(Baonghean) - Dòng sông Hiếu bắt nguồn từ các huyện vùng Tây Bắc xứ Nghệ, về đến vùng hạ lưu (huyện Tân Kỳ và Anh Sơn) có tên gọi là sông Con. Người dân nơi đây giải thích: tên gọi sông Con (sông nhỏ) là để phân biệt với sông Cả (sông lớn), tức là sông Lam, vì hai con sông này hợp lưu tại ngã ba Cây Chanh (xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn). Gọi là "Con" nhưng bề rộng và lưu lượng nước con sông này không hề nhỏ. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ nó đã gây biết bao trở ngại trên hành trình đi tìm cái chữ của các em nhỏ, trong đó có gần 200 học sinh xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn.
"Chiếc cầu... vẫn còn xa lắm!"
Còn nhớ, 3 năm trước, chúng tôi lên chuyến đò ngang ở xã Bình Sơn để tìm hiểu những khó khăn, vất vả của các em học sinh. Qua lại không dưới 10 chuyến đò, ngồi từ giữa trưa đến tận chiều tối, lắng nghe tâm tư của bao học sinh, phụ huynh và cả người lái đò, trở về chúng tôi có phóng sự "Chòng chành con chữ giữa dòng sông Con" đăng báo Nghệ An. Sau đó một thời gian, nghe đâu có thông tin: xã Bình Sơn sắp được đầu tư xây dựng chiếc cầu treo vượt sông Con, người viết thực sự mừng thầm cho các em nhỏ đã hết nỗi lo cách trở, gian nan trên con đường đến lớp... Nhưng sau trận lũ lụt vừa qua, trở lại xã Bình Sơn, hỏi về chiếc cầu treo, người dân trả lời một cách hóm hỉnh và không kém phần chua xót: "Chiếc cầu ư? Vẫn còn xa lắm...!".
Xã Bình Sơn có 4 xóm nằm phía tả ngạn sông Con. Bao đời nay, việc giao lưu kinh tế - xã hội luôn gặp nhiều trắc trở vì cảnh sông nước, đò giang. Bởi người dân muốn sang trung tâm xã, con trẻ muốn đến trường không có cách nào khác là phải vượt sông. Toàn xã Bình Sơn có tới 3 bến đò ngang hoạt động. Điều đáng nói là những con đò ở đây hết sức thô sơ và cũ kỹ. Và không rõ từ thuở nào, bao thế hệ học trò ở Bình Sơn phải đến trường trên những chuyến đò ngang chòng chành để lại bao nỗi lo âu cho nhiều người cha, người mẹ. Theo thống kê, năm học này xã Bình Sơn có gần 200 em học sinh ở vùng tả ngạn hàng ngày phải vượt sông đến trường, đối mặt với bao hiểm nguy mỗi khi nước lũ tràn về.
Nỗi lo âu của học sinh xã Bình Sơn trên chuyến đò vượt sông Con.
Chòng chành... bao nỗi lo âu
Lần này, chúng tôi tìm đến bến đò thôn Đa Hội (xóm 12) đúng vào giờ tan học. Sông Con mùa lũ nước cuồn cuộn chảy, mặt sông đang xâm lấn cả khu vực bãi bồi nên càng rộng hơn. Từng đoàn học sinh chen nhau trên con đò nhỏ cũ kỹ, mỗi chuyến có khoảng 10- 20 em. Hỏi chuyện Nguyễn Văn Dũng, một học sinh lớp 7, em cho biết: "Từ lúc đi học, ngày nào em cũng phải qua đò để đến trường. Vào ngày mưa lụt, nước lên cao em rất lo. Chỉ khi nào bước chân lên bờ, em mới thật sự yên tâm". Đi cùng chuyến đò còn có anh Nguyễn Văn Xuân, một phụ huynh có 3 con đang theo học tại trường Tiểu học và THCS. Thấy chúng tôi hỏi về chuyện học hành, đò giang, anh Xuân góp lời: "Lúc các con cắp sách ra khỏi ngõ, ở nhà chúng tôi thật sự không yên lòng. Lo nhất là những đứa nhỏ đang học mầm non và tiểu học, nhiều lúc bố mẹ phải đưa ra tận bến đò đứng dõi theo, khi đò cập bến bên kia, các con lên bờ và đưa tay vẫy chúng tôi mới yên tâm trở về".
Giờ nghỉ trưa, chúng tôi tranh thủ tìm cách gợi chuyện người lái đò Bùi Xuân Thuận - một nam thanh niên tuổi còn khá trẻ. Mấy năm nay, Thuận ra bến sông lái đò nối nghiệp cha. Cha con anh chỉ thu cước phí đối với khách vãng lai, còn người dân trong xóm trả công bằng thóc lúa vào mùa thu hoạch. Cả xóm anh có hơn 50 em học sinh, từ bậc mầm non, tiểu học đến THCS, hàng ngày phải qua đò đến trường. Anh Thuận cho biết: "Thấm thía nỗi lo âu của các bậc làm cha, làm mẹ lúc con cái bước lên đò để đến trường nên mình phải làm hết trách nhiệm. Dòng sông Con trước đây vốn khá hiền hòa, yên ả nhưng những năm gần đây bỗng dưng lại "trở chứng", lũ lụt liên tục và rất thất thường. Có những lúc trời nắng đẹp nhưng nước lũ đầu nguồn bất chợt đổ về, nếu không tỉnh táo và thiếu kinh nghiệm chắc trở tay không kịp. Nhìn các cháu lội bùn, dầm mưa đến trường mà thương quá!. Nghe nói đã có dự án làm cầu nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Mong cho dự án sớm thi công, để các em đỡ vất vả, chông chênh trên đường đến trường".
Cùng chung nỗi lo âu khi học sinh phải vượt sông tới trường trong mùa mưa lũ, thầy Nguyễn Đình Đồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Sơn chia sẻ: "Những hôm mưa gió, thấy học sinh quần áo lấm lem, ướt dầm dề, các thầy cô thương lắm. Hôm nào nước dâng cao, để đảm bảo an toàn, nhà trường quyết định cho các em nghỉ và vận động giáo viên tổ chức dạy học bù vào những ngày hôm sau. Mong Nhà nước sớm đầu tư, giúp đỡ Bình Sơn xây dựng một chiếc cầu để con đường đến trường của các em học sinh đỡ phần gian nan, vất vả". Chúng tôi chuyển những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Bình Sơn đến với đồng chí Nguyễn Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn và nhận được thông tin: "Cầu treo qua sông Con ở xã Bình Sơn đã được phê duyệt, dự án do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, hiện nay đang hoàn tất thủ tục để thực hiện giải phóng mặt bằng".