(Baonghean.vn) - Theo PGS. TS Vũ Ngọc Hoàng, để kiểm soát quyền lực, đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái, biến chất trong cán bộ, đảng viên, cần đặc biệt coi trọng giải pháp phát huy vai trò dân chủ của nhân dân.
Sáng 31/5, Trường Chính trị tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập các chuyên đề cho đội ngũ báo cáo viên, giảng viên các trường Chính trị trong tỉnh. Dự Hội nghị có đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh. |
Các báo cáo viên được PGS. TS Vũ Ngọc Hoàng - Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt chuyên đề: “Lý luận thực tiễn về quyền lực và sự tha hóa quyền lực gắn với phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ cán bộ đảng viên”.
Theo ông Hoàng, quyền lực vốn là của cộng đồng nhân dân, khởi đầu là thế, và mãi mãi cũng là thế, không phải của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc về đúng chủ nhân của nó, tức là thuộc về nhân dân, được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm quyền. Khi quyền lực bị lạm dụng thì tất yếu sẽ tha hóa bộ máy cầm quyền, và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tha hóa đạo đức xã hội.
Nhiều năm qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần đề ra chủ trương và kêu gọi phải chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, cũng mất nhiều công sức cho công việc khó khăn và vất vả này, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm” chẳng những không dừng lại, mà đang còn khá phổ biến và phức tạp, gây nhức nhối xã hội, đau đầu các cơ quan lãnh đạo đất nước.
Điều đó có nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất là chưa làm tốt việc kiểm soát quyền lực, nói thẳng và mạnh hơn là quyền lực về cơ bản chưa được kiểm soát, từ đó dẫn đến tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý.
Cũng theo ông Hoàng, quyền lực phải được kiểm soát bằng chính quyền lực Nhà nước, quy định trong Hiến pháp và các luật liên quan về cơ cấu và chức năng, nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước, trong đó có sự phân quyền giữa 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, độc lập tương đối với nhau, giám sát chéo và điều chỉnh lẫn nhau, nhằm hạn chế sai lầm, hoặc khi có sai lầm thì được phát hiện và điều chỉnh, khắc phục sớm nhất.
Đồng thời, kiểm soát quyền lực thông qua việc thực thi rộng rãi quyền dân chủ; kể cả hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự; thông qua chế độ tranh cử, đề bạt và miễn nhiệm cán bộ; minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân được giao quyền lực; sự giám sát của công luận, của nhân dân; tự do tư tưởng và tự do ngôn luận để thể hiện chính kiến của những con người tham gia làm chủ đất nước.
Từ lâu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được và đã nhiều lần khẳng định trong các Nghị quyết rằng quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân không trực tiếp nắm giữ tất cả, mà chỉ nắm giữ một số vấn đề then chốt, còn lại là ủy quyền cho Nhà nước quản lý và sử dụng quyền lực để bảo vệ và phục vụ nhân dân, kiến tạo một quốc gia phát triển.
Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ, là gốc, và sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Và để đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái, biến chất, Nghị quyết TW 4, Khóa XII đặc biệt coi trọng và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Và để kiểm soát quyền lực, đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái biến chất, Nghị quyết TW 4, Khóa XII đã đề ra các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó đặc biệt coi trọng giải pháp phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, bởi dân ủy thác quyền lực cho cán bộ thì chính dân có quyền kiểm soát quyền lực đó.
Thanh Lê
TIN LIÊN QUAN |
---|