Trong một cuộc họp báo mới đây, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) đã đưa ra một thông tin, dù không mới nhưng lại khá nhạy cảm và gây xáo động thị trường ô tô.
Đó là hiện liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam này vẫn đang rất băn khoăn giữa việc phải nhanh chóng đưa ra quyết định tiếp tục đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam hay quay sang NK nguyên chiếc. Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận: Với thực tế như hiện nay, theo lộ trình đến 2018 thuế NK ô tô nguyên chiếc trong trong khu vực sẽ giảm xuống 0%, khi đó sản xuất trong nước không cạnh tranh nổi và NK xe nguyên chiếc là bài toán có lợi hơn cả.
Vốn dĩ là người khá cẩn trọng trong các phát ngôn, có vẻ như người đứng đầu TMV không hề lỡ lời. Thông tin này được đưa ra không còn mang tính chất cảnh báo nữa, mà như một lời tâm sự rất thật về bối cảnh “dở dang” trong bài toán đầu tư vào công nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam không chỉ của riêng TMV mà còn của nhiều DN ô tô khác nữa.
Xin được nói luôn là các DN đã đầu tư kha khá vào sản xuất lắp ráp ô tô như TMV, Mercedes-Benz, Ford Việt Nam, GM Việt Nam, Trường Hải... thích sản xuất hơn là NK nguyên chiếc.
Trước tiên, đó là quãng thời gian 15-20 năm “theo đuổi” tại Việt Nam, là những khoản tiền lớn đã bỏ ra đầu tư (TMV đã bỏ 154 triệu USD; Ford Việt Nam 125 triệu USD, Mercedes-Benz khoảng 80 triệu USD...).
Thứ hai, quan trọng hơn, lắp ráp một chiếc ô tô sẽ có lợi nhuận cao hơn nhiều so với NK nguyên chiếc. Chưa kể nếu NK nguyên chiếc, mức độ cạnh tranh khi đó sẽ rất cao, thị trường bị xé lẻ, phân nhỏ, những liên doanh như TMV (hiện đang chiếm 31% thị phần), Mercedes-Benz, Ford Việt Nam... sẽ không còn lợi thế chiếm lĩnh phần lớn thị phần như hiện nay. Lượng sản phẩm bán ra và lợi nhuận sẽ không nhiều như hiện nay nữa.
Tuy nhiên với lộ trình giảm thuế NK cao, với thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ èo uột, tỉ lệ nội địa hóa thấp, đương nhiên sản xuất lắp ráp trong nước sẽ không cạnh tranh nổi với sản phẩm NK từ các nước trong khu vực, nhất là từ các “cường quốc” sản xuất ô tô như Thái Lan, Malaysia, Indonesia...
Vậy nên thông điệp được các DN ô tô đưa ra là “chúng tôi đang chờ”- chờ những quyết sách cụ thể của Chính phủ để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước sau bản Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được phê duyệt.
Nhưng chờ gì nữa, chả mấy mà hết nửa đầu năm 2015, và mốc 2018 đã đến gần, thời gian cho các DN “trở tay” dường như chả còn là bao. Nếu chỉ NK nguyên chiếc, sản xuất thu hẹp và ngừng lại, đây quả thực là một kết quả chua chát cho lịch sử nhiều thập kỷ qua của ngành công nghiệp ô tô.
Theo.VnMedia