image0013826985_2822019.jpg
 Khẳng định việc không can thiệp những sinh hoạt tín ngưỡng mang tính chất cầu an của nhân dân trong dịp đầu Xuân mới, TS. Vũ Chiến Thắng (Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ - ảnh) cho rằng, trước thực tế xuất hiện nhiều hiện tượng phản cảm, lệch chuẩn, cần phải có những định hướng để hoạt động tín ngưỡng của người dân quay trở về ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. 

P.V: Ban Tôn giáo Chính phủ nhận định như thế nào trước thực trạng tràn lan các hoạt động dâng sao giải hạn với nhiều biểu hiện biến tướng, có yếu tố trục lợi đã và đang diễn ra tại các cơ sở thờ tự, thưa ông? 

TS. Vũ Chiến Thắng: Báo chí và dư luận thời gian qua đã phản ánh nhiều hiện tượng dâng sao giải hạn với những biểu hiện thái quá, lệch chuẩn. Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng trước hiện tượng này nên nhìn nhận bình tĩnh, phân tích khách quan và nhiều chiều. Trước hết, phải thấy rằng đây không phải là hiện tượng mới. Dâng sao giải hạn trong dịp đầu năm đã quen thuộc với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, các chức sắc Phật giáo cũng đã giải thích rõ, trong Phật giáo không có dâng sao giải hạn. Đức Phật với đức từ bi bác ái của mình luôn hướng quần chúng tới những điều tốt đẹp, tích đức hành thiện thì cuộc đời sẽ được bình an. Đức Phật không ban cho ai điều tốt, hay xấu để có thể giải trừ. 
Dâng sao giải hạn thực chất là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập vào Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Quan niệm mỗi người ứng với một ngôi sao trong thiên hà vũ trụ, khi trời đất chuyển dời, mỗi năm mỗi người ứng với một sao, tốt thì an lành và xấu thì rủi ro, cần giải tỏa. Việc đầu năm người dân đến các đền, đình, chùa để cầu cúng, tìm sự bình an và may mắn, bản thân được giải tỏa bằng sự “đền bù hư ảo” của tôn giáo tín ngưỡng, đó là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, gần đây những hoạt động tổ chức dâng sao giải hạn đã có những biến tướng, thái quá. Nhiều cơ sở tín ngưỡng thờ tự nắm bắt nhu cầu của người dân đã tổ chức sinh hoạt này với quy mô lớn, thành nề nếp. Nhiều đàn dâng sao thu hút cả ngàn người, kinh phí lớn đã được tổ chức. Thậm chí, nhiều ngôi chùa còn trở nên quá tải trong mỗi đàn dâng sao. Hoạt động này dần dần đã trở nên không kiểm soát, “vượt rào” khỏi những quy định của Nhà nước, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trở thành phản cảm, trái giáo lý nhà Phật. 

Trước thực tế đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có những động thái gì để chấn chỉnh, thưa ông? 

TS. Vũ Chiến Thắng:Ban Tôn giáo Chính phủ qua nắm bắt thực tế đã nhận thấy rất rõ thực trạng này. Chúng ta không can thiệp, không ngăn cấm nhưng rõ ràng cần định hướng đúng đắn để hoạt động này quay về ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, chủ động và quyết liệt để không tiếp tục xảy ra sự phản cảm, lệch chuẩn, không kiểm soát đối với một hoạt động tín ngưỡng của nhân dân. 

Quan điểm của Ban Tôn giáo Chính phủ rất rõ ràng. Chúng ta đã có Luật Tín ngưỡng tôn giáo, có Nghị định 162 của Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này. Ngoài ra còn có nhiều quy định pháp luật khác về văn hóa, tín ngưỡng, trật tự công cộng... Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo đã cùng các Ban, Bộ, ngành liên quan có nhiều hình thức thông tin, trao đổi, phối hợp cùng chính quyền các cấp để vận động, tuyên truyền tới nhân dân, tín đồ phật tử, hướng dẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp để chỉ đạo trụ trì các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong công tác tổ chức lễ hội, hạn chế các hiện tượng mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, không đúng với giáo lý và truyền thống Phật giáo. 

Người dân tràn ra đường trong một buổi dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội). Ảnh minh họa
Hiện nay cũng đã tới cuối “mùa” dâng sao giải hạn. Vậy từ nay đến sang năm, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt như thế nào để chấn chỉnh thực trạng này, thưa ông? 

Với những động thái như vừa qua, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ VHTTDL và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều đã thể hiện rõ quan điểm và có những động thái giúp các nhà chùa cũng như quần chúng nâng cao nhận thức về vấn đề này. Tới đây, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tiếp tục chủ động, quyết liệt phối hợp với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh nghiêm túc vấn đề này. Về quản lý nhà nước, phải tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật, từ cấp ủy, chính quyền địa phương, nơi có các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự đều phải có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh ngay từ sau Tết Nguyên đán các hiện tượng lệch chuẩn, từ đốt vàng mã, thực hành nghi lễ ngoài cơ sở thờ tự đến dâng sao giải hạn mang tính chất lệch chuẩn, mê tín dị đoan... 

Chúng tôi cũng sẽ phối hợp cùng Bộ VHTTDL trong triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Luật gồm hai mảng quản lý tín ngưỡng và tôn giáo, hai bên sẽ phối hợp chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng quy chế phân cấp rõ ràng, không để xảy ra tình trạng mất kiểm soát hay tự phát. 

Bên cạnh đó, Ban sẽ tiếp tục đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam chấn chỉnh lại nội quy Tăng sự , quy chế hoạt động và đặc biệt trong việc giáo dục, quản lý tăng ni cần hoạt động theo đúng chương trình Phật sự của Trung ương và các địa phương. Các chùa cần phục vụ tốt nhu cầu của tín ngưỡng của nhân dân nhưng phải có kiểm soát, tuân thủ pháp luật và giáo lý của Phật giáo. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đối với quần chúng phật tử và nhân dân. Dẫn đến thực trạng hiện nay, một phần do nhà chùa thực hành sinh hoạt tín ngưỡng bị sai lệch, phần khác do quần chúng phật tử thiếu nhận thức, bùng nổ những nhu cầu thực hành tín ngưỡng một cách không đúng đắn. Tôi tin rằng hoạt động này sẽ được chấn chỉnh nếu cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, Giáo hội và các cơ quan chức năng liên quan có sự quyết liệt, chủ động, bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ. 

Theo ông, sẽ có những khó khăn gì trong việc chấn chỉnh khi đây là hoạt động liên quan đến yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của người dân? 

TS. Vũ Chiến Thắng: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành yêu cầu chấn chỉnh thực trạng này. Đó là định hướng cao nhất của Giáo hội. 

Ngoài giải pháp tuyên truyền thì với những cơ sở thờ tự, chúng ta cũng có đầy đủ các giải pháp chấn chỉnh. Luật Tín ngưỡng tôn giáo có điều cấm những việc không được làm như thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, lệch chuẩn xã hội... Bên cạnh đó, đối với việc tổ chức các lễ nghi tôn giáo bên ngoài cơ sở thờ tự, nhất là trên các trục giao thông công cộng, cản trở việc đi lại của người dân cũng là những hoạt động vi phạm Luật Giao thông... Tất cả những vấn đề này đều cần được chấn chỉnh. Từ nay đến sang năm, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã lên kế hoạch để chủ động, quyết liệt chấn chỉnh thực trạng nói trên. Trong các buổi làm việc đầu năm và cuối năm với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi sẽ yêu cầu chấn chỉnh, không lặp lại các hiện tượng phản cảm, lệch chuẩn trong hoạt động dâng sao giải hạn tại các chùa như trong thời gian qua. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!