Baonghean.vn) - Chuyên gia thể thao hàng đầu của Việt Nam - ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng Nghệ An cần đầu tư những môn thể thao trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn.
- PV: Xin chào ông Nguyễn Hồng Minh, là người gắn bó mật thiết với thể thao Nghệ An trong khoảng 50 năm nay, ông có nhìn nhận như thế nào về thể thao Nghệ An?
- Theo tôi, Nghệ An hiện đã có nhiều Trung tâm huấn luyện, chúng ta có trường văn hoá để dạy cho vận động viên (VĐV). Các nơi cũng kết hợp giữa văn hoá và thể thao nhưng Nghệ An đã biết tính toán kỹ lưỡng để các VĐV vừa đảm bảo học văn hoá, vừa đảm bảo quy trình tập luyện. Trên bình diện quốc gia thì đây là một mô hình mà các địa phương khác nên học tập.
Nghệ An có một đội ngũ VĐV khá hùng mạnh. Hàng năm, tỉnh, thành phố đầu tư chi phí cho đào tạo VĐV trên dưới 30 tỷ, tôi cho rằng đó là sự đầu tư hết sức cố gắng. Truyền thống thể thao Nghệ An chính là bóng đá. Người dân Nghệ An yêu bóng đá đến cuồng nhiệt. Và bóng đá Nghệ An đã tạo nên những dấu ấn rất tốt đẹp, không chỉ ở sân chơi đỉnh cao mà còn với công tác đào tạo trẻ. Thực ra, mấy năm gần đây bóng đá trẻ của Việt Nam trên bình diện toàn quốc có nhiều tiến bộ, nhưng tiên phong trong việc làm tốt cho bóng đá trẻ chính là ở Nghệ An.
- PV: Ngoài bóng đá, theo ông Nghệ An còn có thể đặt kỳ vọng vào môn thể thao nào trong tương lai?
- Nghệ An có thể đặt niềm tin vào điền kinh và các môn võ thuật. Với điền kinh, tỉnh đã có những VĐV xuất sắc, đóng góp lớn cho ĐTQG và dự những kỳ Olympic đầu tiên như chị Trần Thị Doãi chẳng hạn. Còn về võ thuật, Nghệ An có ưu điểm là các môn võ thuật phát triển mạnh.
Trung tâm thể thao Nghệ An bây giờ có tới 20 môn thể thao thì phần lớn là các môn võ thuật, kể cả những môn mới phát triển như Boxing, Kick-Boxing, Muay Thái... hay những môn võ truyền thống như là Vovinam... đều có những thế mạnh riêng.
Tôi nghĩ sự phát triển này phù hợp với đặc điểm tính cách của đồng bào các tỉnh miền Trung, đó là đức tính chịu đựng gian khổ, rèn luyện, ý chí quật cường. Tất cả những môn thể thao đều cần những tố chất đó, nhưng đặc biệt là các môn võ thuật thì cần hơn cả, bởi vì võ thuật đòi hỏi sự kiên trì, sự nỗ lực lớn lao, và tinh thần quả cảm. Đặc thù của võ thuật phù hợp với con người xứ Nghệ, là điều kiện, cơ sở để các VĐV Nghệ An giành thành tích cao trên đấu trường quốc tế.
- Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn thì thể thao Nghệ An đang có dấu hiệu chững lại, với góc nhìn toàn diện, ông có thể chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó?
- Tôi tìm hiểu trong trung tâm đào tạo của chúng ta, hệ thống đào tạo VĐV tương đối bài bản. Nhìn chung, định hướng phát triển của thể thao Nghệ An là đúng đắn. Tuy nhiên, rõ ràng tôi nhìn thấy khó khăn về cơ sở vật chất. Cơ sở vật chất ở đây là bao gồm phục vụ cho tập luyện, có đảm bảo cho tập luyện hay không và nhất là cho thể thao hiện đại thì Nghệ An còn nhiều hạn chế.
Tất cả những phương tiện tập luyện đều thiếu rất nhiều. Về yếu tố con người thì Nghệ An có, tiềm năng Nghệ An có nhưng cơ sở vật chất chưa tương xứng. Hay nói cách khác là chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao trình độ của VĐV lên tầm khu vực và châu lục. Đương nhiên khó khăn về cơ sở vật chất là khó khăn chung, tương đối phổ biến trên lãnh thổ Việt Nam kể cả các Trung tâm huấn luyện quốc gia.
Thứ hai nữa là ở bộ môn điền kinh, trước đây Nghệ An là một đơn vị mạnh trong các môn điền kinh, đóng góp nhiều cho thành tích chung của ĐTQG, nhưng trong thời gian gần đây tôi cảm nhận thấy có những bước chững lại, chưa được chú trọng để phát triển mạnh mẽ hơn.
- Vậy theo ông, đâu là "chìa khoá" cho thể thao Nghệ An gặt hái được thành công trong tương lai?
- Theo tôi, cần phải có những chiến lược và tập trung vào một số môn thế mạnh, vì đầu tư theo xu hướng dàn trải sẽ không đạt được kết quả như ý muốn. Nghệ An có thể từng bước tập trung đầu tư cho những môn mũi nhọn. Tôi hy vọng ở môn điền kinh bởi vì môn thể thao này phù hợp với con người và thể trạng của các VĐV Nghệ An.
Về bóng đá Nghệ An, tôi cho rằng cần 2 yếu tố để duy trì và thúc đẩy sự phát triển. Thứ nhất là quy chế từ thượng tầng, ví dụ như chuyển nhượng để có lợi cho những đơn vị tốn chi phí, công sức đào tạo ra cầu thủ như SLNA; giúp lò SLNA gặp thuận lợi hơn trong việc giữ chân VĐV tài năng.
Thứ hai, là đơn vị chủ quản phải tìm cách khai thác thương hiệu, tăng nguồn tài chính. Từ đó tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo cuộc sống, chế độ cho những VĐV xuất sắc để giữ chân họ lại.
Việc các tài năng ra đi tìm bến đỗ mới là quy luật của thị trường hoá và không riêng gì bóng đá. Bây giờ, thể thao được xem là một ngành công nghiệp và cần phải có kế hoạch, định hướng rõ ràng để mang lại những thành công mới, có khả năng cạnh tranh và đứng vững trước những khó khăn, thử thách lớn hơn.
- PV: Xin chân thành cảm ơn ông với những chia sẻ này!
Ông Nguyễn Hồng Minh sinh năm 1947 tại Hà Nội, nguyên là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, nguyên Tổng thư ký của Liên đoàn Thể dục Việt Nam, nguyên là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ Olympic, Asian Games, SEA Games. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đã có thâm niên công tác hơn 40 năm trong ngành thể thao với nhiều vai trò và vị trí khác nhau. Ông là một người đầy tâm huyết và có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành thể thao Việt Nam. |
Trung Kiên