Đấu tranh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc phải ở mọi lúc, mọi nơi và hơn hết phải thường trực trong tâm thức của mỗi người.
Mới đây, Đại úy Vũ Văn Hiệp tình cờ phát hiện trên tấm bản đồ thế giới được treo tại một phòng thảo luận của trường Đại học Chỉ huy – tham mưu New Zealand mà anh đang theo học, có một lỗi sai đặc biệt nghiêm trọng về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cụ thể, dưới quần đảo Hoàng Sa ghi chữ “China”, chỉ quốc gia chủ quyền của quần đảo là Trung Quốc. Anh đã lập tức gửi thư điện tử tới ông hiệu trưởng và người phụ trách cơ sở vật chất của trường.
Trong thư, Đại úy Vũ Văn Hiệp đưa ra các bằng chứng khẳng định rõ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo này, đồng thời nhấn mạnh sai sót đó sẽ khiến người xem nhầm hiểu chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo thuộc về Trung Quốc. Viết thư lần một chưa thấy hồi âm, anh viết tiếp bức thư thứ 2 cùng với một số bằng chứng chứng minh rằng Hội Địa lý quốc gia Mỹ - nơi xuất bản tấm bản đồ cũng đã thừa nhận sai sót, đã sửa chữa. Tiếp thu ý kiến của anh Hiệp, lãnh đạo Trường Đại học Chỉ huy – tham mưu New Zealand đã cho gỡ tấm bản đồ này xuống.
Triển lãm bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử” tại Hà Nội
Có thể nói, hành động của Đại úy Vũ Văn Hiệp là hết sức kịp thời và nhạy bén, góp thêm tiếng nói với bạn bè quốc tế để khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Hành động này cho thấy ý thức quân nhân, tình yêu Tổ quốc, nhận thức về chủ quyền biển đảo luôn thường trực trong người lính biên phòng này. Theo anh, bất cứ ai là người Việt Nam thì cũng có hành động như vậy. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiến thức và nhạy cảm chính trị để phát hiện ra những sai sót đó.
Ấy thế mới có những sự việc vì vô ý, thiếu trách nhiệm, chính chúng ta lại phổ biến những tài liệu, đồ dùng một cách sai lệch về chủ quyền, như chuyện những chiếc đèn lồng in chữ Tam Sa bằng tiếng Trung Quốc được treo ở nhiều vùng quê, rồi những trang sách cho thiếu nhi in cờ Trung Quốc…
Vì thế, đấu tranh để giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc phải ở mọi lúc, mọi nơi, và hơn hết phải thường trực trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.
Thật đáng quý biết bao những tấm lòng, những hành động thiết thực, có trách nhiệm với chủ quyền quốc gia, hướng về biển đảo quê hương. Có những học giả, những nhà khoa học dành cả đời nghiên cứu, sưu tập chứng cứ, tài liệu pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa. Có những sinh viên hết vào Nam lại ra Bắc gặp các nhân chứng, sưu tầm chứng cứ khoa học khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Và còn rất nhiều hành động hết lòng vì biển đảo như thế! Những bức tâm thư xúc động của rất nhiều giáo viên trẻ tình nguyện xin ra Trường Sa dạy học; những ngư dân can trường bám biển, giữ cho được lá cờ Tổ quốc không bị cháy khi bị tàu Trung Quốc bắn cháy ca bin trong khi đang đánh cá trên vùng biển của nước ta. Những tấm lòng “góp đá xây Trường Sa”, những ca khúc, bài thơ viết về biển đảo quê hương… đều có ý nghĩa hết sức to lớn đối với biển đảo, với Hoàng Sa, Trường Sa.
Việc làm của Đại úy Vũ Văn Hiệp thật đáng trân trọng! Chỉ bằng những hành động nhỏ, mỗi người dân Việt Nam đều có thể góp thêm tiếng nói, làm thêm một bằng chứng để góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.