Ngày 21/4, CHDCND Triều Tiên công bố đường lối chiến lược mới, ngừng các thử nghiệm hạt nhân và tên lửa để tập trung hoàn toàn vào phát triển nền kinh tế của đất nước.
Bình Nhưỡng vẫn nắm át chủ bài
Chuyên gia Dmitry Mosyakov lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) đánh giá tuyên bố mới của Bình Nhưỡng như là "sự chuẩn bị bình thường" để tiến tới đàm phán nghiêm túc. Theo lời ông, "ở đây chẳng có gì quá đặc biệt, Bắc Triều Tiên chỉ đơn giản là tạo ra bầu không khí cần thiết mà trong khuôn khổ đó các cuộc đàm phán có thể đạt kết quả".
"Tôi nghĩ rằng đây là bước đi hoàn toàn tự nhiên của CHDCND Triều Tiên, tức là, tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán. Bình Nhưỡng cho thấy họ sẵn sàng đi tới đàm phán và hơn nữa, đang tạo ra một tình huống có thể tối đa hóa thành công của những cuộc đàm phán này", - chuyên gia Mosyakov tuyên bố với Sputnik.
Đồng thời, ban lãnh đạo CHDCND Triều Tiên "vẫn giữ thuốc súng khô và không sửa soạn từ bỏ những thành tựu mà họ đã phấn đấu đạt được".
Chuyên gia Dmitry Mosyakov nói thêm rằng hiện thời đây là sự thể hiện lập trường đàm phán chung của CHDCND Triều Tiên, còn tại bản thân cuộc đàm phán "sẽ có rất nhiều tiểu dị gắn với kinh tế, với sự hợp tác, với kế hoạch phát triển quan hệ giữa hai nước Triều Tiên...Đáng chú ý là CHDCND Triều Tiên đã phô trương sự mềm dẻo linh hoạt nhất định, vừa công bố lập trường của mình vừa làm mọi thứ có thể để đàm phán diễn ra trong bầu không khí bình thường", - chuyên gia Mosyakov nhận xét.
Yếu tố Trung Quốc
Chuyên gia Vladimir Batjuk phụ trách Trung tâm nghiên cứu quân sự-chính trị thuộc Viện Mỹ và Canada (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) cũng đồng ý rằng dù chưa từ bỏ tiềm năng hạt nhân-tên lửa nhưng quyết định của Bình Nhưỡng cũng tạo ra bầu không khí thuận lợi.
"Tất nhiên, đây là sự phát triển theo hướng đúng đắn. Điều đó có nghĩa là, từ chỗ gay gắt đe dọa lẫn nhau, từ chỗ phô trương vũ lực, các bên đang dần dần trở lại bàn đàm phán, và như thế là rất tốt. Quyết định của Bình Nhưỡng được hoan nghênh không chỉ ở Washington, mà cả ở Matxcơva, Bắc Kinh, Seoul và Tokyo. Tất nhiên, từ phía ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên đây là bước đi rất đúng", - chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia Vladimir Batjuk, tuyên bố của Bình Nhưỡng cũng là bước tiến từ phía nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un nhằm cải thiện bang giao với các nước láng giềng, trước hết là với Hàn Quốc, cũng như với Trung Quốc, khi mối quan hệ Bình Nhưỡng-Bắc Kinh "trong những năm gần đây đã trở nên rất, rất không giản đơn".