(Baonghean) - Diện tích đất bãi ven sông Lam trên địa bàn Nghệ An khá lớn, là cứu cánh mùa giáp hạt cho bà con nông dân khắp các xóm làng, miền quê nghèo ven sông. Chỉ có điều, tại một số địa phương trong tỉnh, người dân chưa thực sự mặn mà gắn bó với việc sản xuất dẫn đến bỏ hoang phí đất bãi vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
 
images1023304_3b.jpgNông dân xóm 4, xã Đặng Sơn (Đô Lương) chuyển đổi cây trồng hè thu trên đất bãicho thu nhập cao.
 
Trước đây, chị Lê Thị Huệ ở xóm 4, xã Đặng Sơn (Đô Lương) sản xuất độc canh  trên đất bãi, hiệu quả bấp bênh. Gặp chúng tôi khi đang chăm sóc đậu hè thu sắp mùa thu hoạch, chị phấn khởi:  “Bên cạnh chuyển trồng giống dâu mới để phục vụ  cho nuôi tằm,  vụ hè thu này, nhà tôi còn  trồng xen 3 sào đậu tằm và 1 sào lạc. Đậu tằm vốn dễ trồng, dễ thu hoạch. Hàng năm, sau mùa thu hoạch ngô xuân, lạc xuân, đến tháng 5 âm lịch bắt đầu ra giống trồng đậu. Sau gần 2,5 tháng là có thu hoạch nên né tránh được mưa lụt vào cuối vụ. Với giá đậu 18 - 25 ngàn đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí lãi ròng gần 3 triệu đồng/sào. Hiệu quả từ trồng đậu gấp nhiều lần so với trồng lúa và các cây trồng khác”. Ông Trần Hữu Hòa - Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Lưu Sơn, cho biết: Xã Lưu Sơn triển khai giao khoán đất bãi gắn với việc thực hiện chuyển đổi cây trồng; đưa vào các cây trồng mới như  bí xanh,  đậu côve Trang Nông, An Thiên, giống ngô năng suất cao DK888, 30I87... Bà con tập trung  sản xuất 3 vụ/năm: Vụ xuân, vụ hè thu trồng lạc, đậu tằm, vụ đông  trồng ngô, bí xanh, rau màu làm hàng hóa bán dịp Tết. Mấy năm trở lại đây, bà con triển khai sản xuất trên bãi không năm nào cho đất nghỉ. Năng suất các loại cây trồng tăng nhanh. Nông dân xã Lưu Sơn thu về hàng tỷ đồng/năm từ chuyển đổi cây trồng, mùa vụ trên đất bãi ven sông.
 
Về một số địa phương đồng bằng có đất bãi ven sông lớn như Nam Đàn, Hưng Nguyên, việc phát triển tiềm năng vùng bãi còn được chú trọng gắn với việc quy hoạch vùng chuyên canh cây hàng hóa, phát triển chăn nuôi. Xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên hiện có 65 ha đất bãi ven sông. Ông Hồ Quang Thông - Chủ nhiệm HTX Hưng Lĩnh, cho biết: Để tận dụng thế mạnh vùng bãi soi, tạo độ tơi xốp trong đất cho sản xuất năm sau, xã đã triển khai khoanh 30 ha vùng bãi ở 4 xóm 1A, 1B, 2, 3 để trồng đậu xanh, rau màu hè thu,  hơn 30 ha đất bãi còn lại ở các xóm 1B, xóm 3 được khoanh vùng để chăn thả trâu, bò. Xã đã xây dựng cơ chế bảo vệ cây màu trên bãi, không để trâu, bò phá hoại màu. Nhờ đó, hiệu quả thu nhập từ vùng màu bãi (lâu nay không sản xuất) đạt trên 3 triệu đồng/sào (trong vòng 3 tháng), tăng gần 1,3 lần so với trồng lúa chính vụ (1,7 triệu đồng /sào). 
 
Tại xã Hưng Nhân, bà con cũng đã sử dụng giếng khoan tưới cho vùng rau màu hàng hóa trên đất bãi. Toàn xã xây dựng được 6 mô hình chuyển đổi thu nhập cao theo hình thức xen canh gối vụ. Trong đó, các mô hình lạc xuân, dưa hồng hè thu, ngô đông và rau màu cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm. Đây đang thực sự là các mô hình bền vững mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân vùng ven bãi.        
 
Hàng năm, để phát huy hiệu quả việc khai thác tiềm năng đất bãi, các địa phương đã chủ động xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng nói chung, trên đất bãi nói riêng. Nhiều mô hình cây trồng hàng hóa thu nhập cao trên đất bãi được triển khai kịp thời. Cụ thể như mô hình trồng cà rốt vụ đông xuân tại Hưng Khánh (Hưng Nguyên) thu nhập gần 100 triệu đồng/ha. Mô hình trồng bí xanh - ớt cay vụ xuân tại vùng bãi xóm 8, xã Hưng Long (Hưng Nguyên) được đầu tư  hệ thống điện, giếng khoan, thu nhập 8 triệu đồng/sào, tăng gấp 3 lần so với trồng lạc… Hay như mô hình dưa hấu trên vùng đất bãi Nam Tân, Nam Lộc (Nam Đàn) được bà con  đầu tư máy bơm nước để tưới ẩm cho dưa lúc nắng hạn, cho thu nhập gần 7 triệu đồng/sào. Đặc biệt, mô hình 30 ha cây ớt cay vụ đông xuân trên đất bãi Khánh Sơn, Hồng Long, Nam Lộc (Nam Đàn) có giá trị kinh tế cao nhất trên đất bãi vùng 5 Nam của huyện Nam Đàn. Nhiều địa phương chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đầu tư, thu mua sản phẩm hàng hóa trên đất bãi cho nông dân như cà rốt ở Hưng Khánh, Nam Tân, ớt cay ở Khánh Sơn với cam kết cụ thể về đầu tư, thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá thì tiềm năng vùng bãi nói chung vẫn chưa khai thác hết.
 
Bên cạnh việc phát huy tiềm năng, thế mạnh quỹ đất bãi thì lâu nay, tại nhiều địa phương, vùng đất màu mỡ này còn bị bỏ hoang phí do nhiều nguyên nhân khác nhau. Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 20 ngàn ha đất bãi/190 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu tại các huyện nằm ven sông Lam như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ… Tuy nhiên, qua trao đổi với chuyên viên Phòng Kỹ thuật trồng trọt - Sở Nông nghiệp & PTNT thì hiệu quả việc phát triển cây trồng trên đất bãi còn bấp bênh. Vụ xuân, giai đoạn ngô trổ cờ, lạc ra hoa thường gặp hạn nặng không có nước tưới. Sang đến vụ đông, việc gieo trồng ngô, cây màu dễ ngập lụt nên vấn đề điều chỉnh thời vụ, lựa chọn cây trồng đảm bảo năng suất càng khó hơn. Bên canh đó, sự đầu tư chú trọng phát triển cây trồng, vật nuôi trên đất bãi còn hạn chế. Lâu nay, các vùng phát triển cây trồng có hiệu quả trên đất bãi chủ yếu là những vùng huy động nội lực đầu tư thâm canh tốt,  đầu tư giếng khoan tưới, lưới điện và điều kiện tự nhiên trên bãi thuận lợi hơn các vùng đất bãi khác. Tại Đô Lương hiện mới sản xuất có hiệu quả khoảng trên 230 ha /trên 1000 ha đất bãi sẵn có. Ông Hòa - Phó Chủ nhiệm HTX Lưu Sơn (Đô Lương) cho rằng: Một trong những khó khăn nhất hiện nay đó là cơ bản người dân sản xuất tự phát, chưa được sự quan tâm đúng mức của Nhà nước về các gói kích cầu, tạo mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất. Điều này ảnh hưởng đến năng lực đầu tư của người dân trên vùng đất bãi ven sông. Có nhiều vụ sản xuất, giá thấp, sản phẩm bà con làm ra nhiều nhưng thu nhập tính ra không bù đủ công sức. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế trên đất bãi sông Lam hiện rất thiếu và khó. Mặc dù việc quy hoạch dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng đất bãi đang được quan tâm chú trọng nhưng vấn đề giao thông, thủy lợi, tiêu úng rất nan giải vì trên thực tế vùng đất bãi năm nào cũng có đợt mưa lũ lớn nên việc khai thác và đầu tư không hề dễ. Đây không chỉ là khó khăn của Đô Lương mà gần như là khó khăn chung của các địa phương có vùng đất bãi ven sông. Qua trao đổi với ông Hồ Quang Thông - Chủ nhiệm HTX Hưng Lĩnh cho thấy, để nâng cao hiệu quả vùng đất bãi, công tác tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập trên diện tích đất bãi ven sông là điều quan trọng. Để  làm được điều này, trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch lại vùng sản xuất , tổ chức sản xuất và bảo vệ mùa màng, tiết giảm chi phí.  Bên cạnh đó, công tác thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, hỗ trợ thị trường tiêu thụ nông sản, giống, KHKT, cơ sở hạ tầng sẽ góp phần quan trọng tạo mối liên kết “4 nhà” giúp bà con rũ bỏ được tư tưởng trì trệ, nghi ngại trong sản xuất trên vùng đất bãi.
 
Ngoài ra, kinh nghiệm của các địa phương khai thác tốt nguồn đất bãi ven sông sẽ  là bài  học quý giá để giúp họ “chinh phục” vùng đất bãi ven sông - vùng đất giàu tiềm năng nhưng cũng đầy trắc trở. 
 
Lương Mai