Sáng 22/5, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 
bna_toan_canh_cuoc_hopjpg2833942_2252020.jpgĐồng chủ trì có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự cuộc họp có đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

THU NGÂN SÁCH ĐẠT GẦN 6.000 TỶ ĐỒNG

Tại phiên họp, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh trình bày báo cáo tình hình thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp tháng 4/2020 và các kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại các buổi làm việc chuyên đề trong tháng 4/2020.

Tháng 5/2020, các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, chuyển sang “trạng thái mới” vừa phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đức - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, dự báo kịch bản tăng trưởng năm 2020. Ảnh: Phạm Bằng

Trong tháng 5, Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 6,59% so với tháng 4 năm 2020 và bằng 95,7% so với cùng kỳ tháng 5 năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 321 triệu USD, giảm 9,07% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 230 triệu USD, giảm 6,12% cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp nhìn chung bị ảnh hưởng không nhiều, song tình hình dịch bệnh đã hạn chế giao thương các mặt hàng nông sản. Các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khách sạn đã được rao bán, đơn vị lữ hành thông báo ngừng hoạt động, trả giấy phép kinh doanh. Dự ước trong tháng 5/2020, khách lưu trú ước đạt 100.000 lượt, bằng 16,9% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 80 tỷ đồng.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 5 ước thực hiện 774,6 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 đạt 5.977 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách chưa đạt kế hoạch giao và thu chưa bền vững. Cơ cấu một số khoản thu giảm so với cùng kỳ và dự kiến tình hình thu ngân sách trong những tháng tiếp theo gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Sở Tài chính phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Bằng

Tỷ lệ giải ngân tính đến 30/4/2020 đã đạt 30,5% so với tổng kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân của tỉnh cao hơn so với bình quân chung cả nước (cả nước mới đạt 18,98% kế hoạch Thủ tướng giao), được Bộ Tài chính tổng hợp đánh giá là 1 trong 10 địa phương cả nước có tỷ lệ giải ngân trên 30%.

KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG PHẢI CÓ TÍNH TIẾN CÔNG

Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2020 theo số liệu rà soát các ngành, lĩnh vực đến hết tháng 4 năm 2020, Sở KH&ĐT dự kiến các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 dưới tác động của dịch Covid-19:

- Kịch bản 1: Dịch Covid-19 được kiểm soát vào quý II năm 2020. Dự kiến tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP )năm 2020 tăng 5,5 - 6%; thu ngân sách chỉ đạt khoảng 14.060 tỷ đồng...

- Kịch bản 2: Dịch Covid-19 được kiểm soát vào quý III năm 2020. Dự kiến tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 4 - 4,5%; thu ngân sách chỉ đạt khoảng 12.600 tỷ đồng...

- Kịch bản 3: Dịch Covid-19 được kiểm soát vào quý IV năm 2020. Dự kiến tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tăng dưới 2%; thu ngân sách chỉ đạt khoảng 11.800 tỷ đồng...

Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung tham mưu tốt hơn cho lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Bằng

Tại cuộc họp, đại diện các Sở Tài Chính, Sở Công Thương, Sở Du lịch, Ban Quản lý KKT Đông Nam... đã nêu lên nhiều ý kiến nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, kết quả thực hiện nhiệm vu phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 5 bắt đầu đã có những điểm sáng.

Sản xuất nông nghiệp đều đạt, sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi; hoạt động dịch vụ, du lịch bắt đầu có bước hồi phục; thu ngân sách tăng hơn so với tháng 4; tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt tốt; công tác an sinh xã hội thực hiện nhanh... 

Về nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành phải rà soát lại kịch bản tăng trưởng vì hiện nay các kịch bản khí thế tấn công chưa mạnh mẽ.

Nghệ An có khả năng, có cơ sở đạt ở mức cao hơn, thể hiện quyết tâm của tỉnh. Phải có kịch bản mà tốc độ tăng trưởng là 6,5 - 7%, là kịch bản tiến công. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương làm đầu mối, phối hợp các sở, ngành để tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho 12 dự án quy mô lớn chuẩn bị vào sản xuất để đạt được mục tiêu cao hơn. 

“Phải đẩy nhanh các chính sách tạo môi trường thu hút đầu tư. Nghệ An còn nhiều điều kiện cho thu hút đầu tư nước ngoài. Hạ tầng đã được đầu tư cơ bản. Vì vậy, thứ nhất cần quan tâm thêm chính sách về đất đai để thu hút đầu tư nhiều hơn, tạo ra nguồn thu tốt hơn, tạo ra việc làm, tạo ra thu nhập, hệ sinh thái kinh tế tốt hơn... Thứ hai là vấn đề thủ tục đầu tư, càng đơn giản càng tốt, chúng ta phải cùng đồng hành với doanh nghiệp".

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các ngành rà soát lại kịch bản tăng trưởng vì Nghệ An có khả năng, cơ sở có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7%. Ảnh: Phạm Bằng

Người đứng đầu UBND tỉnh cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, tạo ra chính sách kích cầu du lịch. Sở KH&ĐT làm đầu mối, cập nhật thường xuyên, kịp thời kết quả giải ngân vốn đầu tư công để các ngành, chủ đầu tư biết, nếu có vướng mắc gì thì tháo gỡ ngay.

Từ tháng 6/2020, rà soát những dự án nào không có khả năng giải ngân, giải ngân thấp thì xem xét điều chỉnh, để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với 8 dự án cấp bách mới được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư, cố gắng bố trí vốn kế hoạch trong năm 2020 để thực hiện.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ động tổng hợp, rà soát kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới để có sự chuẩn bị sẵn sàng. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tập trung những dự án thực sự trọng điểm, tạo động lực, quan điểm của tỉnh là không đầu tư dàn trải.

"Các sở, ngành, địa phương đều phải quan tâm đến công tác thực hiện dự án đầu tư công. Cơ quan nào chậm trễ, ngoài việc bị điều chuyển vốn thì sẽ bị xem xét kiểm điểm", Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Chi hỗ trợ cho đối tượng trong diện được thụ hưởng theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ tại huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Thái Hồng

Sở LĐ-TB&XH cũng cần tiếp tục thực hiện triển khai tốt công tác an sinh xã hội như Nghị quyết 42 của Chính phủ; chính sách tạo việc làm cho người lao động của Nghệ An vừa trở về trong đợt dịch để đảm bảo ổn định xã hội.

Các sở, ngành chủ động xem xét, rà soát, thống nhất với nhau về các thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, trong tham mưu cho UBND tỉnh cần thể hiện rõ chính kiến. 

Tại cuộc họp, UBND tỉnh cũng nghe và cho ý kiến về báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về phê duyệt tổng số người làm việc, hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức hội năm 2021; Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND tỉnh ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh; Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập, thay đổi trụ sở Văn phòng công chứng; Đề án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn.