Chiều 6/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với 20 điểm cầu các huyện, thành phố, thị xã tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Các đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
bna_chutichtinhanhthuhuyen1536251_652020531481_652020.jpgChủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thu Huyền

Thiên tai gâythiệt hại về kinh tế trên 800tỷ đồng

Năm 2019, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng, miền của cả nước. Trong năm, tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng của 19 đợt không khí lạnh, trong đó có 17 đợt gió mùa Đông Bắc; 16 đợt lốc, sét, mưa đá; 11 đợt nắng nóng trong các tháng 4 đến tháng 7, với nền nhiệt độ cao phổ biến từ 38 - 410C, có nơi trên 420C và chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 đợt thiên tai lớn (Bão số 4 - ATNĐ từ ngày 28/8 đến 5/9 và đợt mưa lớn từ ngày 14 đến 16/10).

Thiên tai làm chết 9 người, bị thương 10 người, bị sập 33 nhà, bị hư hỏng, tốc mái 1.583 nhà; phòng học, phòng chức năng bị hư hỏng 56 phòng; thiệt hại hàng ngàn ha lúa, ngô, rau màu, thủy sản; nhiều gia súc, gia cầm bị chết; sạt lở 4.505m bờ sông; hư hỏng 3.835m đê, kè; sạt lở, bồi lắng nhiều hồ, đập thủy lợi nhỏ; hơn 80 km giao thông bị hư hỏng, sạt lở… Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 811,5 tỷ đồng.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Thu Huyền

Ngoài ra, đã xảy ra 51 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển làm hư hỏng 31 phương tiện, 8 phương tiện bị chìm; 20 người bị thương, 12 người chết, 6 người mất tích.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết, mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng, chống thiên tai tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo nghiêm túc. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ, chuẩn bị tốt cả 3 khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Nhờ đó, đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Đại tá Trần Hải Bình - Chỉ huy trưởng BCH Bộ đội biên phòng tỉnh phát biểu cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công tác phòng, chống thiên tai năm nay sẽ khó khăn hơn. Ảnh: Thu Huyền

UBND tỉnh đã trích nguồn dự phòng tỉnh 40,65 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương, đơn vị tu sửa các công trình ách yếu và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN; trích Quỹ PCTT tỉnh 26,78 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tiếp tục phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ nhận định, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nước ta nhanh và mạnh hơn làm cho thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, trái quy luật trên khắp các vùng, miền trong thời gian cả năm. Nắng nóng liên tục bị phá vỡ kỷ lục, năm sau nóng hơn năm trước.

Dự báo nhiệt độ trung bình 6 tháng đầu năm 2020 ở khu vực Bắc Trung Bộ, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ cho rằng, có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ phổ biến từ 0,5 - 1,5oC. Từ tháng 3 đến tháng 6 tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20%; riêng tháng 7/2020, tổng lượng mưa cao hơn từ 15 - 30%.

Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ Nguyễn Xuân Tiến đưa ra những dự báo tình hình thời tiết thời gian tới. Ảnh: Thu Huyền

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, Nghệ An là tỉnh rộng, thường xuyên bị tác động của thiên tai do đó công tác phòng, chống thiên tai phải đặc biệt được quan tâm và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Nhận định tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp khó lường và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngay từ bây giờ các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung triển khai công tác chuẩn bị cho PCTT năm 2020. Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, giao nhiệm vụ PCTT cho các địa phương, đơn vị. 

Đường Lê Nin (thành phố Vinh) ngập sâu đợt mưa lớn ngày 16, 17/10/2019. Ảnh tư liệu

Xây dựng, cập nhật, bổ sung, phê duyệt kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai của từng ngành, lực lượng vũ trang, UBND các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị và công trình. Triển khai nhân rộng các đội xung kích phòng, chống thiên tai từng xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu. 

Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT&TKCN tỉnh. Ảnh: Thu Huyền

Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đề nghị tăng cường công tác tập huấn, diễn tập PCTT&TKCN, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra chuẩn bị ở mọi cấp theo phương châm "4 tại chỗ"; Đẩy mạnh việc thu và sử dụng hiệu quả Quỹ Phòng, chống thiên tai; Ưu tiên sử dụng Quỹ PCTT trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai cho các tầng lớp nhân dân...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu trao Bằng khen cho các cá nhân. Ảnh: Thu Huyền

Về các đề xuất hỗ trợ của các địa phương, đơn vị để tu sửa các công trình ách yếu và mua sắm trang thiết bị phục vụ PCTT&TKCN năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương tiếp tục quan tâm, rà soát, ưu tiên công trình thực sự cấp bách. 

Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT&TKCN năm 2019./.