Cảnh giác với những lời đồn thổi

Thời gian qua, hàng trăm hộ dân làng Găng (xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn) bất an, lo lắng trước tin đồn cả làng bị người dân tộc trong vùng bỏ bùa bằng thuốc độc. Nguyên nhân bắt nguồn từ hiện tượng nhiều người bị ngứa, da nổi mụn đỏ, mất ngủ. Họ truyền tai nhau rằng Đông, Tây y không thể nào chữa được bệnh này, mà chỉ chữa được bằng chính thuốc lá của đồng bào dân tộc. Thông tin này lan truyền rất nhanh, nhiều người rủ nhau đi khám các thầy lang ở huyện Quỳ Hợp. Nhiều thầy lang phán rằng họ đã bị bỏ bùa thuốc độc. Tin đồn nối tiếp tin đồn đã gây hoang mang và làm đảo lộn cuộc sống ở làng quê vốn yên bình này.

Sau khi nắm bắt thông tin, cấp ủy và chính quyền các cấp đã tuyên truyền, vận động đến từng người dân và khẳng định đây chỉ là những thông tin đồn thổi nhằm mục đích gây mất đoàn kết các dân tộc trong làng. Thực tế, thời gian qua do nắng mưa thất thường, nhiều khả năng các bụi phấn của mía, sâu bọ, hiệu ứng thời tiết… bay vào làng gây mẩn ngứa.

Tuy chỉ là tin đồn nhảm nhí, hoang đường, song chuyện “bùa thuốc độc” đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là mối quan hệ gắn bó bao đời, tình cảm làng xóm, láng giềng của dân tộc Kinh và Thổ trên địa bàn.

Thiết nghĩ, hơn ai hết, bà con nhân dân cần nhận thức rõ bản chất của vấn đề, không nên nhẹ dạ cả tin vào những lời thiếu căn cứ, không tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng, gây mất đoàn kết trong nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là các phòng, ban chức năng như y tế, các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ,… cần tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu, khi bị bệnh nên tìm đến các trung tâm y tế, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống và bản thân; thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, chăm lo đời sống của bà con nhân dân, ổn định tư tưởng, để bà con yên tâm sinh hoạt và sản xuất. Không tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng, để kích động, chống phá, gây hoang mang dư luận, gây mất đoàn kết. Mỗi người dân luôn có tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống lại kẻ xấu, góp phần  giữ bình yên cho làng quê.


Thái Trường
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghĩa Đàn)



Mất an toàn từ đường ngang dân sinh

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên dài chưa đầy 2 km nhưng có tới 6 đường ngang dân sinh. Điều đáng nói, tại các đường ngang này hoàn toàn không có các trang thiết bị đảm bảo an toàn giao thông... Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến đường ngang dân sinh lại bị che khuất tầm nhìn bởi cây xanh; đặc biệt khi mở đường 8B, tại điểm giao với đường sắt thi công mấp mô, gây ách tắc cho các phương tiện giao thông; đường xuống cấp không có đèn tín hiệu, rào chắn, đường hẹp, đá đường ray gồ ghề, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt và là nỗi ám ảnh, sợ hãi cho người dân mỗi khi đi qua. Gần đây nhất là vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra ngày 23/6/2015 làm bà Ngụy Thị Liên tử vong. Theo thống kê, vài năm trở lại đây, tại tuyến đường ngang dân sinh này đã có 4 người bị tử vong do tai nạn và rất nhiều trâu, bò bị tàu đâm.

\Số vụ tai nạn đường sắt tại đây sẽ không dừng lại ở đó, khi mà ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa cao và các ngành chức năng chưa có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.


Kiều Hoa
(Đài Hưng Nguyên)



Đường làng nghề xuống cấp nghiêm trọng

Gần 2 năm nay, tuyến đường nối từ Quốc lộ 48B vào làng nghề mộc xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu xuống cấp nghiêm trọng. Chỉ cần một trận mưa nhỏ, cả tuyến đường bỗng chốc biến thành sông, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Để khắc phục khó khăn khi đi lại qua đoạn đường này, chính quyền địa phương đắp vá đá, đất vào những ổ voi, nhưng sau trận mưa to lại bị xói lở, cuốn trôi.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần có ý kiến mong được làm lại đường. Xã Quỳnh Hưng có 2 làng nghề mộc là Thuận Giang và Nam Giang, đường vào 2 làng nghề hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, người dân mong muốn các cấp quan tâm, có biện pháp tu sửa, nâng cấp đường để thuận tiện cho việc đi lại của người dân cũng như phát triển làng nghề mộc tại địa phương.
 

Việt Hùng