(Baonghean.vn) - Ở Nghệ An, những năm qua, hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ caocó chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và bước đầu góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.


Công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng rộng rãi trong các cấp, ngành, các doanh nghiệp và toàn xã hội góp phần quan trọng trong việc thay đổi và tạo phong cách, phương thức làm việc mới, nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bước đầu tạo điều kiện tiếp cận thông tin toàn cầu. Hiện nay, điện thoại đến 100% các xã vùng sâu, vùng xa (kể cả vùng chưa có điện lưới; có 2.079 trạm gốc phát sóng di động (BTS); cáp quang đến 100% trung tâm huyện, bưu cục III (410/479 xã, phường, thị trấn có cáp quang); tổng thuê bao Internet băng thông rộng toàn tỉnh đạt 72.875 thuê bao; có gần 300 ngàn máy tính trong toàn tỉnh; hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh và mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối 100% các huyện với tỉnh và Trung ương...

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh đào tạo được trên 800 kỹ sư, cử nhân tin học, khoảng 4.000 kỹ thuật viên về CNTT; việc giảng dạy tin học trong các trường phổ thông được đầu tư và phát triển khá (hiện có 100% trường THPT, 21/3/424 trường THCS và 126/542 trường tiểu học đưa tin học vào giảng dạy); hầu hết các trường học đều được trang bị máy tính kết nối Internet phục vụ công tác giảng dạy và học tập.


Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học một số giống cây trồng, vật nuôi mới về lúa, ngô, lạc, sắn, chè, mía, cam, bò sữa, tôm sú... có năng suất cao, chất lượng tốt. Các kỹ thuật canh tác tiên tiến VietGap được ứng dụng vào sản xuất đã góp phần quyết định làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và chất lượng sản phẩm hàng hóa tỉnh nhà. Điển hình là chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Vinamilk tại Nghệ An với tổng đàn 6.000 con, trong đó 3.000 con bò cho sữa; chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp theo công nghệ Israel của Công ty cổ phần Thực phẩm Sữa TH với tổng đàn 45.000 con vào năm 2012, trong đó 20.000 con bò cho sữa, đây là dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên ở tỉnh ta, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng-vật nuôi, thay đổi cơ cấu kinh tế và nhận thức trong lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động...

Trong lĩnh vực môi trường đã ứng dụng CNC để xử lý nước thải công nghiệp thực phẩm bằng công nghệ xử lý yếm + hiếu khí kết hợp, công nghệ sinh học hiếu khí, công nghệ UASB + hiếu khí...; xử lý nước thải y tế bằng công nghệ VN 2000 (Aerotank + lọc sinh học); xử lý chất thải hữu cơ nông thôn bằng công nghệ hầm khí sinh học BIOGAS và chế phẩm sinh học phân huỷ chất hữu cơ.


Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong công nghiệp chế biến thực phẩm, khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, thi công xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp,... giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị phần, tăng doanh thu, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc. Một số doanh nghiệp chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả cao như: Bia, đường, sữa, tinh bột sắn, hộp lon bia, xi măng, gạch Granit, bột đá trắng siêu mịn...


Ứng dụng thành công các kỹ thuật, công nghệ cao trong khám, chữa bệnh phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân như: Nội soi, phẫu thuật Pha cô, phẫu thuật longo, phẫu thuật thay khớp, can thiệp mạch, vi phẫu thuật mạch máu tạo hình...; siêu âm màu 3D, 4D; chụp City Scanner, chụp cộng hưởng từ, chụp X-quang kỹ thuật số, chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), chụp mạch huỳnh quang...


Nhận thức sâu sắc vai trò và tác động to lớn của ứng dụng và phát triển CNC đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua "Chương trình ứng dụng và phát triển CNC ở Nghệ An giai đoạn 2011-2015, có tính đến năm 2020" và sớm ban hành Nghị quyết về lĩnh vực này.


Phan Thanh Đoài