Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, đây là nguyên nhân quan trọng khiến buôn lậu diễn biến phức tạp.
Nhân dịp Năm mới Ất Mùi, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) về công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả... năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
Năm 2014, xử lý trên 206.000 vụ việc vi phạm
PV: Năm 2014, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều vụ buôn lậu quy mô lớn. Xin ông cho biết những yếu tố quan trọng nào làm nên thành công này?
Ông Nguyễn Văn Cẩn:Năm 2014 là năm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có chuyển biến nhất định. Có những kết quả rõ nét của năm qua là nhờ các yếu tố sau:
Thứ nhất, đổi mới trong nhận thức về tác hại của tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ, các ngành, các địa phương trong thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo 389.
Thứ hai, đổi mới công tác chỉ đạo, kiểm tra thông qua việc các đồng chí Trưởng Ban, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trực tiếp thị sát các tỉnh, thành phố trọng điểm.
Thứ 3, công tác đấu tranh trực tiếp cũng có thay đổi, các lực lượng chức năng chủ chốt: Công an, Biên Phòng, Hải quan, Quản lý thị trường,… đã xác lập nhiều chuyên đề, chuyên án đấu tranh hiệu quả.
Điều này thể hiện ở kết quả đấu tranh phát hiện, bắt giữ, xử lý đạt hiệu quả cao hơn năm trước: năm 2014 xử lý 206.000 vụ vi phạm, tăng 12,1% so với năm 2013; số tiền xử phạt và bán hàng tịch thu, truy thu thuế nộp ngân sách Nhà nước 13.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2013; khởi tố 2.081 vụ với 2.275 đối tượng vi phạm.
Năm 2014, các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ xử lý trên 206 nghìn vụ việc vi phạm (tăng 12,11% so với năm 2013); thu nộp NSNN từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt trên 13.000 tỷ đồng (tăng 27,1% so với năm 2013); khởi tố 2.081 vụ án hình sự với 2.275 đối tượng.
Chấn chỉnh tình trạng bảo kê cho buôn lậu
PV:Dịp Tết Nguyên đán, hoạt động tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp. Vậy theo ông, phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Ông Nguyễn Văn Cẩn:Cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp, kế hoạch, chuyên án đấu tranh chống buôn lậu, nhất là các tỉnh biên giới và các thành phố lớn nhằm hạn chế tối đa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm góp phần bình ổn và phát triển thị trường trong dịp Tết Ất Mùi 2015.
Đồng thời, về lâu dài Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xác định kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2014 là khởi đầu tích cực, cần phải tiếp tục phát huy và tập trung vào các giải pháp như: Tiếp tục xác định nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài cần phải quyết liệt, kiên trì thực hiện, cần sự vào cuộc thực sự của hệ thống chính trị, nòng cốt là các lực lượng chức năng chống buôn lậu.
Và, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, chính sách phù hợp, hạn chế phát sinh, bất cập để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, giân lận thương mại; Đảm bảo đủ thẩm quyền cho cơ quan chức năng đấu tranh hiệu quả.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu; Chấn chỉnh, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, bao che, bảo kê cho buôn lậu.
Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng tại biên giới và nội địa, tổ chức xác lập các chuyên án lớn, hàng hóa nhạy cảm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đời sống người dân.
Tăng cường công tác xã hội hóa công tác chống buôn lậu của các Hiệp hội, ngành hàng cung cấp thông tin, hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng.
Yếu nhất trong đấu tranh chống buôn lậu là phối hợp lực lượng
PV:Chúng ta còn nhiều vướng mắc trong việc phối hợp giữa các bộ, các ngành trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cần có giải pháp gì đột phá để giảm những gian nan, vướng mắc?
Ông Nguyễn Văn Cẩn: Đúng vậy, hiện nay khâu yếu nhất trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là phối hợp giữa các lực lượng; phối hợp giữa các địa phương, các ngành chức năng; phối hợp trao đổi thông tin về đối tượng, mặt hàng, giá cả… vẫn đang yếu và ít được lãnh đạo các cấp quan tâm. Điều này vô tình đã tạo kẽ hở lớn cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng.
Để khắc phục điểm yếu này, cần tiếp tục quán triệt nội dung nâng cao nhận thức công tác chỉ đạo, sự sâu sát của lãnh đạo các cấp, xác định nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài phải kiên trì thực hiện; phân công trách nhiệm, địa bàn, tuyến của các lực lượng chức năng nhằm đảm bảo sự triển khai đồng bộ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ khu vực biên giới cửa khẩu, trên biển và trong nội địa; trọng tâm vào đấu tranh với buôn lậu có tổ chức, đường dây, ổ nhóm.
Tăng cường trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, tạo mạng lưới thông tin rộng rãi, tăng cường sự tin tưởng trong chỉ đạo và triển khai giữa các đơn vị.
Thiếu giải pháp đồng bộ, hiệu quả chống buôn lậu
PV:Nguyên nhân nào khiến công tác phòng, chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng nhái, chúng ta đã làm quyết liệt rồi nhưng vẫn diễn biến phức tạp và sôi động trong dịp Tết thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cẩn: Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đều có một điểm chung đó là lợi nhuận, nó cũng vận hành theo quy luật cung cầu, ở đâu có cầu ắt sẽ có cung. Trong các dịp Tết, tình hình buôn lậu gia tăng chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao, lượng cung ứng hàng hóa ra thị trường lớn, dịp này nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng bùng phát. Các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp và sôi động dịp Tết là một thực tế.
Một số nguyên nhân cụ thể như: địa hình khu vực biên giới phức tạp, đồi núi, nhiều kênh, lối mòn qua lại biên giới. Mặt khác, trình độ dân trí thấp, kinh tế vùng biên còn gặp nhiều khó khăn nên các đầu nậu đã lợi dụng, lôi kéo người dân tham gia vận chuyển thuốc lá lậu. Tâm lý tiêu dùng sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam, trong khi hàng hóa trong nước có tính cạnh tranh chưa tốt, đạo đức kinh doanh của một bộ phận cá nhân, tổ chức trong nước đang vì lợi nhuận trước mắt đã bất chấp thủ đoạn để vi phạm.
Hơn nữa, sự vào cuộc của chính quyền và các lực lượng chức năng tại địa phương đã có, nhưng chưa thực sự quyết liệt, thiếu các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu. Trong khi đó cơ quan chức năng chính gồm: Công an, Hải quan, Biên Phòng, Quản lý thị trường biên chế ít, lực lượng mỏng, công cụ, phương tiện trang bị vừa thiếu lại vừa yếu.
Đặc biệt, chế tài xử phạt hành chính đối với lĩnh vực này vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chế tài hình sự qui định còn những hạn chế mà đối tượng có thể lợi dụng để vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng kém chất lượng.
PV: Ông có lo ngại rằng cuối năm nay, cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, TPP được ký kết thì nạn hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan?
Ông Nguyễn Văn Cẩn: Văn phòng thường trực 389 là tham mưu cho Ban Chỉ đạo quốc gia. Chúng tôi đã triển khai, có những kế hoạch cụ thể để phòng ngừa cũng như ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, tôi nghĩ các doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tập trung nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp mình và phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Trung ương và địa phương để tuyên truyền, hỗ trợ cùng đồng hành, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo VOV