( Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Hồ Đức Phớc- Bí thư Tỉnh ủy)

(Baonghean) - Năm Giáp Ngọ khép lại, Nghệ An đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo thế và lực mới để Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà bước sang năm mới Ất Mùi. Đón Xuân mới, đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy đã dành cho Báo Nghệ An cuộc trao đổi về những giải pháp, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết 26 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020.

images1131520_tbt_hdp1.jpgCác đồng chí lãnh đạo tỉnh đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm Nghệ An (tháng 4/2014). Ảnh: Sỹ Minh
 
 
Phóng viên:Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc, năm 2014, tỉnh ta đã đạt được những dấu ấn rất quan trọng. Vậy, xin đồng chí cho biết những yếu tố nào mang lại kết quả đó?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc:Năm 2014, chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Tăng trưởng GDP đạt 7,24%, thu ngân sách đạt 7.652 tỷ đồng; cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 145 dự án với số vốn hơn 43.892 tỷ đồng, nhiều nhà đầu tư lớn đã đầu tư tại Nghệ An như Tập đoàn Masan, tôn Hoa Sen, Xi măng Visai, Công ty Vạn An, Tuấn Lộc... Sản lượng lương thực đạt 1,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cơ sở hạ tầng có nhiều đột phá như mở rộng Quốc lộ 1A, Sân bay Vinh, hệ thống cầu vượt,...
 
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đạt nhiều thành tích lớn, tạo được nhiều dấu ấn quan trọng như khánh thành bệnh viện 700 gường, chữa ung thư vú bằng tế bào gốc, ghép tủy, số học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, vào đại học đứng tốp đầu của cả nước, nông thôn mới có 33 xã đạt 19/19 tiêu chí, an ninh - quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao. Để đạt được những thành tựu này, trước hết, đó là sức mạnh được tạo ra từ sự đoàn kết - đoàn kết trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy, trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân; cộng với khát vọng vươn lên và ý chí của toàn Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp đã tạo nên một phong trào cách mạng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng.
 
Thứ hai là do thuận lợi từ Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020, Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết XVII của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các cơ chế, chính sách Trung ương đã ưu đãi cho Nghệ An, đặc biệt là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, các tổ chức doanh nghiệp đối với tỉnh quê hương Bác. Nguyên nhân thứ 3 là chúng ta xác định đúng mục tiêu, đi đúng hướng, cách làm sáng tạo và chỉ đạo một cách quyết liệt. Chẳng hạn, các đơn vị, địa phương đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cũng như trong y tế và giáo dục, quản lý nhà nước.
 
Vì vậy, chúng ta tạo ra được năng suất lao động cao, giá trị sản lượng lớn, chất lượng tốt như sữa TH true milk, cam, chanh leo, chè, Nhà máy MDF, Nhà máy chế biến than sạch,... tham gia vào chuỗi giá trị chung của cả nước và quốc tế. Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Đặc biệt là sự lãnh đạo có hiệu quả của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy đối với cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội trong việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội nhằm hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua.
 
Phóng viên:Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đồng chí, chúng ta vẫn còn những tồn tại gì?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Năm vừa qua, Nghệ An đã đạt được những dấu ấn quan trọng, nhưng vẫn còn không ít tồn tại cần phải khắc phục. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận vấn đề này theo hướng tích cực, tồn tại, hạn chế của năm trước sẽ là bài học kinh nghiệm và giải pháp để khắc phục trong những năm tiếp theo. Dù năm 2014, Nghệ An đã có bước tiến tương đối tiến bộ, nhưng thực tế và xu thế phát triển chung đòi hỏi phải tạo được bước tiến nhảy vọt, tức là phải tạo được đột phá lớn cho nền kinh tế. Như vậy, mới đạt được mục tiêu Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra là đến năm 2020, Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung bộ trên 7 lĩnh vực, trở thành tỉnh khá nhất của khu vực phía Bắc như sinh thời Bác Hồ mong muốn. 
 
Nếu tăng trưởng kinh tế và quy mô nền kinh tế của chúng ta đạt như năm 2014, thì phải mất khoảng 10 năm nữa, tỉnh ta mới cân đối được thu chi ngân sách. Năm qua, chúng ta thu ngân sách gần 8.000 tỷ đồng; mỗi năm tăng khoảng 1.000 tỷ đồng thì 10 năm sau mới đạt 18.000 - 19.000 tỷ đồng. Hiện tại, mỗi năm toàn tỉnh chi 14.000 tỷ đồng và đến giai đoạn đó, chi ngân sách có thể lên đến cân đối được thu chi. Như vậy, Nghệ An chưa thể trở thành tỉnh khá được, mục tiêu tỉnh khá nhất sẽ là khó khả thi. Theo đó, năm 2014, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 26 triệu đồng (hơn 1.200 USD), trong khi yêu cầu đến năm 2020, phải đạt mức thu nhập bình quân 3.200 - 3.500 USD/người/năm. 
 
Chỉ với một phép tính đơn giản như vậy, cho thấy sự cấp thiết phải tập trung để xây dựng các trụ cột kinh tế, tạo ra những mũi đột phá lớn về kinh tế, thu hút triển khai những dự án lớn, tạo đà cho việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững; tập trung thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại và nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào phát triển nông lâm nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản vùng miền Tây Nghệ An. Cùng đó, đòi hỏi phải tiến hành một loạt các giải pháp, từ vấn đề cải cách hành chính, cơ chế chính sách thông thoáng, đào tạo nguồn nhân lực, huy động nguồn lực, xây dựng các khu công nghiệp, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng như: sân bay, bến cảng, hệ thống đường giao thông, cửa khẩu, đô thị một cách nhanh, hiệu quả nhất. 
 
Phóng viên:Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Vậy, chúng ta cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì thưa đồng chí Bí thư?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc:Năm 2015 là năm tiến hành Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2020 và cũng là năm bản lề để thực hiện một nhiệm kỳ mới với yêu cầu đột phá cao. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Sân bay Vinh trở thành sân bay quốc tế; mở rộng quy hoạch Thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thị xã Cửa Lò trở thành Đô thị du lịch biển, Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi được hưởng chính sách như Khu kinh tế Đông Nam và đang lập thủ tục Khu công nghiệp VSIP 6 và nhiều cơ chế ưu đãi khác. Năm 2015, nhiệm vụ, giải pháp tại kỳ họp HĐND tỉnh đã báo cáo và nhiều phương tiện thôngtin đại chúng đã đăng tải.
 
Ở đây tôi chỉ nêu tập trung vào mấy nội dung mang tính đột phá như: Triển khai xây dựng bến 5, 6 Cảng Cửa Lò để tàu 3 vạn tấn có thể vào ra được và đẩy nhanh dự án nâng cấp hạ tầng đô thị Vinh để TP.Vinh thực sự là động lực tăng trưởng; Dự án nâng cấp thủy nông Bắc Nghệ An nguồn vốn Jica Nhật Bản, xây dựng Nhà máy nước thô Thành phố Vinh, Khu công nghiệp VSIP 6, Khu công nghiệp Dệt may; các Nhà máy xi măng Đô Lương, xi măng Tân Thắng, Nhà máy xi măng 12-9, Hoàng Mai có sản lượng khoảng 8 triệu tấn/năm và nhiều công trình khác để tạo ra đột phá lớn cho nền kinh tế. 
 
Cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế. Một là vùng miền Tây Nghệ An; hai là vùng Vinh - Cửa Lò, Khu kinh tế Đông Nam; ba là vùng Hoàng Mai - Đông Hồi. Đây chính là 3 mũi đột phá kinh tế lớn của tỉnh. Triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện 2400 MW; hoàn thành các nhà máy MDF, nhà máy than sạch, tôn Hoa Sen, Nhà máy thực phẩm Masan,.. đang còn xây dựng dở dang; tập trung phát triển miền Tây Nghệ An, phát triển doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An làm nền tảng vững chắc cho việc phát triển kinh tế. Đó chính là tiền đề, là nền tảng hướng tới mục tiêu thu ngân sách trong nhiệm kỳ tới đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm. Song song với tạo bước đột phá về kinh tế, cần phải thúc đẩy tiến bộ về mặt xã hội, tập trung xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cũng như quốc phòng - an ninh một cách toàn diện. Làm được như vậy, Nghệ An mới trở thành tỉnh kiểu mẫu và tỉnh khá nhất của khu vực miền Bắc.
 
Phóng viên:Thưa đồng chí, trong bài phát biểu trước các đại biểu HĐND tỉnh tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 13, khóa XVI, đồng chí có nói một cách hình tượng rằng “Con cá gỗ phải trở thành quà tặng cho khách ngoài tỉnh, nhưng là con cá gỗ đã vượt vũ môn”. Vậy, để “cá gỗ” vượt vũ môn, theo đồng chí Nghệ An cần thực hiện các giải pháp gì?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc:Tôi cho rằng, muốn làm giàu được thì đầu tiên phải có khát vọng làm giàu. Vậy nên, trước hết phải làm sao lan tỏa được tư tưởng, nhận thức và khát vọng làm giàu trong mỗi người dân Nghệ An. Kể cả 3,2 triệu người dân Nghệ An đang sinh sống tại quê hương và cũng gần từng đấy người Nghệ đang ở khắp mọi miền đất nước và nước ngoài cần có cùng một khát vọng, ý chí xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh giàu mạnh, tỉnh kiểu mẫu như lời mà Bác Hồ căn dặn trước lúc Người đi xa. Để làm được điều đó, rõ ràng mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải là lực lượng tiên phong, phải là đầu tàu gương mẫu và các doanh nghiệp tỉnh Nghệ An gánh vác trọng trách là rường cột và tế bào nền kinh tế tỉnh nhà, cần vươn lên để thể hiện là lực lượng xung kích trọng yếu trong phát triển kinh tế. 
 
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp xoay quanh 4 trụ cột của kinh tế. Thứ nhất là, xây dựng miền Tây Nghệ An trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế bằng cách áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào khu vực này, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến công nghệ cao để tạo ra giá trị xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị của toàn cầu. Thứ hai là đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng. Thứ ba là tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, ban hành các cơ chế chính sách và đề xuất với Trung ương ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi. Thứ tư là phát triển dịch vụ, du lịch và thương mại. Trong dịch vụ, chú trọng dịch vụ tài chính, ngân hàng; dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực; dịch vụ y tế và các dịch vụ văn hóa, thể thao. Những dịch vụ này để phục vụ cho việc phát triển du lịch. Còn đối với lĩnh vực thương mại thì phải xây dựng các sản phẩm chủ lực của tỉnh để tham gia vào các chuỗi, các sản phẩm của toàn cầu trong xu thế hội nhập quốc tế sâu, đây là đòi hỏi rất cấp thiết. 
 
Để thực hiện được những giải pháp trên, cần phải đi tắt đón đầu, nghĩa là áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới nhất trong tất cả các lĩnh vực. Ví dụ, dự án chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH đã áp dụng công nghệ của Israel; Nhà máy gỗ MDF áp dụng công nghệ của CHLB Đức; Nhà máy sản xuất than sạch áp dụng công nghệ mới nhất của CHLB Đức để lấy các sản phẩm từ rừng như: thân, cành, ngọn cây, thậm chí là thực bì để sản xuất ra than sạch xuất khẩu, tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục vạn lao động. Thứ nữa là tập trung phát triển nguồn nhân lực, bởi muốn công nghiệp hóa - hiện đại hóa, rõ ràng nguồn nhân lực phải đáp ứng để không chỉ cung cấp trong khu vực Bắc Trung bộ mà còn đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư quốc tế và thậm chí xuất khẩu lao động vào thị trường lao động quốc tế ở trình độ cao.
 
Do vậy, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn phải vươn lên với chương trình đào tạo ngang bằng khu vực và quốc tế. Vấn đề nữa là giải quyết lực lượng lao động của tỉnh theo hướng phân luồng, hướng nghiệp, những em không vào đại học, thì cần được đào tạo nghề để có việc làm sớm. Tỉnh sẽ có chiến lược tập trung cho công tác đào tạo nghề, đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực cho khu công nghiệp, các tập đoàn kinh tế để nhà nhà, người người đều có việc làm và thu nhập. Về vấn đề tạo nguồn nhân lực, Nghệ An đã có những bước đi đạt hiệu quả cao.
 
Ví như việc năm 2014, tỉnh Nghệ An giành được 1 trong 10 thành tựu khoa học công nghệ của cả nước, đó là chữa ung thư vú bằng cách ghép tế bào gốc. Điều này không phải làm là được ngay, mà đã có sự chuẩn bị, cách đây 3 năm ta mời chuyên gia ở trung ương về làm việc giúp tỉnh (khi tôi đang làm Chủ tịch UBND tỉnh). Hoặc như sự kiện Dân ca ví, giặm xứ Nghệ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cũng là kết quả của quá trình tích lũy, tích tụ của cốt cách, tinh hoa văn hóa xứ Nghệ. Bằng chứng là, trên địa bàn Nghệ An hiện có hơn 80 câu lạc bộ dân ca với hàng ngàn thành viên tham gia sinh hoạt, trong đó có gần 50 nghệ nhân. Khi “đặc sản” dân ca ví, giặm đã lan tỏa, hòa vào dòng chảy của nhân loại, cũng chính là lúc mỗi người dân xứ Nghệ cần xác định, phải xây dựng nền văn hóa phát triển hơn, đáp ứng được yêu cầu hội nhập và xa hơn nữa là làm sao để văn hóa thực sự là mục tiêu và động lực phục vụ cho kinh tế phát triển một cách bền vững. Tài sản quý nhất, tự hào nhất của chúng ta là con người.
 
Niềm tự hào và nguồn lực quý báu, lớn nhất của chúng ta là con người và truyền thống văn hóa, đặc biệt là văn hóa hiếu học, học giỏi, bản lĩnh tự lập tự cường, thủy chung chân thành và trung thực. Xưa nay, một số người cứ nghĩ câu chuyện "con cá gỗ" là để chế diễu dân Nghệ nghèo, tằn tiện, keo kiệt nhưng sĩ diện, mà chưa khai thác theo khía cạnh ông đồ nghệ thông minh, hiếu học, thủy chung, trung thực, tự trọng và bản lĩnh. Vì vậy, việc xây dựng Nghệ An phát triển giàu mạnh cũng là khẳng định người Nghệ giỏi giang, phóng khoáng, thủy chung. Cho nên, từ năm 2015, Nghệ An phải tập trung triển khai những giải pháp mang tính đột phá, xoay quanh 4 trụ cột phát triển kinh tế để tạo đà cho cả nhiệm kỳ sau. Điều này sẽ đưa kinh tế Nghệ An tăng trưởng cao, nhanh chóng; là chiếc “chìa khóa vàng” để đến cuối nhiệm kỳ trở thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung bộ và là một trong những tỉnh khá nhất của khu vực phía Bắc. Đó cũng chính là lúc “Con cá gỗ của Nghệ An đã vượt vũ môn”. 
 
Phóng viên: Năm Giáp Ngọ đã khép lại, chúng ta đang chuẩn bị đón năm mới Ất Mùi. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có nhắn gửi như thế nào đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc:Trước hết, tôi xin gửi tới toàn thể cán bộ, đảng viên, toàn thể đồng bào, chiến sỹ lời cảm ơn sâu sắc trong năm qua đã có những đóng góp hết sức to lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh Nghệ An. Năm 2015 mở ra thời cơ mới, vận hội mới, chúc đồng bào, chiến sỹ của tỉnh nhà dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, ấm no và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình, xây dựng tỉnh Nghệ An ngày càng lớn mạnh và trở thành tỉnh kiểu mẫu, tỉnh khá nhất của khu vực miền Bắc. Với tinh thần đoàn kết chặt chẽ, trách nhiệm, khát vọng, truyền thống hiếu học, văn hóa và cách mạng, với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn và giành được thắng lợi toàn diện, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã ban hành .
 
Phóng viên:Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
 
 
P.V
(Thực hiện)