(Baonghean.vn) - Chủ đề chính thức của cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46: “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc; vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?”.
 
“Imagine you are an advisor to the new UN Secretary-General; which world issue would you help him tackle first and how would you advise him to solve it?
 
A.Đơn vị tổ chức:
 
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong.
 
B.Mục địch - Ý nghĩa:
 
Hàng năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em, nhằm:
 
-Góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi.
 
-Tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ.
 
-Giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.
 
C.Thể lệ:
 
1.Đối tượng:Tất cả học sinh Việt Nam dưới 15 tuổi (tính đến 31/12/2016) đều được dự thi.
 
2.Quy định về bài thi:
 
-Bài thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 1.000 từ.
 
-Các bài dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban Giám khảo chấm bản tiếng Việt.
 
-Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (bài đánh vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ).
 
-Ở góc trên cùng bên trái, ghi đầy đủ: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình. Bài ghi không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.
 
* Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chi người gửi/địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (112815) và gửi từng thư (thư thường) qua đường Bưu điện. Phong bì thư cần ghi rõ: Dự thi viết thư UPU 46-2017.
 
3.Nơi nhãn bài thi:Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 112815
 
4.Thời gian:Từ ngày 14/11/2016 đến 20/2/2017 (theo dấu Bưu điện).
 
5.Một số yêu cầu:
 
- Không thành lập Ban Tổ chức và chấm chọn bài tại địa phương.
 
-Không bắt buộc 100% học sinh tham gia.
 
-Bản quyền các bài thi thuộc về Ban Tổ chức.
 
-Số hiệu : 112815 là mã Bưu chính của Báo Thiếu niên Tiền phong.
 
D.GIẢI THƯỞNG:
 
1.Giải thưởng Quốc gia:
 
-Các thí sinh đoạt giải chính thức sẽ được công nhận Học sinh giỏi Quốc gia môn Văn tương ứng.
 
-Các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.
 
-Ban Tổ chức hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nghi cho các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và kèm hai người thân (phụ huynh và nhà trường) dự Lễ tổng kết và trao giải thưởng.
 
Giải cá nhân:
 
-1 giải Nhất: 5.000.000 đồng; 3 giải Nhì, mỗi giải: 3.000.000 đồng; 5 giải Ba, mỗi giải: 2.000.000 đồng; 30 giải Khuyến khích, mỗi giải: 1.000.000 đồng.
 
- Các giải phụ: Giải dành cho thí sinh là người dân tộc:1.000.000 đồng; Giải dành cho thí sinh là ngưòi khuyết tật: 1.000.000 đồng.
 
-Ban tổ chức trao giải “Cây bút triển vọng” cho các thí sinh còn lại có bài vào vòng chung khảo, mỗi giải 500.000 đồng.
 
Giải tập thể:
 
Các trường có học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba được nhận giải tập thể, mỗi giải 1.000.000 đồng.
 
2.Giải thưởng Quốc tế:
 
Bức thư đoạt giải Nhất Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp để tham dự cuộc thi viết thư Quốc tế. Nếu đoạt giải, sẽ được tặng thưởng: Giải Nhất: 30 triệu đồng; Giải Nhì: 20 triệu đồng; Giải Ba: 15 triệu đồng; Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng. Ban Tổ chức sẽ đề nghị các đon vị liên quan có hình thức khen thưởng phù hợp.
 
E.BAN TỔ CHỨC:
 
Trưởng ban: Ông Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
 
Phó trưởng ban:
 
-Ông Nguyễn Đức Quang, Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong.
 
-Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TT-TT
 
-Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
 
-Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV- Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
Và các ủy viên.
 
F.BAN GIÁM KHẢO:
 
Trưởng ban: Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Phó Trưởng ban: Nhà thơ Nguyễn Đức Quang, Tổng Biên tập báo TNTP.
 
Các ủy viên: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà báo Phạm Thành Long, nhà biên kịch Vũ Quang Vinh, nhà văn Lê Phương Liên, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà thơ Hữu Việt, nhà giáo Nguyễn Thụy Anh, nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình, nhà giáo Trần Thị Kim Dung, nhà báo Lưu Thị Hà, nhà văn Phong Điệp, nhà giáo Nguyễn Thị Hậu.
 
Ban tổ chức đề nghị các cấp, các ngành phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, nhà trường, các em học sinh tham gia cuộc thi với chất lượng cao nhất.
 
============================================
 
Gợi ý về chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46
 
Cùng với thể lệ cuộc thi, Ban tổ chức cũng đưa ra một số gợi ý liên quan đến chủ đề cũng như kỹ thuật viết một bức thư để các em thanh thiếu niên trên cả nước cùng tham khảo trong việc thể hiện sự sáng tạo, những ý tưởng độc đáo của mình trong khi viết. Cụ thể:
 
I. Về kỹ thuật viết thư 
 
- Các em đều biết là bức thư cần được viết dưới dạng văn xuôi. Chủ đề năm nay mang các yếu tố của một bài văn nghị luận, mong muốn các em thể hiện sự hiểu biết và quan tâm đến các vấn đề nổi bật trong thế giới mà chúng ta đang sống. Các em nên đưa ra lý lẽ, quan điểm của cá nhân rồi tìm các dẫn chứng thuyết phục để chứng minh cho các quan điểm đó của mình. Hãy cố gắng thể hiện khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề mà thế giới hiện nay đang phải đối mặt.
 
- Sau khi đã lựa chọn được “vấn đề toàn cầu” nóng bỏng nhất theo quan điểm của mình, các em hãy chọn một kết cấu cho bức thư thật độc đáo và sáng tạo để thể hiện ý tưởng đó. Các em nên tránh cách viết thư theo kiểu trình bày tư liệu khô khan, liệt kê hay kể lể chung chung.
 
- Các em hãy viết bức thư của mình bằng những câu văn  rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc. Nếu chọn lối đối thoại trực tiếp với ông Tổng Thư ký mới để trình bày sự tư vấn của mình về một vấn đề toàn cầu mà mình lựa chọn đầu tiên và trình bày cách giải quyết nó, chắc chắn bức thư sẽ rất thuyết phục và ấn tượng. Những bức thư đoạt giải cao thường là những bức thư làm lay động trái tim người đọc không chỉ bởi ý tưởng, kết cấu bức thư mà còn bởi những cảm xúc chân thành mà người viết thể hiện.
 
- Các em chú ý không viết bức thư dài quá 1000 từ.
 
II. Về chủ đề cuộc thi viết thư UPU 46
 
Chủ đề cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU năm nay vẫn là dạng đề mở với các nội dung rộng lớn để các em dễ dàng lựa chọn. Tuy nhiên, các em lưu ý, chủ đề đưa ra những giới hạn rất cụ thể: Em phải viết thư với vai trò là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc; em phải chọn được một vấn đề nào đó mà em cho là Tổng thư ký mới phải xử lý trước tiên khi ông bắt đầu nhiệm kỳ của mình, một vấn đề mang tầm cỡ toàn cầu; em phải đưa ra được các giải pháp cụ thể để giải quyết được vấn đề mà em đã lựa chọn.
 
Trước hết, em cần biết được bối cảnh ra đời và tính thời sự của chủ đề năm nay. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ngài Antonio Guterres, sẽ kế nhiệm Tổng Thư ký Liên hợp quốc hiện tại là ông Ban Ki-moon (nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc). Ông Tổng Thư ký mới sẽ nhận nhiệm vụ mới vào tháng 1/2017. Ông nguyên là Thủ tướng Bồ Đào Nha, đồng thời lãnh đạo tổ chức Cao ủy về người Tị nạn của Liên hợp quốc trong nhiều năm. Chủ đề cuộc thi Viết thư quốc tế UPU năm nay muốn tạo cho các em cơ hội được tham gia thảo luận, đề xuất ý kiến và suy nghĩ của mình về những vấn đề toàn cầu nóng bỏng cần được ưu tiên xử lý trong thế giới hiện đại.
 
Sau đó, em nên tìm hiểu kỹ về những vấn đề nóng bỏng toàn cầu hiện nay là gì? “Địa chỉ” thông tin đầu tiên các em cần tìm hiểu là “Các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc” (UN Sustainable Development Goals, SDGs) nhé. Có 17 mục tiêu mà Liên hợp quốc hướng tới hiện nay: Xóa nghèo; xóa đói; sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; giáo dục có chất lượng; bình đẳng giới; nước sạch và vệ sinh; năng lượng sạch và giá hợp lý; tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng; giảm bất bình đẳng; thành phố và cộng đồng bền vững; tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; hành động bảo vệ khí hậu; cuộc sống dưới nước; cuộc sống trên mặt đất; xã hội hòa bình; quan hệ đối tác toàn cầu. Mỗi mục tiêu đều chứa đựng bên trong đó những nội dung vô cùng ý nghĩa và nhân văn, hướng tới một mục tiêu chung là chấm dứt đói nghèo, bất bình đẳng, đem lại hòa bình, hạnh phúc, sự thịnh vượng cho con người và bảo vệ hành tinh một cách bền vững của chúng ta.
 
Ngoài ra, các em cũng nên tham khảo thêm các nguồn tư liệu đáng tin cậy khác từ các trang web chính thống, sách, báo… để có thêm những thông tin mới, những quan điểm mới, giúp các em có một cái nhìn đầy đủ, chính xác hơn về thế giới đương đại của chúng ta.  
 
Sau khi các em đã hình dung được một bức tranh toàn cảnh về những vấn đề toàn cầu, các em hãy lựa chọn một vấn đề mà em cho là quan trọng và cấp bách nhất. Hãy lý giải thật rõ ràng, sáng tỏ vì sao em chọn vấn đề đó; vấn đề đó đang có tác động như thế nào tới con người và có sức ảnh hưởng như thế nào trong thế giới chúng ta đang sống.  
 
Một phần vô cùng quan trọng của bức thư là các em đưa ra được những giải pháp cụ thể và đầy sức thuyết phục để giải quyết vấn đề mà em đã lựa chọn. Đó có thể là những giải pháp khả thi, áp dụng được vào cuộc sống hiện thực; nhưng cũng có thể là những giải pháp lâu dài, cần một ý chí, cần một sự phấn đấu bền lâu hay sự chung tay gánh vác của toàn thể cộng đồng, của toàn nhân loại. Nói tóm lại là phải có ý tưởng về một giải pháp để thực hiện vấn đề mà em lựa chọn tư vấn cho Tổng Thư ký mới.
 
Em nên theo dõi chuyên mục “Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU đồng hành cùng bạn” trên báo Thiếu niên Tiền phong và trên trang web: www.thieunien.vn. Ở chuyên mục này có nhiều thông tin bổ ích và bí quyết thú vị, giúp các em viết được những bức thư hay như: các bạn đoạt giải cao trong các cuộc thi Viết thư quốc tế UPU sẽ tiết lộ những “điều bí mật” khi viết thư; các cô giáo dạy văn có nhiều học trò đoạt giải chia sẻ kinh nghiệm; các thành viên Ban Giám khảo trao đổi, gợi ý hoặc trả lời các thắc mắc của các em; cung cấp thêm các thông tin mới về chủ đề cuộc thi năm nay cho các em…
 
Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi hy vọng sẽ nhận được những bức thư hay và ý nghĩa của các em, góp thêm tiếng nói của thiếu nhi Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu một cách bền vững, hướng đến một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, bình đẳng và thịnh vượng.
 
BAN TỔ CHỨC CUỘC THI VIẾT THƯ UPU 46

TIN LIÊN QUAN