Để trở thành “thiên đường đầu tư”, Việt Nam cần có một lộ trình cụ thể về thu hút đầu tư, cải cách thuế sâu rộng và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đây là những khuyến nghị được ông Robert Moritz - Chủ tịch Toàn cầu của PricewaterhouseCoopers (PwC), đưa ra bên lề Hội nghị CEO Summit tại Đà Nẵng.
Ông Robert Moritz đã nêu bật những kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam; cơ hội của các nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài.
Ông Robert Moritz cũng đề cập đến xu hướng không thể cưỡng lại của toàn cầu hóa đối với các doanh nghiệp và cách thức giúp toàn cầu hóa đem lại lợi ích không chỉ với riêng các doanh nghiệp mà cả người dân tại các nước trên thế giới.
PV: Theo đánh giá của ông, Hội nghị CEO Summit đang diễn ra tại Việt Nam sẽ có những tác động gì tới kinh tế thế giới?
Ông Robert Moritz: Hội nghị CEO Summit lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ giữa các nền kinh tế thành viên trong khu vực và tạo cơ hội cho các bên có thể ngồi lại đối thoại với nhau. Sự có mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị CEO Summit lần này là một tín hiệu tốt đối với APEC bởi năm 2016, Tổng thống Mỹ [Barack Obama-ND] đã không thể tham dự.
Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có nhiều sáng kiến tốt được đưa ra tại Hội nghị lần này dù để có điều đó đòi hỏi các bên cần biến nhiều lời nói thành hành động hơn nữa. Các cuộc đối thoại lần này sẽ tập trung vào việc thảo luận về tương lai lao động và tầm quan trọng của phụ nữ trong khu vực. Chúng tôi cũng sẽ bàn thảo về việc làm thế nào để thúc đẩy thương mại và phát triển công nghệ để đem lại lợi ích cho các nền kinh tế trong khu vực.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong APEC?
Ông Robert Moritz: Việt Nam là một quốc gia đang duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt và đó là một điều rất quan trọng. Trong vài năm qua, kinh tế Việt Nam luôn giữ được sự ổn định và tạo ra rất nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Chính vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài đều muốn đầu tư lớn vào Việt Nam.
Theo khảo sát do PwC thực hiện, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia và nền kinh tế hàng đầu mà các CEO APEC muốn đầu tư, điều này được đánh giá là có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh quy mô dân số Việt Nam đang có sự thay đổi lớn.
PV: Theo đánh giá của ông, các doanh nghiệp nước ngoài kỳ vọng như thế nào khiđầu tư vào Việt Nam?
Ông Robert Moritz: Giống như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, để có thể trở thành “thiên đường” cho các nhà đầu tư, Việt Nam cần phải thiết lập được một lộ trình thu hút đầu tư hấp dẫn và mạnh mẽ. Trong vài năm qua, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể và các nhà đầu tư nước ngoài đều kỳ vọng rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn.
Ngoài ra, Việt Nam cần tạo dựng được sự ổn định lâu dài về các quy định đầu tư, kinh doanh cũng như tiến hành cải cách thuế sâu rộng. Điều này sẽ tạo dựng niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam bởi họ biết rõ họ sẽ được hưởng lợi như thế nào.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà Việt Nam cần làm là đảm bảo có được một nguồn nhân lực có chất lượng. Đây cũng là điều mà PwC và nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm.
Việt Nam cần đào tạo được nhân lực đủ khả năng làm việc trong những ngành công nghệ cao. Đào tạo lao động kỹ thuật cao không chỉ phục vụ cho nhu cầu hiện tại mà còn cho cả tương lai để có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
PV: Vậy theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hôi như thế nào khi đầu tư ra nước ngoài?
Ông Robert Moritz: Tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư ra nước ngoài và đây là một xu hướng rất đáng quan tâm bởi cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chú trọng vào thị trường trong nước.
Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng vào việc xuất khẩu và thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dù vậy, Việt Nam cũng cần đảm bảo hàng hóa từ các nước có thể dễ dàng nhập khẩu vào Việt Nam nhằm giúp tăng cường chất lượng sống của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động của toàn cầu hóa đến kinh tế và thương mại của mỗi quốc gia?
Ông Robert Moritz: Đã có những tiếng nói bày tỏ lo ngại về xu hướng toàn cầu hóa trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rõ và hiểu đúng về bản chất của toàn cầu hóa.
Toàn cầu hóa thực chất là sự kết nối của một quốc gia đến những cơ hội nằm ngoài quốc gia đó nhằm đem lại thành công thực sự cho chính bản thân họ. Những cơ hội này bao gồm việc tiếp cận với khách hàng toàn cầu, với chuỗi cung ứng quốc tế, với nền tảng cơ sở hạ tầng và công nghệ chung.
Xu hướng kết nối này đang tiếp diễn và mở rộng bất chấp sự lo ngại của nhiêu người, trong đó chủ yếu là các chính trị gia. Họ cho rằng, cùng với việc toàn cầu hóa, một số quốc gia sẽ phải chấp nhận thua thiệt cả trong việc tạo công ăn việc làm và đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Chính vì thế, tôi cho rằng, chúng ta cần tách rời những đối thoại về chính trị liên quan đến toàn cầu hóa đến thực tế đang diễn ra đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Đối với các doanh nghiệp, để thành công, họ buộc phải kết nối với nhau và đó chính là toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa chỉ có thể thành công khi các doanh nghiệp chấp nhận chia sẻ những lợi ích mà họ nhận được một cách bình đẳng với mọi người dân thông qua việc tạo công ăn việc làm, mở rộng tầng lớp có thu nhập trung bình và tăng cường chất lượng cuộc sống.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo VOV