Theo các chuyên gia, nếu không may rơi phải trường hợp xe bị mất phanh khiến 13 người thiệt mạng ở Lai Châu, người tài xế phải thật bình tĩnh và thử các cách sau.
Bình tĩnh là yếu tố quyết định để bảo vệ tính mạng của tài xế và những người ngồi trên xe trong trường hợp này. Rất nhiều tài xế hoảng loạn, đánh lái một cách vô định dẫn tới xe đâm vào những người xung quanh hoặc rơi xuống vực.
Khi giữ được bình tĩnh, tài xế cần nhanh nhạy lựa chọn phương án xử lý, đầu tiên là kéo phanh tay.
Phanh tay (còn gọi là phanh phụ - Parking Break) được thiết kế giúp giữ xe đứng cố định khi đỗ xe (đặc biệt là những nơi mà độ ma sát giữa bánh xe với mặt đường thấp như dốc chẳng hạn).
Khi thao tác cần lưu ý kéo nhẹ nhàng, từ từ nhưng đủ lực. Nếu kéo quá mạnh, quá nhanh có thể làm khóa bánh, gây hiện trơn trượt, mất lái.
Mặc dù ít được sử dụng hơn các hệ thống phanh khác nhưng trong trường hợp này, phanh tay lại là phương án không thể bỏ qua.
Một phương án thông thường chỉ có những tài xế lâu năm và có kinh nghiệm dày dặn mới biết đó là phanh số.
Khi đang đi với tốc độ cao mà bị mất phanh, người tài xế có thể sử dụng kỹ thuật “dồn số”.
Trường hợp đi xe số sàn thì sẽ phức tạp hơn vì nếu về số quá thấp ở tốc độ cao có thể phá hủy hệ truyền động và lực quán tính làm mất khả năng kiểm soát.
Do đó hãy về 1 hoặc 2 cấp mỗi lần, đặc biệt nếu mất phanh trên đèo dốc cần hết sức cẩn trọng khi trả số thấp và nên theo tuần tự.
Ngoài ra, nếu có đủ khoảng trống tài xế có thể di chuyển xe theo hình rích rắc để làm giảm dần tốc độ của xe.
Cuối cùng, nếu không còn lựa chọn nào khác, tài xế hãy tìm một điểm có thể va chạm mà không gây nguy hiểm đến mọi người xung quanh.
Nếu di chuyển trên đường đèo thì có thể đánh lái cho xe quệt liên tục vào vách núi để giảm tốc và tránh trường hợp xe lao xuống vực.
Một lưu ý quan trọng là không bao giờ được tắt động cơ, bởi khi đó hệ thống lái mất dần trợ lực nên rất nặng và khó điều khiển và việc động cơ ngừng đột ngột sẽ làm xe mất kiểm soát do lực quán tính tác động.