(Baonghean.vn) - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vừa tỏ ra hoài nghi trước khả năng tái đàm phán về vai trò của Anh trong khối nước tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong tuần này, khai mạc ngày 18/2. Vẫn còn tồn tại những bất đồng lớn về các yêu cầu cải cách của Anh.
Ông Donald Tusk đêm 17/2 cho biết có thể “không bảo đảm” về việc đạt thỏa thuận giữ Anh ở lại trong Liên minh châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày tại Brussels.
Ông Tusk đưa ra lưu ý thận trọng sau các đàm phán riêng với Thủ tướng Anh David Cameron, những cuộc trao đổi này sẽ tiếp tục vào hôm nay (18/2).
Chỉ ít giờ đồng hồ trước khi khai mạc hội nghị tại Brussels, ông Tusk nói: “Sau nhiều tham vấn trong vài giờ qua, tôi phải nói thật là - vẫn không có sự bảo đảm nào rằng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận”.
Ông cũng viết trong thư mời chính thử gửi tới 28 nhà lãnh đạo EU: “Chúng ta bất đồng về vài vấn đề chính trị và tôi hoàn toàn nhận thức được rằng sẽ rất khó để vượt qua chúng. Vì thế tôi hối thúc các bên duy trì tính xây dựng”.
Tuyên bố từ nhà lãnh đạo nước Anh tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng “họ thống nhất rằng đã đạt tiến triển tốt trong cả 4 khía cạnh tái đàm phán, và các văn bản dự thảo là cơ sở để đạt thỏa thuận tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu, tùy vào giải pháp thỏa đáng đối với từng vấn đề riêng rẽ”.
Ông Cameron đang tìm cách định hình lại vị thế của Anh trong EU trước cuộc trưng cầu “đi hay ở” dự kiến diễn ra cuối năm tới.
4 yêu cầu chủ yếu của ông bao gồm hạn chế về phúc lợi, biện pháp bảo đảm cho phép Anh duy trì đồng tiền riêng, quyền lựa chọn trước những kế hoạch hội nhập nội khối sâu rộng hơn trong tương lai và tăng tính cạnh tranh giữa các nền kinh tế.
Ủng hộ từ bà Merkel
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ thái độ ngầm ủng hộ đối với ông Cameron trước thềm hội nghị: “Cũng như ông Cameron, tôi tin rằng EU cần cải thiện tính cạnh tranh, minh bạch và giảm thiểu tính quan liêu. Nhiều năm qua Đức có chung những quan ngại này”.
Trong trường hợp khó xảy ra là đạt thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh, ông Cameron vẫn đối mặt với trận chiến khó khăn ở quê nhà nước Anh, đó là phải thuyết phục phe hoài nghi rằng việc ở lại EU là điều tốt cho Anh trong bối cảnh quan ngại đang gia tăng về vấn đề nhập cư và dòng người từ các nước khác trong khối tới gia nhập lực lượng lao động của Anh.
Thu Giang
(Theo AFP, AP)