Từ xa xưa, người Việt có truyền thống “trọng tĩnh, trọng tình, trọng văn” - nghĩa là cần sự yên ổn, trọng tình nghĩa, tôn vinh văn chương, khoa bảng. Người Việt còn “trọng xỉ” - tức là trọng người cao tuổi, người đi trước, người có kinh nghiệm hơn mình. Dân gian có câu “Triều đình trọng tước, hương ước trọng xỉ” - tức là trong triều đình, trọng những người có chức tước, ở làng xã thì trọng những người cao tuổi.
Người có lối sống gia trưởng nhưng nếu thông minh, giỏi giang,... thì thường giải quyết công việc nhanh, dứt điểm. Truyền thống ấy có mặt tích cực là răn dạy, giáo dục con người sống có trước có sau, trân trọng người cao tuổi, học theo người có trình độ, năng lực, có vốn sống, có kinh nghiệm hơn mình.
Từ chỗ xã hội quá coi trọng tôn ti, thứ bậc, kinh nghiệm nên nhiều người nảy sinh tâm lý “kẻ cả”, “đàn anh”, “bề trên”. Dần dà, họ đâm ra gia trưởng, quan cách, trịch thượng, độc đoán. Và từ chỗ gia trưởng chỉ thể hiện trong gia đình, nó lây lan ra xã hội, trong đó có những người quyền cao, chức trọng.
Người có tư tưởng gia trưởng là những người thường bảo thủ, độc đoán, chỉ cho mình là đúng, thích kiểm soát hết mọi thứ, luôn muốn bắt người khác phải làm theo ý của mình.
Trong gia đình, người gia trưởng thường khiến cho cuộc sống trở nên nặng nề, khiến người khác e dè, sợ sệt, không thích gần gũi, thậm chí gây ra mâu thuẫn, bất đồng không đáng có. Trong cơ quan, nếu người có chức vụ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu mà có tư tưởng gia trưởng thì rất dễ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, dân chủ của mọi người bị bóp nghẹt.
Người có bệnh gia trưởng, độc đoán thường núp bóng “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Nhưng thực chất họ coi nhẹ vai trò lãnh đạo của tập thể; đề cao quá mức vị trí của bản thân. Họ lợi dụng chức vụ của mình, đưa cái tôi của mình lèo lái, chi phối, thậm chí lấn át tập thể cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Nguy hiểm nhất của thói gia trưởng là thái độ, hành vi can thiệp không đúng nguyên tắc vào công việc của tập thể trong công tác tuyển dụng, đề bạt, quy hoạch cán bộ,... và các vấn đề liên quan đến các chương trình, dự án đầu tư kinh tế - xã hội, đất đai, tài chính,…
Trong giải quyết công việc hay khi thuyết trình, họ coi ý kiến của mình là vượt trội, “chốt hạ”; ý kiến của người khác chỉ là phụ họa, có cho lấy lệ!
Người có bệnh gia trưởng thường đẻ ra bệnh định kiến, ngấm ngầm hoặc ra mặt trù dập những người trung thực, thẳng thắn, có ý kiến khác mình hoặc góp ý kiến phê bình mình hoặc tập thể mà mình phụ trách.
Cơ quan, đơn vị, địa phương nào mà có người đứng đầu gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền thì những người dưới quyền không dám trình bày ý kiến. Họ sợ bị vặn vẹo, làm khó, “chặn ngang”, trù dập, định kiến. Từ đó, nhiều người trở thành “cái máy dạ”, với “phương châm”: Điều một: “Thủ trưởng luôn luôn đúng”, điều hai: “Xem ở điều một”,... Thủ trưởng mà gia trưởng, độc đoán thì cán bộ cấp dưới luôn có tâm lý lo ngại, sợ sệt không đáng có; “đấu tranh không biết tránh đâu”!
Tuy vậy, cần phải hiểu rằng, khi cán bộ giữ chức vụ nào đó thì cần tránh tác phong dễ dãi, “dĩ hòa vi quý”, theo đuôi quần chúng. Phải có tư duy đột phá, vượt trội, phong cách quyết đoán của người lãnh đạo. Vì nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo, quản lý của ta hiện nay, ngoài việc phát huy vai trò của tập thể lãnh đạo, phải đề cao vai trò của cá nhân phụ trách, coi trọng sự quyết đoán của người đứng đầu. Dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kiên định, bản lĩnh, quyết đoán là những tố chất rất cần thiết của người lãnh đạo. Có kỹ năng quyết đoán mới có khả năng quyết định dứt khoát, mạnh mẽ, xử lý được những vấn đề mới, vấn đề cấp bách do cuộc sống và thực tiễn đặt ra. Vấn đề ở chỗ quyết đoán đúng, vì lợi ích chung, kết tinh được trí tuệ của tập thể thì mới thể hiện được tài năng, đức độ của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Kiên định mà không cứng nhắc, bản lĩnh mà không liều lĩnh, quyết đoán mà không độc đoán, như vậy mới làm nên phẩm chất chân chính, tư cách cần có của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Tác phong gia trưởng là một tệ hại. Khi chính quyền non trẻ vừa ra đời, Bác Hồ từng cảnh báo, những cán bộ có thái độ gia trưởng là “tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi”, “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy”, từ đó “coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”.
Gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng” và “có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến người lao động, chèn ép quần chúng”.
Chúng ta đang xây dựng một xã hội cởi mở, trình độ dân trí ngày càng cao, dân chủ ngày càng được mở rộng. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức có quyền cần phải có tư duy hành xử nhân văn, tác phong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành khoa học, vì sự phát triển tiến bộ của tổ chức, cơ quan, đơn vị; vì cuộc sống yên lành, hạnh phúc của nhân dân. Cách hành xử hách dịch, cửa quyền vốn là tàn dư của chế độ phong kiến. Nó hoàn toàn xa lạ, trái ngược với tư tưởng tiến bộ, thái độ cầu thị, tác phong dân chủ, khoa học của người cộng sản.
Không thể “con tám cũng ừ, con tư cũng gật” nhưng cũng đừng núp bóng, đừng biện bạch là do nhiều công việc, bức xúc, nóng nảy vì công việc mà gia trưởng, chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ. Khi cán bộ thực lòng cảm thông, chia sẻ với quần chúng, thì quần chúng mới quý trọng mình, như Bác Hồ đã dạy: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Đó cũng là cơ sở để phòng tránh, ngăn ngừa bệnh gia trưởng./.