Nghĩa Thịnh là một trong những địa phương thường xuyên phải chịu cảnh thiếu nước sản xuất do địa hình ruộng cao, cộng với đập 8/3 trên địa bàn nhiều năm nay đã xuống cấp.
Vụ xuân 2018, từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh và huyện, Nghĩa Thịnh đã tập trung nạo vét lòng đập, nâng cấp thân đập, xây dựng hệ thống kênh dẫn nên không còn tình trạng rò rỉ, thất thoát nước. Ông Lê Văn Thái, ở xóm 1, xã Nghĩa Thịnh cho biết: Sau khi kiến nghị đề xuất tại các kỳ họp HĐND của huyện, xã, nay được hỗ trợ kinh phí bà con đã đắp bờ đập quai để giữ nước, cung cấp nước tưới cho toàn bộ cánh đồng mẫu, chúng tôi rất phấn khởi”.
Ông Vi Văn Tiệp - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Liên cho biết, năm 2017, xã được thụ hưởng 2 công trình thủy lợi, là công trình tưới tiêu của đập Tháp và nâng cấp hồ đập Lèn Chuối, đảm bảo cung cấp nước cho bà con gieo cấy trong vụ xuân năm nay.
Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 172 hồ đập lớn nhỏ, hầu hết những công trình hồ đập đều đã xây dựng lâu năm bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Qua rà soát, toàn huyện hiện có 16 công trình thủy lợi đang được khắc phục, sửa chữa với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng, đã góp phần tích cực trong việc chống thất thoát nước tưới cũng như tiêu thoát lũ.
Để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2018, huyện Nghĩa Đàn đã tổ chức kiểm tra các hồ đập thủy lợi trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị liên quan, các địa phương thực hiện các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các hồ chứa Cùng với đó, tiến hành tu sửa, nạo vét kênh mương, hồ đập; có giải pháp tưới và điều chỉnh việc cấp nước phù hợp, bảo đảm hiệu quả sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân sử dụng nước tiết kiệm.
Theo ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, hiện nay nhu cầu sử dụng nước sản xuất vụ xuân rất lớn, để đảm bảo đủ nước cho sản xuất, huyện chỉ đạo các địa phương hệ thống kênh mương phải được sửa chữa nạo vét; sử dụng nước khi cần thiết đối với cây trồng, không sử dụng nước tràn lan; đối với các vùng thường xuyên thiếu nước hoặc trồng lúa năng suất thấp nên chuyển đổi sang cây trồng cạn, có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cùng với việc chủ động nguồn nước cho sản xuất vụ xuân, ngành nông nghiệp huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương mở rộng tối đa diện tích gieo trồng vụ xuân, hạn chế tình trạng để đất trống. Tăng cường sử dụng giống có chất lượng tốt, giống chịu sâu bệnh gắn liền với đầu tư thâm canh. Chú trọng phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liền với công tác sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa...
Đây là những giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thành, đạt mục tiêu tổng sản lượng lương thực vụ xuân là gieo trồng 5.000 ha cây lương thực; trong đó lúa 3.500 ha, sản lượng 23.550 tấn, ngô 1.500 ha, sản lượng 19.700 tấn.