Đây cũng là thông tin được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo tới Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình.
Thay vào đó, việc thay sách giáo khoa lớp 1 sẽ vào thời hạn chậm nhất mà Quốc hội cho phép là từ năm học 2020 - 2021.
Theo đó, lý do Bộ GD-ĐT đưa ra là thời điểm này, chương trình các môn học trong giáo dục phổ thông mới vẫn chưa ban hành. Trước mắt, vẫn còn hàng loạt công việc tiếp theo phải thực hiện như: thông báo để các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký viết SGK; nghiên cứu chương trình để biên soạn sách; thẩm định, phê duyệt rồi mới phát hành SGK.
Chưa kể, sau khi có SGK cũng cần có thời gian để các nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh tìm hiểu, dạy học thử nghiệm để từ đó lựa chọn bộ sách phù hợp nhất. Nhiều nội dung, công việc như vậy khó có thể triển khai thực hiện trong chưa đầy một năm như dự kiến ban đầu sẽ thực hiện đổi mới chương trình, SGK lớp 1 từ năm 2019-2020.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Theo đó, thời hạn áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ được áp dụng chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 với cấp THCS và từ năm học 2022 - 2023 với cấp THPT.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 9, Bộ GD-ĐT vẫn thể hiện những động thái cho thấy quyết tâm rất cao trong việc sẽ thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới đối với lớp 1 từ năm học tới 2019 - 2020.
Trao đổi với VietNamNet sáng nay 27/9, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay bản thân ông hiện cũng chưa nắm thông tin này.
Tuy nhiên, theo ông Thuyết, về mặt chuyên môn thì chương trình đã được chuẩn bị đầy đủ cho việc triển khai từ năm học 2019-2020. “Về chuyên môn thì kịp thôi nhưng có lẽ cuối năm nay Bộ trưởng phải báo cáo với Quốc hội về việc tiến hành các công việc như thế nào và chắc còn phụ thuộc vào ý kiến của các đại biểu”, GS Thuyết nói.