(Baonghean) - Ngày 7/9 là thời điểm cuối cùng kết thúc nguyện vọng 2 và cũng là thời điểm mà các trường bắt đầu nhập học cho thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 qua kỳ thi THPT quốc gia. Đến lúc này, bức tranh toàn cảnh về mùa xét tuyển đại học, cao đẳng năm học 2015 - 2016 cơ bản đã hình thành.
Thừa, thiếu chỉ tiêu cục bộ
Ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2), khu vực nhận hồ sơ của Trường Đại học Vinh vẫn tấp nập các thí sinh đến nộp hồ sơ. Đường dây nóng của nhà trường cũng liên tục đổ chuông với rất nhiều thắc mắc của các thí sinh gọi về xin tư vấn, hỗ trợ ngành nghề. Trên bảng tổng hợp của nhà trường cho đến sáng 7/9 đã có trên 1.600 hồ sơ đăng ký NV2, trong đó có những ngành thí sinh đã vượt chỉ tiêu. Cao nhất là ngành Luật Kinh tế, dù chỉ có 200 chỉ tiêu, nhưng số thí sinh nộp hồ sơ đã lên đến 309 em, điểm dự báo trúng tuyển là 21 điểm. Đặc biệt, trong số thí sinh nộp NV2 vào khoa này, có những thí sinh điểm trúng tuyển rất cao, ngang với điểm trúng tuyển của những trường hàng đầu cả nước, như thí sinh Nguyễn Thị Hiền 28,25 điểm (Khoa Luật Kinh tế) và Phạm Thị Hiên 28,75 điểm (Khoa Luật).
Mặc dù về cơ bản Khoa Luật và Luật Kinh tế đã hết chỉ tiêu, nhưng trong ngày cuối cùng số thí sinh đến để nộp hồ sơ vào ngành này vẫn khá đông. Điều này càng gây áp lực cho thí sinh và đặt cục diện tuyển sinh ngày cuối cùng thêm căng thẳng. Có một thực tế, phần lớn thí sinh vẫn nộp hồ sơ theo tâm lý đám đông chứ chưa có nhận thức rõ ràng để chọn nghề. Vì vậy, có những ngành thí sinh phải cạnh tranh rất căng thẳng; ngược lại có những ngành nghề rất vắng thí sinh đăng ký. Đơn cử như ngành Nuôi trồng thủy sản chỉ có 12 hồ sơ, Báo chí 35 hồ sơ, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 36 hồ sơ, Kỹ thuật điện tử truyền thông 9 hồ sơ, Xây dựng gần 60 hồ sơ...
Năm học 2016, Trường Đại học Vinh có trên 5.100 chỉ tiêu. Hết đợt tuyển sinh NV1 nhà trường đã tuyển được trên 4.416 thí sinh (trên 80%), trong đó có nhiều khoa đã tuyển đủ. Sang đợt 2 với hơn 1.600 hồ sơ đăng ký, tiến sỹ Nguyễn Xuân Bình - Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Mặc dù có một số ngành chưa đủ chỉ tiêu, nhưng sau NV2 nhà trường sẽ kết thúc việc tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đầu vào cho nhà trường.
Ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, kết thúc đợt xét tuyển NV2, cũng đã nhận được 1.020 hồ sơ/1.210 chỉ tiêu đăng ký vào học. Tuy năm nay hình thức xét tuyển mới được dự đoán là sẽ khó cho các trường tốp dưới và các trường cao đẳng, nhưng với kết quả này, ông Đặng Khắc Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: Đây là kết quả tuyển sinh tốt nhất của nhà trường trong vài năm trở lại đây. Trong đó, có nhiều khoa thừa nguồn tuyển sinh như Sư phạm Mầm non, Sư phạm Tiểu học. Với trên 90% chỉ tiêu đã tuyển sinh đủ, nhà trường chưa có kế hoạch tuyển sinh NV3. Tuy nhiên, sau ngày 22/9, nhà trường sẽ xem xét lại nếu có nhiều thí sinh không đăng ký nhập học. Hai khoa khó tuyển sinh nhất của trường trong năm nay là tiếng Anh ngoài Sư phạm (hiện chỉ có 6 hồ sơ) và ngành Công nghệ thông tin chưa có thí sinh nào nộp hồ sơ. Sở dĩ vậy là bởi trong khi xây dựng chỉ tiêu nhà trường đã bám sát nhu cầu thực tế về việc làm. Bên cạnh đó, trong năm học nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và trực tiếp đến tư vấn tại 68 trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Nỗi lo thí sinh “ảo”
Từ 2 ngày trở lại đây, các trường đại học trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu nhập học cho các thí sinh. Tại Trường Đại học Vinh, với trên 4.000 thí sinh trúng tuyển NV1, nhà trường tổ chức nhập học thành nhiều đợt với nhiều tổ tư vấn, hỗ trợ và làm thủ tục cho thí sinh.
Thực tế, vì nhiều thí sinh do phải chạy theo việc trúng tuyển nên lượng thí sinh phải nhập học những ngành nghề không đúng nguyện vọng, không đúng sở thích là khá cao. Không ít thí sinh cũng vì lý do này nên sẽ không nhập học mà chọn thi lại vào đợt sau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thí sinh trúng tuyển “ảo”. Bên cạnh đó, cũng theo tiến sỹ Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Vinh: Năm nay kết thúc đợt 1, thí sinh điểm cao nhất có thể có cơ hội trúng tuyển 4 nguyện vọng, vậy nên nhà trường không chắc chắn tất cả 4.416 thí sinh trúng tuyển đều đến nhập học.
Tại Trường Đại học Y khoa Vinh, 3 ngành “hút” sinh viên nhất là ngành Y Đa khoa, Bác sỹ Y học dự phòng và Cử nhân điều dưỡng, tuy nhiên trong ngày nhập học số sinh viên đến nhập học chưa đạt 90%. Riêng ngành Cao đẳng hết ngày đầu tiên mới chỉ có khoảng 400 sinh viên đến nhập học dù trường có đến 800 chỉ tiêu. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Cảnh Phú, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường sẽ kéo dài thời gian nhập học đến 20 ngày. Nếu chỉ tiêu không đủ, nhà trường sẽ xem xét để gọi bổ sung.
Thấp thỏm nhất chính là những trường xét tuyển bằng học bạ. Như ở Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, kết thúc đợt 2 trường đã tuyển sinh được khoảng 70% chỉ tiêu, nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn chưa yên tâm vì trong số này, số thí sinh trúng tuyển qua xét học bạ khá nhiều. Chia sẻ về điều này, cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói rằng: “Theo quy định, thí sinh chỉ cần có đủ điểm học bạ theo quy định là có thể trúng tuyển và chúng tôi đều đã gửi giấy báo. Nhưng trong quá trình nộp hồ sơ, thí sinh chỉ nộp học bạ phô tô, nên chúng tôi không khẳng định được ngoài Trường Đại học Kinh tế Nghệ An các em có nộp thêm trường nào khác nữa hay không”. Thầy giáo Đặng Khắc Thắng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cũng bày tỏ quan điểm: Theo lý thuyết thì thí sinh đã đậu trường nào, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khóa mã và không cho thí sinh đăng ký vào các trường khác. Nhưng trên thực tế có quản lý được hay không thì không chắc chắn được. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hồ sơ “ảo”.
Như vậy, đợt xét tuyển NV2 vào các trường đại học, cao đẳng đã kết thúc. Tuy nhiên, sau xét tuyển NV2, hầu hết cơ hội vào những trường đại học có uy tín không nhiều và đó sẽ là khó khăn buộc các thí sinh chưa trúng tuyển phải hết sức thận trọng trong đợt xét tuyển NV3. Theo kế hoạch, đợt xét tuyển NV3 sẽ bắt đầu từ 10 - 25/10. Đợt xét tuyển NV4 sẽ bắt đầu vào tháng 11 nhưng chỉ dành cho các trường cao đẳng.
Bài, ảnh: Mỹ Hà