Sú cho hay: “Làng Sú giờ đã có nhiều người đi xuất khẩu lao động, hàng năm đem lại nguồn thu nhập khá, có vốn để làm ăn, nhiều nhà bắt đầu giàu lên”. Hiện tại làng Sú có 36 người lao động tại Đài Loan và Hàn Quốc, nguồn gửi về mỗi năm dao động từ 600 - 700 triệu đồng. Cũng từ nguồn lực nhờ xuất khẩu lao động, đời sống của các gia đình đã được cải thiện và có đóng góp đáng kể trong xây dựng các công trình phúc lợi xã hội của xóm làng.
Từ sự thành công của những người “tiên phong” như anh Liên, chị Chu, cho thấy người dân làng Sú đã thay đổi tư duy, cách nghĩ trong làm ăn, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư để phát triển chăn nuôi để ổn định cuộc sống và làm giàu. Cuộc sống của 124 hộ bà con làng Sú giờ đây đã khấm khá. Đối với các hộ dân khó khăn địa phương cũng như bà con trong làng đã và đang giúp đỡ để có hướng làm ăn thoát nghèo.
Thanh Quỳnh