(Baonghean) - Nắng nóng, lửa cháy bao quanh nhưng để giữ gìn màu xanh cho quê hương, đất nước, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị bộ đội đóng quân ở các huyện đã xông pha, đương đầu với lửa dữ để cứu rừng. Hình ảnh đó chúng tôi ghi nhận được trong các vụ cháy rừng vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh.
 
“Keng keng… keng keng”! Tiếng kẻng báo động ở Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) dồn dập vang giữa trưa hè oi ả. Chỉ ít phút, gần 200 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã có mặt tại sân vận động đơn vị, mang theo nhiều dụng cụ cứu hỏa. Tổng hợp thông tin, rất nhanh chóng Trung tá Mai Văn Thanh, Phó chỉ huy trưởng Lữ đoàn quán triệt nhiệm vụ: “Hiện nay có một đám cháy vừa bùng phát ở khu vực rừng phòng hộ của xã Thanh Khai (huyện Thanh Chương) đang lan rộng sang khu vực rừng của xã Nam Thái (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ngay bây giờ, các đồng chí cơ động ra khu vực có đám cháy để giúp dân cứu rừng”. Mệnh lệnh vừa dứt, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng cơ động hành quân làm nhiệm vụ.
image_1713867.jpgCán bộ, chiến sỹ BCH quân sự huyện Hưng Nguyên cùng người dân địa phương chữa cháy rừng.Ảnh: TC
Đến hiện trường vụ cháy, không chút chần chừ, các cán bộ, chiến sĩ liền băng rừng, leo đồi, vượt dốc đến nơi có đám cháy. Đoạn đường không xa song độ dốc lớn, thực bì dày chủ yếu là lá thông khô nên rất trơn trượt khiến việc tiếp cận đám cháy rất khó khăn, song các chiến sĩ vẫn thoăn thoắt tiến bước. Tiếp cận rồi đối diện với “giặc lửa”, cán bộ chiến sĩ người dùng vỉ dập lửa, người bùi nhùi, máy thổi gió, người chặt cành cây tươi “chiến đấu” với ngọn lửa hung hãn. Theo sau họ là đông đảo cán bộ và người dân địa phương nước, cuốc cào, dao cùng nhập cuộc ngăn lửa lan rộng… Nắng nóng gay gắt, lớp thảm thực bì dày cộng thêm gió thổi mạnh đã khiến ngọn lửa bùng phát dữ dội. Mọi người chuyển sang thực hiện phương án phát quang tạo đường băng cản lửa dài gần 1,5km, khoanh vùng, khống chế không cho đám cháy lan sang khu vực khác. Quân và dân hòa chung trong một ý chí, quyết tâm ngăn chặn, dập tắt “giặc lửa”. Sau 9 tiếng chiến đấu, đến 20 giờ đêm, ngọn lửa cơ bản được khống chế.
 
Vừa rút quân về, Lữ đoàn lại nhận được tin một đám cháy bùng phát ở rừng phòng hộ khu vực xã Nam Thượng (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đang cháy lan rộng sang hướng rừng thuộc xã Vân Diên. Ý thức rõ mức độ nguy hiểm của hỏa hoạn, quên đi mệt mỏi cán bộ, chiến sĩ lại tức tốc lên đường. Cùng với các lực lượng, cán bộ chiến sỹ Lữ đoàn 414 đã thức trắng đêm “giằng co” với giặc lửa. Đến 11 giờ 30 phút trưa hôm sau, ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn. Lúc này, ai cũng đã mệt nhoài, mồ hôi cùng tro bụi đóng lớp trên khuôn mặt sạm đen. Vui vì chiến thắng lửa dữ nhưng cũng buồn vì nhiều diện tích rừng bị mất, chiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Đại đội 8, Tiểu đoàn 27 cho biết: “Đơn vị đóng quân trên địa bàn xung quanh là rừng phòng hộ nên chúng tôi thường xuyên được luyện tập các phương án phòng chống cháy rừng. Chỉ tiếc là hôm nay, đám cháy bùng phát ở địa hình hiểm trở, gió thổi mạnh quá nên ngọn lửa kéo dài và lan rộng làm thiệt hại nhiều rừng của dân quá…”.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 cùng các lực lượng khống chế ngọn lửa. Ảnh: Đức Cương
Trong mùa nắng nóng, rừng Nghệ An liên tục “phát hỏa”: Chỉ tính riêng trong tháng 6/2015 đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại là 13,8 ha rừng ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Yên Thành và Nghi Lộc; còn mấy ngày đầu tháng 7/2015 này, rừng Yên Thành, Hưng Nguyên, Tương Dương, Thanh Chương lại tiếp tục cháy… “Giặc lửa” hoành hành cán bộ chiến sỹ thuộc các đơn vị vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh luôn là đội quân tiên phong chặn lửa. Trong vụ cháy rừng thông tại Động Tù Và, thuộc địa bàn hai xóm Tân Long và xóm Ngọc Sơn, xã Công Thành (huyện Yên Thành), Ban chỉ huy quân sự, Trung đội dân quân cơ động và dân quân 6 xã, 63 chiến sỹ bộ đội thuộc Trung đoàn 324 - Quân khu IV là những người tiên phong cứu rừng. Tương tự, tại vụ chữa cháy rừng trên núi Đồng Cháy, xóm Phúc Điền, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, các cán bộ chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện có công đầu.
 
Thiếu tá Trần Hoàng Nhật, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện cho hay: Lửa bất ngờ bốc lên tại khoảnh rừng thông trên đỉnh cao đập Ông Thụ, núi Đồng Cháy, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên vào lúc 11 giờ 30 ngày 2/7. Phát hiện cháy rừng, người dân địa phương đã kịp thời cấp báo cho cơ quan chức năng. Nhận được tin báo, Ban chỉ huy Quân sự huyện đã điều 25 cán bộ chiến sĩ của đơn vị cùng nhiều dân quân tự vệ tham gia chữa cháy. Việc chữa cháy, dập lửa hết sức khó khăn khi đám cháy nằm trên đỉnh núi, thảm thực bì rất dày, cộng thêm gió Tây Nam thổi mạnh, trong khi lực lượng lại mỏng, công cụ chữa cháy thô sơ. Nỗ lực hết mình, không kể hiểm nguy, đến 16 giờ 15, đám cháy cơ bản được khống chế. Khi anh em cán bộ chiến sĩ vừa về đến đơn vị, chưa kip nghỉ ngơi thì lửa lại bùng phát trở lại lúc 17 giờ. Anh em ngay lập tức quay trở lại chặn lửa, đến 19 giờ đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên đề phòng đám cháy bùng phát trở lại, Ban chỉ huy quân sự huyện đã cắt cử cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ địa phương túc trực canh chừng cho đến sáng hôm sau.
 
Cũng trong ngày 2/7, cháy rừng còn xảy ra tại xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, cán bộ chiến sĩ Ban chỉ huy Quân sự huyện cũng là lực lượng nòng cốt để chữa cháy cứu rừng. Trung tá Hồ Viết Tân, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BCH Quân sự huyện Tương Dương cho biết: Vụ cháy xảy ra ở khu vực rừng tái sinh, nằm trên điểm cao 1.500m, được phát hiện lúc 6 giờ sáng. Được tin báo, BCH Quân sự huyện đã huy động 50 cán bộ, chiến sĩ cứu hỏa suốt 1 ngày trời mới dập tắt được, dẫu vậy vẫn thiệt hại mất 2,3 ha rừng. Bây giờ vào mùa nóng – mùa đốt nương làm rẫy, lửa có thể bùng phát bâtất cứ lúc nào, anh em cán bộ chiến sĩ vẫn luôn túc trực 24/24 để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Song đề nghị các cấp ủy, chính quyền cần có biện pháp quản lý, tuyên truyền các giải pháp hạn chế tình trạng đốt nương làm rẫy gây cháy rừng…
 
Giữ cho màu xanh của rừng - lá phổi của quê hương, các anh bộ đội đã, đang và sẽ không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy chiến đấu với lửa dữ. Tinh thần, công lao của các anh được chính quyền và nhân dân luôn ghi nhận. Ông Hồ Sỹ Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn chia sẻ: “Là địa phương có diện tích rừng phòng hộ lớn, chủ yếu là thông, tràm nên vào mùa khô rất dễ xảy ra cháy rừng. Những năm qua, dù bất cứ thời điểm nào, mỗi khi có cháy rừng, cán bộ chiến sĩ các đơn vị quân sự đã luôn có mặt kịp thời chung sức cùng địa phương chữa cháy hiệu quả. Chúng tôi rất cảm kích trước hành động của cán bộ, chiến sĩ quân đội đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí nguy hiểm để giúp dân cứu rừng…”.
 
Đức Cương - Thành Chung