(Baonghean) - Nga, Arab Saudi, Qatar và Venezuela đã đạt thỏa thuận giữ nguyên sản lượng dầu mỏ như trong tháng 1 vừa qua. Thỏa thuận “lịch sử” này của các “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp dầu mỏ nhóm lên hy vọng ngăn chặn giá dầu lao dốc sâu hơn nữa trong năm 2016 – từng được dự báo có thể xuống tới 20USD/thùng.
Cái bắt tay Nga – Arab Saudi
Cuộc họp khẩn của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ thế giới (OPEC) có sự góp mặt của những nước nằm ngoài tổ chức như Nga nhằm thảo luận biện pháp cứu vãn giá dầu vốn đã giảm hơn 70% kể từ năm 2014. Sau cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi Ali Al-Naimi tuyên bố đồng tình với việc giữ mức sản xuất như hồi tháng 1, dù cả 2 vẫn muốn đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Bước đi tiếp theo sẽ là các bên thiết lập một ủy ban giám sát việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ của các nước, đồng thời làm việc với một số quốc gia khác như Iran và Iraq để đạt được đồng thuận cắt giảm sản lượng. Cả hai công việc đều hết sức quan trọng, bởi thỏa thuận chỉ có ý nghĩa nếu các bên tham gia nghiêm túc tuân thủ yêu cầu về giữ nguyên sản lượng.
Thỏa thuận đạt được tại Qatar được xem là thắng lợi ngoại giao quan trọng của Venezuela – nước đã tiến hành nhiều chuyến công du tới một loạt quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn trong tháng 2 vừa qua. Thế nhưng, nhân tố quyết định nhất lại là Nga và Arab Saudi, bởi trước đó, việc đẩy sản lượng để chạy đua giành thị phần vẫn diễn ra chủ yếu giữa 2 quốc gia này.
Lý giải về động cơ đằng sau cái bắt tay này, giới phân tích cho rằng sức chịu đựng của Nga và Arab Saudi đã đến giới hạn sau nhiều tháng cạnh tranh gay gắt. Saudi Arabia đã có bước đi hiếm thấy là bán dầu thô cho khu vực Đông Âu - thị trường sân sau của Nga. Về phần mình, Nga vượt Saudi Arabia về xuất khẩu dầu sang Trung Quốc. Sau những thắng lợi mang lại đôi chút hân hoan này, cả hai đã bắt đầu “ngấm phản đòn”: kinh tế Nga suy giảm 3,7% trong năm 2015 và được dự báo sẽ tiếp tục đà này trong năm 2016. Tương tự, thâm hụt ngân sách của Arab Saudi lên tới 15% GDP trong năm 2015 khiến nước này đối mặt với khả năng cạn các tài sản tài chính cần thiết để hậu thuẫn cho chi tiêu trong vòng 5 năm tới nếu duy trì giá dầu và chính sách chi tiêu của Chính phủ như hiện tại.
Đỉnh điểm là việc giá dầu thô “lao dốc” hơn 70% trong 18 tháng qua, xuống còn 30 USD/thùng trước thời điểm cuộc họp diễn ra. Năm 2015, giá dầu là 50 USD/thùng và là 100 USD/thùng hồi giữa năm 2014.
“Đóng băng” là chưa đủ
Khoảng một tuần trước cuộc họp, thị trường dầu thế giới đã phản ứng rất tích cực khi có những đợt tăng giá ngoạn mục, đỉnh điểm là lần tăng tới 12% vào hôm 12/2 – mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2009. Đà tăng của giá dầu thế giới vẫn được duy trì trong thời gian đầu của phiên giao dịch hôm 16/2 – ngày mà thông tin về thỏa thuận “đóng băng” sản lượng dầu được loan báo với mức giao dịch quanh ngưỡng 34 USD/thùng.
Tuy nhiên, từ cuối phiên của ngày 16/2, kéo dài đến ngày 17/2, giá dầu đã quay đầu giảm. Giới phân tích cho rằng, đó là phản ứng thể hiện rõ sự thất vọng của thị trường thế giới khi những thỏa thuận không đạt mức như dự đoán trước đó. Người ta chờ đợi cuộc gặp tại Doha sẽ dẫn tới cam kết cắt giảm chứ không phải duy trì mức trần sản lượng – cũng là mức vượt xa nhu cầu của thị trường.
Giới đầu tư còn hoài nghi về ý nghĩa của bản thỏa thuận khi không có sự tham gia của Iran và Iraq, và cũng không có nhiều dấu hiệu cho thấy 2 nước này sẽ nhập cuộc. Là nước sản xuất dầu lớn thứ 5 trong OPEC, Iran từng loại trừ khả năng cắt giảm sản lượng khi OPEC họp vào tháng 12/2015, đồng thời không che giấu mục tiêu giành lại khách hàng bị mất trong nhiều năm bị trừng phạt, bắt kịp 2 nhà vô địch (Nga hiện đang đứng số 1 với sản lượng gần 11 triệu thùng/ngày, còn Arab Saudi là hơn 9,9 triệu thùng/ngày).
Một nguồn tin thân cận của Iran tiết lộ rằng nước này chỉ xem xét khả năng “đóng băng” sản lượng sau khi … đạt mốc trước cấm vận. Trong khi đó, Iraq vẫn tiếp tục tăng sản lượng dầu thô lên mức kỷ lục 4,35 triệu thùng/ngày.
Những người theo trường phái thận trọng cho rằng thỏa thuận tại Doha, Qatar khó có thể “cứu” giá dầu trong năm 2016. Trong khi đó, một số nhà phân tích lại có nhận định lạc quan khi cho rằng duy trì sản lượng sẽ là nền tảng cho giá dầu nhỉnh lên trong nửa sau của năm nay.
Thúy Ngọc