Chiều 22/5, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn để nghe và cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Cùng dự có các đồng chí: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. 

bna_nguyen_xuan_duong4060793_2252018.jpgChủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Trong năm 2017 và gần 5 tháng đầu năm 2018, kinh tế - xã hội của Nghĩa Đàn có nhiều chuyển biến rõ nét. Tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt hơn 15%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 115 tỷ đồng; giá trị gia tăng bình quân đầu người/năm đạt gần 44 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7,63%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ xã hoàn thành cao hơn mặt bằng chung của tỉnh, đã tạo được phong trào khá rộng rãi và đều khắp trong các tầng lớp nhân dân. Đến hết năm 2017, Nghĩa Đàn có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 50% số xã, 5 xã đạt từ 10 -14 tiêu chí, 7 xã đạt 5 -9 tiêu chí. 

 

Đặc biệt, gắn với thế mạnh của địa phương, ngoài một số dự án lớn như chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa; trồng rau, củ, quả sạch, chế biến gỗ MDF… có hiệu quả cao, huyện đã thu hút thêm được một số dự án lớn, như Nhà máy Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên. Các dự án đầu tư vào địa bàn đã tạo được bước chuyển lớn trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Văn hóa - xã hội được huyện quan tầm, đầu tư đúng mức nên đạt được kết quả tốt, tạo sự chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đảm bảo chủ động nắm bắt tình hình và tập trung đấu tranh, xử lý tốt các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị và trật tư an toàn xã hội.

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn Lê Hồng Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
5 tháng đầu năm 2018, Nghĩa Đàn thu ngân sách đạt được 37,8 tỷ đồng (tính đến 10/5/218); giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt 45,97 triệu đồng. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực như sữa, chế biến bột đá siêu mịn, gỗ ván, gỗ thanh… tiếp tục ổn định và tăng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tiến Lâm đánh giá cao những bước đi trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo nhóm sản phẩm là của Nghĩa Đàn gồm: nhóm trồng cỏ, chăn nuôi; gỗ; sản phẩm từ cây ăn quả, mía đường và có thể có nhóm cao su. Các nhóm sản phẩm này đã sản xuất theo chuỗi nên đảm bảo đầu ra.

Bước đi của Nghĩa Đàn không chỉ tác động đến ngành Nông nghiệp của địa phương mà còn cả khu vực Tây Bắc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh có thể đánh giá, đúc rút  cách làm ở Nghĩa Đàn thành bài học trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để nhân rộng; đồng thời ban hành chính sách cho sản xuất nông nghiệp theo chuỗi.

Qua mô hình góp đất của các hộ dân để hình thành Hợp tác xã nông nghiệp cây ăn quả 1/5, lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng đánh giá đây là mô hình hay trong tích tụ ruộng đất để sản xuất. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng nhấn mạnh, Nghĩa Đàn cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Vì trên địa bàn huyện có chuỗi nông nghiệp thể hiện rất rõ nên sắp tới cần nâng cao về chất và quy mô cả về trồng trọt, chăn nuôi; nhân rộng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng người dân liên kết với nhau để có thể tích tụ đất đai, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Đồng tình với định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị huyện khai thác tốt chất lượng nguồn nhân lực nguyên là công nhân các nông lâm trường để xây dựng các mô hình sản xuất; đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp; gắn với đó là phát triển du lịch canh nông. 

Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành cũng trả lời các kiến nghị của huyện liên quan đến lĩnh vực phụ trách; đồng thời gợi mở thêm một số vấn đề cho sự phát triển của Nghĩa Đàn trong các lĩnh vực như: giao thông; xây dựng, thu hút đầu tư…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường ghi nhận sự ổn định, phát triển nhanh, rõ, đa dạng, đúng xu thế của Nghĩa Đàn, đặc biệt là cơ cấu lại ngành Nông nghiệp;..

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Nghĩa Đàn có 4 lợi thế: đất đai tương đối còn rộng lớn, phì nhiêu, tỷ lệ diện tích đất sản xuất bình quân/người còn khá cao; bước đầu đã có nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư khác đầu tư vào Nghĩa Đàn đúng hướng; có điều kiện để thu hút đầu tư; định hướng xây dựng Nghĩa Đàn thành cực tăng trưởng mạnh, trong đó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp nhiều nhất ở miền Tây Nghệ An.

Thời gian tới, huyện cần rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2018 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ để cùng với tỉnh thực hiện thành công các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, huyện tiếp tục cơ cấu lại trong ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới mang bản sắc của Nghĩa Đàn; xác định việc xây dựng nông thôn mới phải bền bỉ, kiên trì.

Khu vực Trung tâm hành chính huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh đó, huyện cần lưu ý phát triển các nhóm cây, con chủ lực; có cơ chế chính sách để phát triển theo hướng đưa khoa học kỹ thuật, các tiêu chuẩn như VietGAP… vào sản xuất; quan tâm quy hoạch; quản lý đất đai tốt, nhất là sắp xếp lại các nông lâm trường; rà soát tiến độ các dự án trên địa bàn để giúp các nhà đầu tư triển khai tốt, đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường cũng yêu cầu, Nghĩa Đàn tiếp tục đầu tư phát triển các dịch vụ, thương mại; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội; tăng cường, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn; làm tốt công tác xây dựng Đảng… 

Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời rõ hướng giải quyết đối với các kiến nghị của huyện.