Động thái này còn nằm trong khuôn khổ hành động "cân bằng tinh tế" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người mà các nhà phân tích cho rằng ông đang tìm cách khiến các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc xung đột với nhau trong khi duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh - nhà bảo trợ kinh tế và và đảm bảo về ngoại giao của chính quyền Bình Nhưỡng.
Triều Tiên luôn coi trọng Trung Quốc
Cả Trung Quốc và Mỹ đều hy vọng sẽ được chứng kiến Bán đảo Triều Tiên "sạch bóng" vũ khí hạt nhân, song Bắc Kinh lo ngại sẽ phải trả giá cho việc Washington và Bình Nhưỡng có thể xích lại gần nhau hơn, có thể trở thành mối đe dọa đối với các lợi ích kinh tế và an ninh của Bắc Kinh trong khu vực.
Mặc dù Trung Quốc không có sự hiện diện trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm 12/6 vừa qua nhưng việc Bắc Kinh cho ông Kim Jong-un mượn chuyên cơ đến Singapore là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn duy trì ảnh hưởng nhất định trong ván bài ngoại giao này.
Ông Kim Jong-un đã chọn Bắc Kinh là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên hồi tháng 3 vừa qua và quyết định gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ hai liên tiếp (ngày 7-8/5) tại thành phố cảng Đại Liên.
Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), trong cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình ngày 19/6, ông Kim Jong-un đã cảm ơn nước chủ nhà đã có "sự trợ giúp chân thành và tích cực, góp phần tạo nên thành công" của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên được đón tiếp bằng nghi lễ trang trọng tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh đã cho thấy mối quan hệ hợp tác chiến lược Trung-Triều đã được củng cố và tăng cường.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin: "Ông Kim Jong-un đã bày tỏ quyết tâm và nguyện vọng phát triển hơn nữa các mối quan hệ thân thiết của tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai đảng và nhân dân hai nước Triều-Trung".
Ông Kim Jong-un cũng mong muốn có thêm sự giúp đỡ (của Trung Quốc) đối với "triển vọng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên" sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump ở Singapore hôm 12/6 vừa qua.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cam kết rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong chiến lược ngoại giao hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Lá bài thương mại
Truyền thông chính thức của hai nước đều không đề cập đến việc hai nhà lãnh đạo Trung-Triều có thảo luận về viễn cảnh giảm bớt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc vốn đã khiến nền kinh tế Triều Tiên bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, trước đó các nhà phân tích đều dự đoán rằng vấn đề này sẽ là một phần của chương trình nghị sự Trung-Triều lần này.
Trả lời phỏng vấn của AFP, chuyên gia Shin Bum-cheol cho rằng, đối với Trung Quốc, Triều Tiên có thể giống như "một lá bài quan trọng" nhất là khi Bắc Kinh đang đối mặt với một cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng với Mỹ.
"Về phía Triều Tiên, nước này hoàn toàn có thể cho thế giới và đặc biệt là Mỹ thấy rằng Bắc Kinh luôn có sự ủng hộ của Bình Nhưỡng cho dù quan hệ Triều-Mỹ có trở nên xấu đi trong tương lai".
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình đã nói với ông Kim Jong-un rằng: "Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Triều Tiên đã có quyết định quan trọng, tập trung phát triển kinh tế và sự phát triển này sẽ đưa Triều Tiên bước vào kỷ nguyên mới trong lịch sử".
Liên quan đến vấn đề này, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn các nguồn thạo tin cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu ngày thứ hai trong chuyến thăm Trung Quốc bằng chuyến tham quan một trung tâm khoa học nông nghiệp ở Bắc Kinh.
Nguồn tin này nhấn mạnh: "Ông Kim Jong-un dường như đã đến thăm trung tâm khoa học nông nghiệp. Điều này có thể phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của Triều Tiên trong lĩnh vực cải cách nông nghiệp".
Theo truyền thông Triều Tiên, ông Pak Thae-song và Thủ tướng Triều Tiên Pak Pong-ju, vốn có chuyên môn sâu về khoa học và kinh tế, là những quan chức tháp tùng ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh lần này./.