Hình tư liệu minh họa. "Cả đời học sinh chỉ chụp ảnh một lần?"
Nhằm mục đích lưu lại những kỷ niệm đẹp thời học sinh, sinh viên trước khi ra trường, chụp ảnh kỷ yếu đã trở thành hoạt động gắn liền với học sinh, sinh viên cuối khóa. Với khả năng sáng tạo, năng động, nhiều em học sinh, sinh viên đã nghĩ ra những ý tưởng độc đáo, vui vẻ thực hiện trong bộ ảnh kỷ yếu cuối cấp.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có lúc việc chụp ảnh kỷ yếu bị biến tướng , nhiều bộ ảnh có nội dung không phù hợp, thậm chí phản cảm, bạo lực... Dù Nghệ An chưa ghi nhận những bộ ảnh kỷ yếu có nội dung phản cảm, song nhiều bộ ảnh được thực hiện quá cầu kỳ, không thiếu những bộ kỷ yếu được đầu tư cả chục triệu đồng, có lớp chi tới 70 - 80 triệu đồng cho việc chụp ảnh.
Không những thế, việc tìm bối cảnh để có bộ ảnh "lung linh, huyền ảo" nhiều lớp đã phải chịu những hậu quả đáng tiếc, đã từng xảy ra trường hợp học sinh gặp tai nạn đáng tiếc khi đi chụp ảnh kỷ yếu, như vụ việc 2 nam sinh lớp 12 ở Hưng Nguyên bị đuối nước khi đi chụp ảnh vào năm 2017.
Phong *, một nhiếp ảnh có "thâm niên" chụp ảnh kỷ yếu 5, 6 năm cho biết, giá chụp một bộ ảnh kỷ yếu dao động từ 200.000 - 500.000 nghìn đồng/người. Giá tiền này không bao gồm tiền trang điểm, tiền trang phục (dành cho những lớp muốn chụp theo concept với trang phục đặc biệt), tiền quay MV, tiền xe cộ di chuyển…
“Với tâm lý muốn ảnh kỷ yếu không đụng hàng nên nhiều lớp chi mạnh tay. Có em còn nói, "cả đời học sinh chỉ được chụp ảnh có một lần nên không tiếc". Thành ra tổng chi phí dành cho việc chụp ảnh kỷ yếu (tiền chụp, xe cộ, thuê trang phục, trang điểm, ăn uống...) có lớp lên đến 1,2 triệu đồng mỗi em".
Ảnh kỷ yếu mục đích là nhằm lưu giữ kỷ niệm, song trong quá trình chụp, Phong đã chứng kiến không ít vụ xích mích giữa các thành viên trong lớp, các vụ xích mích, cãi nhau chủ yếu do bất đồng quan điểm trong quá trình chụp, quay kỷ yếu.
Theo Phong, khi đi chụp ảnh kỷ yếu, thợ chụp như Phong không có nhiệm vụ hay trách nhiệm quản lý các học sinh mà các em phải tự đảm bảo an toàn. Thông thường điều này có ghi rõ trong hợp đồng. “Một đội chụp chỉ có 2, 3 thợ ảnh, nếu có quay thì thêm 1, 2 người nữa. Trong khi mỗi lớp chụp sĩ số lên đến 40, 50 em, do đó khi đi chụp ảnh kỷ yếu các em phải "tự quản" là chính. Các thợ ảnh sẽ không chịu trách nhiệm nếu có trường hợp tai nạn xảy ra”, Phong kể.
Chụp ảnh kỷ yếu phải thực sự là hoạt động có ý nghĩa
Chụp kỷ yếu quan trọng nhất là giữ được ý nghĩa, giá trị tốt đẹp, trong sáng của học sinh, sinh viên. Ảnh: NVCC Tốt nghiệp THPT cách đây 1 năm, từ những kinh nghiệm của bản thân, chính Nguyễn Đan Phương, cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho rằng: "Không phải đánh đồng tất cả, song em thấy chụp ảnh kỷ yếu bây giờ đa phần theo trào lưu sống ảo, để đăng Facebook chứ không còn mang ý nghĩa lưu giữ kỷ niệm. Bản thân em nghĩ rằng chụp ảnh kỷ yếu quan trọng nhất là giữ được ý nghĩa, giá trị tốt đẹp, trong sáng của học sinh, sinh viên. Chứ không phải chụp xong đăng lên mạng xã hội theo các "hot trend" rồi để mọi thứ rơi vào quên lãng, về họp lớp, thăm thầy cô chỉ nhớ được vài bạn".
Vài năm trước, khi nắm được thông tin một số lớp sĩ số khoảng 40 học sinh, mỗi em chi đến 2 triệu đồng/người để chụp ảnh kỷ yếu, Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Đoàn trường đã ban hành chủ trương, định hướng cho học sinh thực hiện những bộ ảnh tiết kiệm hơn.
Một yếu tố khác luôn được nhà trường nhấn mạnh trong hoạt động chụp ảnh là phải đảm bảo an toàn. Trường đã lưu ý với giáo viên chủ nhiệm các lớp chọn các địa điểm chụp ảnh ngay tại khuôn viên trường, lớp, Quảng trường Hồ Chí Minh… Với một số lớp chọn địa điểm chụp ảnh ở xa như bãi biển Cửa Lò, Khu Resort Bãi Lữ… trường yêu cầu giáo viên, hội phụ huynh đồng hành cùng các em.
Phan Xuân Hoài Linh - Bí thư Đoàn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng
Chụp ảnh kỷ yếu có thể nói là một hoạt động ý nghĩa, giúp học sinh lưu giữ những kỷ niệm năm tháng học trò. Tuy nhiên, những bộ ảnh kỷ yếu cần phải giữ được nét tinh khôi, tinh nghịch “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” của học sinh, sinh viên. Đừng để việc chụp ảnh kỷ yếu trở nên méo mó, xấu xí với những hình ảnh phản cảm.
* Tên được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn yêu cầu: Đối với học sinh cuối khóa nếu có nguyện vọng gặp mặt chia tay, tri ân thầy, cô thì lãnh đạo nhà trường phải xây dựng kế hoạch, tổ chức họp bàn với Hội cha mẹ học sinh về cách thức, hình thức tổ chức và có sự giám sát chặt chẽ.
Ngoài ra, không được tổ chức thu tiền học sinh để chụp ảnh lưu niệm, làm kỷ yếu gây tốn kém, lãng phí. Đồng thời, nghiêm cấm việc học sinh sử dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khi tổ chức liên hoan gặp mặt cuối khóa.
Không tổ chức đi picnic, dã ngoại, liên hoan ở những nơi vắng vẻ, nguy hiểm, không an toàn cho học sinh.