Vào ngày 14/3/1951, Albert Einstein bước sang tuổi 72. Sinh ra tại Ulm, Đức, nhưng nhà vật lý học nổi tiếng dành nhiều năm sinh sống tại Mỹ. Khi ấy, ông đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp ở Princeton, New Jersey. Một buổi tiệc mừng sinh nhật đã được tổ chức để tôn vinh ông tại viện nghiên cứu này.
Khi ông rời bữa tiệc, những tay săn ảnh đã rình rập sẵn bên ngoài tòa nhà, hy vọng được nghe những lời lẽ châm biếm dí dỏm của vị giáo sư nổi tiếng toàn thế giới về tình hình chính trị toàn cầu - cũng như chụp lại bức ảnh hoàn hảo trong ngày sinh nhật.
Vốn không ưa sự phấn khích của giới truyền thông, và ngày càng mệt mỏi với việc phát ngôn, Einstein tỏ ra khó chịu trước sự có mặt của các phóng viên. Ấy vậy mà ông lại kẹt ở ghế sau của một chiếc limousine, ngồi giữa cựu Giám đốc Viện nghiên cứu Frank Aydelotte cùng vợ ông ta, không thể nào lẩn tránh ánh đèn flash. “Đủ rồi đấy…” là câu mà Einstein đã liên tục hét lên với các phóng viên quá khích. “Này, giáo sư, hãy cười lên để chụp một bức nhân ngày sinh nhật nào”, một người nói to.
Trong cử chỉ thể hiện thái độ khó chịu, nhân vật mang tâm hồn tự do chẳng giống ai đã thè lưỡi với những kẻ đeo bám - một khoảnh khắc đã được nhiếp ảnh gia Arthur Sasse nhanh tay ghi lại. Bức ảnh này đã nhanh chóng lan khắp thế giới, trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng.
Vị giáo sư đãng trí với mái tóc bù xù, vốn thường quên đeo tất, nhưng lại sở hữu thuyết tương đối mà đến nay chỉ có những bộ óc thông tuệ nhất thế giới mới có thể hiểu được, đã được nâng tầm lên thành một nhân vật huyền thoại trong suốt cuộc đời mình. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc trên cũng giúp ông trở thành thần tượng trong lòng công chúng.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, nhiếp ảnh gia - tác giả của bức ảnh không phải là người giúp nó nổi tiếng khắp thế giới, mà chính Einstein đã làm điều đó. Ông đã đặt in nhiều bức và cắt cúp để cặp vợ chồng Aydelotte không còn trong khung hình. Ông gửi hàng chục bức ảnh như vậy cho đồng nghiệp, bạn bè và người quen. “Chiếc lưỡi thè ra phản ánh các quan điểm chính trị của tôi”, ông viết khi gửi cho người bạn Johanna Fantova.
Năm 2009, một bức ảnh có chữ ký gốc của ông đã được bán đấu giá 74.324 USD, khiến nó trở thành bức ảnh đắt giá nhất của nhà thiên tài.
Kể từ khi được chụp vào dịp sinh nhật Eintein vào năm 1951, bức ảnh ông thè lưỡi đã được in lại hàng triệu lần: trên áp phích và áo phông, trên bưu thiếp, cốc và tranh ảnh. Và ngay cả hiện nay, dù đã nhiều thập kỷ trôi qua kể từ lúc ông qua đời, nhà tư tưởng cách mạng và giáo sư thiên tài vẫn có vô số người hâm mộ, từ già đến trẻ./.