(Baonghean) - Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh có ý nghĩa rất quan trọng trong góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Vấn đề là cần tìm ra các giải pháp để công tác này sớm đạt hiệu quả như mong muốn...

Nhiều vi phạm

Gần 11 giờ 30 phút ngày 21/11, tại cổng Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh), trên đường Phan Bội Châu, chỉ chưa đầy 5 phút sau tiếng trống tan trường, học sinh ào ra như ong vỡ tổ. Các em đa phần đi về nhà trên xe đạp, xe máy điện, một số ít lên những chiếc ô tô bố mẹ đón.

images1752566_bna_5834f5a394a81.jpgMột số học sinh Trường THPT dân lập Nguyễn Trường Tộ đi xe máy đến trường.

Phần đường trước cổng trường trở nên lộn xộn khi nhiều em dừng xe xuống lòng đường để chờ nhau, rồi các em dàn hàng ba, hàng tư để đi. Nhiều em đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, trong đó có nhiều em mang mũ theo nhưng lại treo ở xe chứ không đội.

Tại cổng Trường THPT dân lập Nguyễn Trường Tộ, cùng với cảnh lộn xộn như trên, còn có tình trạng học sinh của trường sử dụng xe máy phân khối lớn (xe có dung tích xi - lanh trên 50 phân khối) khá phổ biến.

Chỉ cách cổng trường vài chục mét, có 2 điểm giữ xe cho học sinh của các hộ dân. Tại các điểm giữ xe này, xe đạp và xe đạp điện được để phía ngoài, còn xe máy phân khối lớn được “giấu” trong nhà. 

Cuối buổi chiều ngày 21/11, tại ngã tư Nguyễn Sỹ Sách - Hà Huy Tập, vào giờ tan tầm, các loại phương tiện giao thông bắt đầu đổ dồn về. Đây cũng là giờ mà các em học sinh các trường THPT Hà Huy Tập (từ phía tuyến đường đường Phan Bội Châu - Nguyễn Sỹ Sách), THPT Nguyễn Trường Tộ (từ phía đường Hà Huy Tập), THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Huỳnh Thúc Kháng (từ phía đường Nguyễn Văn Cừ) tan trường trở về nhà.

Theo quan sát của chúng tôi, dù có đến 3 cảnh sát giao thông (2 nam, một nữ) trực ở ngã tư này, nhưng hầu hết các em học sinh đều “hồn nhiên” tiến thẳng về phía trước hoặc rẽ trái khi đèn tín hiệu chuyển sang đỏ, khiến nhiều ô tô, xe máy phải phanh gấp. Đến 17h, ngã tư bị tắc nghẽn cục bộ, 2 cảnh sát giao thông phải đứng ra điều tiết giao thông. Những người điều khiển xe ô tô, xe máy chấp hành khá nghiêm chỉnh hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, nhưng nhiều học sinh đi xe đạp, xe đạp điện phớt lờ, khiến cho công việc của cảnh sát giao thông thêm vất vả. 

Cần xử lý nghiêm khắc

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những nỗ lực nhất định trong việc giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Từ đầu năm 2014, thực hiện Quyết định số 482/QĐ-UBND-NC của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2014 đến năm 2018”, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thường xuyên phối hợp với Ban ATGT tỉnh, các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn... Đồng thời, tổ chức cấp, phát sách về Luật Giao thông cho tất cả các trường trên địa bàn tỉnh; phát động các phong trào, cuộc thi về nội dung an toàn giao thông, văn hóa giao thông.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các cấp học tổ chức dạy chương trình học về ATGT vào tháng cao điểm; thường xuyên lồng ghép giáo dục Luật Giao thông đường bộ với các môn học, như: Mỹ thuật, Đạo đức, Giáo dục công dân... với các khẩu hiệu, như: “Tai nạn giao thông - nỗi đau còn đó”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Văn hóa giao thông là không tai nạn”..., đến nay đã có hơn 1.500 trường ở tất cả các cấp học trong toàn tỉnh triển khai công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, văn hóa giao thông cho học sinh.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tăng cường chỉ đạo các trường tổ chức cho học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm Luật Giao thông vào đầu năm học; tăng cường kiểm tra học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ”. 

Thực tế, một số trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện khá tốt việc nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, văn hóa giao thông học sinh. Ở huyện Thanh Chương, Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách nằm gần địa bàn khu dân cư, lại sát trục Tỉnh lộ 558 nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông; tuy nhiên, những năm qua nhà trường không có trường hợp học sinh nào bị xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông cũng như tai nạn giao thông.

Chở 3, 4 thậm chí là chở 5 là hiện tượng không hiếm trong giờ tan tầm. Ảnh: Lâm Tùng

Thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo Đoàn thanh niên duy trì tốt hoạt động của Đội xung kích tình nguyện, có nhiệm vụ đứng ra hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhắc nhở các học sinh không tập trung đông, đợi nhau ở cổng trường. Học sinh nào vi phạm đều bị ghi tên, thông báo về lớp nhắc nhở, nếu tái phạm nhiều lần sẽ hạ hạnh kiểm. Nhà trường cũng quản lý tốt việc học sinh đi xe đạp điện, nghiêm cấm không cho học sinh đi xe máy đến trường. Hàng năm, nhà trường phối hợp công an tổ chức tuyên truyền, ký cam kết và đặc biệt là kiên quyết xử lý học sinh vi phạm pháp luật an toàn giao thông như thông báo cho phụ huynh, hạ hạnh kiểm...”.

Em Hoàng Thị Hạnh - học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách cho biết: “Trước đây mỗi khi tan trường em và các bạn chờ nhau rồi cùng về và thường đi theo hàng ngang, nay được nhà trường tuyên truyền, giáo dục về văn hóa giao thông, chúng em đã nhận thức được đó là hành vi có thể dẫn đến tai nạn giao thông”.

Một tiết mục tiểu phẩm trong Hội thi Thanh niên với văn hóa giao thông do Thành đoàn Vinh tổ chức

Tuy vậy, giáo dục an toàn giao thông trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Cô giáo Bùi Thị Hằng - Giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh) cho biết: “Hiện chưa có một khung chương trình cụ thể, thống nhất về giáo dục văn hóa giao thông ở cả ba cấp học. Những kiến thức về pháp luật giao thông mới chỉ được giới thiệu rải rác trong môn Giáo dục công dân. Hiện nay việc tuyên truyền ở nhiều trường học mới chỉ chú trọng đến các quy định pháp luật về an toàn giao thông chứ chưa chú trọng tới văn hóa giao thông." 

Trong lúc đó, văn hóa giao thông không chỉ là nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông mà còn phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông (như gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ kịp thời...) và cư xử có văn hoá khi lưu thông trên đường, như tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt... Do đó, hiệu quả của việc tuyên truyền còn thiếu và sức tác động tới học sinh bị hạn chế”. 

Dàn hàng ngang gây mất ATGT.Ảnh Lâm Tùng

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các nhà trường và lực lượng CSGT cũng đã được tiến hành, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền đầu năm học và xử lý các học sinh đi xe máy, còn các trường hợp học sinh đi xe đạp điện, xe đạp vượt đèn đỏ, dàn hàng 3, hàng 4 vẫn chưa bị xử lý hoặc xử lý còn nương nhẹ.

Theo thầy Trần Cao Cường - Bí thư Đoàn Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh), lực lượng cảnh sát giao thông cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm này, như tạm giữ xe vi phạm, báo về trường để có cơ sở xếp loại hạnh kiểm của học sinh, hoặc thông báo cho phụ huynh đến nộp phạt để nhận xe về..., như vậy mới có tác dụng răn đe mạnh đối với học sinh vi phạm để các em biết sợ, biết tuân thủ Luật An toàn giao thông, có văn hóa khi tham gia giao thông. 

Minh Quân
 

    

TIN LIÊN QUAN