Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh và Lê Đức Cường - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính Phủ về phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An, huyện Nghĩa Đàn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nông nghiệp phát triển khá toàn diện, đã hình thành một số vùng sản xuất cây nguyên liệu (mía, cây ăn quả, cây nguyên liệu chế biến gỗ,...) tập trung, quy mô lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu; chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến (bò sữa,...) được hình thành và tiếp tục phát triển.
Công nghiệp phát triển khá nhanh. Thương mại, dịch vụ được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 15,85%; giá trị tăng thêm bình quân đầu người 6 tháng đầu năm đạt 29,12 triệu đồng. Tính đến ngày 22/7/2019 thu ngân sách đạt hơn 125 tỷ đồng, đạt 83,54% so với kế hoạch HĐND huyện; đạt 112,29 % dự toán UBND tỉnh giao 111,590 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 5,25%.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 54,2%. UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới để trình thẩm định trong năm 2019 cho xã Nghĩa Thắng, xã Nghĩa Trung.
Sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 -2020, các cấp từ huyện đến cơ sở đã bám sát nghị quyết đại hội, tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu.
Nhiều chỉ tiêu đã và dự kiến đạt như: nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn; công nghiệp, xây dựng; thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn, cơ cấu kinh tế, giá trị tăng thêm đầu người… Tuy nhiên, một số chỉ tiêu dự kiến khó đạt như: xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân…
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh tế, hạ tầng, Nghĩa Đàn cũng gặp một số khó khăn như: hạ tầng Khu công nghiệp nhỏ Nghĩa Long chưa hoàn thiện, Khu công nghiệp Nghĩa Đàn tại xã Nghĩa Hội vẫn chưa được đầu tư nên hiệu quả thu hút đầu tư chưa đạt kỳ vọng. Hạ tầng giao thông, trường học một số nơi còn hạn chế. Đây cũng là những vấn đề mà lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn kiến nghị với tỉnh có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ…
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo HĐND tỉnh và các sở, ngành đã có những đánh giá và ý kiến góp ý định hướng cho sự phát triển của huyện. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị huyện làm việc với các công ty chế biến gỗ để tính toán chiến lược với nông dân trồng rừng để liên kết trồng rừng gỗ lớn.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh cho biết, Công an tỉnh yên tâm về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, để giữ vững huyện cần tập trung xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng địa bàn sạch về ma túy, lực lượng công an tăng cường tuần tra khép kín về địa bàn, trong đó phải triển khai nhanh hơn chủ trương đưa công an chính quy về làm công an xã.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đánh giá hoạt động hệ thống chính trị Nghĩa Đàn hiệu quả, an ninh trật tự bình an, đồng thời cũng đề nghị các ngành liên quan phối hợp với huyện để hoàn thiện hạ tầng giao thông, giáo dục; quan tâm xử lý ô nhiễm môi trường.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý bày tỏ vui mừng Nghĩa Đàn mặc dù là một huyện miền Tây song giữ được tốc độ tăng trưởng cao, từ 15 -16% . Từ định hướng của tỉnh, vào cuộc quyết liệt của huyện, Nghĩa Đàn đã trở thành Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Huyện đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo Quyết định số 2355/QĐ-TTg; văn hóa - xã hội được chăm lo; an ninh trật tự được giữ vững, bình yên; sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị được giữ vững và tiếp tục được duy trì tốt; rất chủ động trong liên kết với các huyện khác trên địa bàn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh, nhân dân Nghệ An, Nghĩa Đàn còn mong muốn kỳ vọng nhiều hơn ở huyện. Nghĩa Đàn phải là trung tâm lan tỏa phát triển bền vững, xanh, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, gắn liền với lợi ích của người dân. Và phải xem đây là vấn đề quan trọng đặt lên hàng đầu.
Muốn vậy, Nghĩa Đàn phải rà soát, nhìn nhận lại vai trò, lợi ích của người dân khi huyện trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao. Trong quá trình này, người dân được hưởng điều gì và chia sẻ điều gì? Có những vấn đề kiến nghị với tỉnh, doanh nghiệp làm sao hoàn thiện nhất mối liên hệ giữa doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, trên địa bàn đã hình thành các nhà máy chế biến về gỗ, hoa quả, đá. Đầu ra cho sản phẩm Nghĩa Đàn đã có nên cần phải đánh giá lại sản phẩm đầu vào, từ đó định hình, định hướng, tổ chức sản xuất cho người dân hiệu quả; đồng thời rà soát lại quỹ đất, xây dựng vùng sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị huyện phải xem dịch vụ - thương mại là một thế mạnh, gắn với tổ chức quy hoạch bài bản, tránh dàn trải manh mún, chủ động kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời tập trung phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Nghĩa Đàn cần tiếp tục giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn; quyết tâm cao thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 -2020 dự báo khó đạt.
Mặt khác, huyện chuẩn bị tốt xây dựng văn kiện cho Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ tới với tầm nhìn xây dựng, phát triển huyện Nghĩa Đàn trong 5 - 10 năm tới, cũng như làm tốt công tác nhân sự, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nêu rõ hướng xử lý các kiến nghị của huyện.